Khi Nhà nước thoái vốn tại Habeco nên ưu tiên bán cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm lực để tránh mất thương hiệu, thất thoát tài sản Nhà nước.
Dụng chiêu "cáo gửi chân"
Việc bán vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco) dù rục rịch từ lâu nhưng vẫn chưa thể thực hiện được do vướng mắc đàm phán với đối tác chiến lược Carlsberg.
Hiện Carlsberg là cổ đông chiến lược tại Habeco với việc nắm 17,51% cổ phần và theo tiết lộ của lãnh đạo Habeco, Carlsberg muốn mua 51% cổ phần của Habeco.
Tuy nhiên, Habeco còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác ngoài bia còn có thêm rượu, lương thực... Các lĩnh vực này thì quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu ở mức 49% là tối đa.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, khả năng Habeco bị Carlsberg thâu tóm cũng như kịch bản mất thương hiệu của Habeco là hoàn toàn có thể xảy ra.
Carlsberg muốn thâu tóm Habeco |
Cụ thể, Việt Nam là thị trường bia cực kỳ hấp dẫn các hãng bia trên thế giới, trong đó có Carlsberg, với khả năng tiêu thụ gần 4 tỷ lít bia mỗi năm. Trên thị trường bia Việt Nam, Habeco chiếm khoảng 18%, đứng thứ ba sau Sabeco và Heineken.
Trong khi đó, hãng bia Đan Mạch vốn nổi tiếng với chiêu "cáo gửi chân" rồi nuốt chửng chủ nhà., mà trường hợp thâu tóm Công ty Bia Huế (Huda) là một ví dụ. Năm 1994, Bia Huế đã hợp tác với Carlsberg dưới hình thức liên doanh, mỗi bên góp 50% vốn, sau đó Công ty TNHH Bia Huế (Huda) ra đời.
Bia Huda nhanh chóng trở thành thương hiệu lớn ở miền Trung và sau gần 2 thập kỷ hoạt động dưới dạng liên doanh, liên kết, tới cuối năm 2011, Carlsberg lộ rõ ý đồ thâu tóm khi mua lại phần vốn của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để từ một đơn vị liên doanh trở thành công ty 100% vốn nước ngoài.
Carlsberg đã bỏ ra 1.875 tỷ đồng để mua lại phần vốn Nhà nước tại Bia Huế. Trong đó, 775 tỷ đồng trả cho giá trị hữu hình là cơ sở vật chất của 2 nhà máy và hơn 1.100 tỷ đồng trả cho giá trị thương hiệu Bia Huda.
Trước đó, Carlsberg cũng thiết lập liên doanh với Công ty Bia Việt Hà và Carlsberg sở hữu 60% cổ phần của liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á. Tỷ lệ vốn góp ban đầu của Carlsberg tại Việt Hà chỉ là 35%. Năm 2007, Carlsberg đã mua lại 30% cổ phần của Công ty Bia Hạ Long.
"Đối với Habeco, Carlsberg đang là cổ đông chiến lược và hoàn toàn hiểu được giá trị của Habeco. Theo đó, giá trị quan trọng số 1 của Habeco là thương hiệu, bên cạnh đó là đất đai với nhiều khu đất ở vị trí đắc địa. Khả năng Habeco bị thâu tóm hoàn toàn có thể xảy ra và nếu như Carlsberg chiếm được 51% cổ phần trong doanh nghiệp này thì họ sẽ điều hành hết và khi ấy người Việt phải đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.
Từ những phân tích ở trên, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội lưu ý một số vấn đề khi Nhà nước thoái vốn tại Habeco.
Thứ nhất, ai cũng muốn mua cổ phần của Habeco, vấn đề là nhà đầu tư chiến lược. Liệu sẽ có những ràng buộc gì để nhà đầu tư tiếp tục sử dụng thương hiệu Habeco hay để họ thay đổi thương hiệu?
Thứ hai, chỉ nên để nhà đầu tư chiến lược nắm 49%, nếu không Việt Nam sẽ phải đi làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thứ ba, quyền lợi của cán bộ công nhân viên, người lao động của doanh nghiệp khi thoái vốn Nhà nước, lên sàn như thế nào?
Thứ tư, phải công khai, minh bạch để bán được cổ phần với giá cao nhất.
"Kinh nghiệm cổ phần hóa của ngành thương mại Hà Nội, theo tôi biết, thông tin về mạng lưới, tiềm năng, địa tô, thương hiệu... nếu chỉ chạy mấy chữ trên mạng là không thể đủ. Những ngõ ngách, mạng lưới đẹp nhất của doanh nghiệp hay đối với Habeco là những mảnh đất vàng, có những ai biết? Thông tin mù mờ, thiếu minh bạch sẽ khiến doanh nghiệp bị định giá sai và Hà Nội cũng đã có nhiều bài học.
Chính vì thế, phải minh bạch tất cả, thông tin phải được đẩy lên mạng, lên báo chí, thà mất một vài tỷ đồng thông tin để thu về được hàng trăm tỷ.
Chưa kể có thể có hiện tượng "chân gỗ" trong đấu thầu, lúc lên sàn. Và câu hỏi cần đặt ra là bản thân tư tưởng của lãnh đạo Habeco có muốn thoái vốn hay không, muốn đi làm thuê hay làm chủ, trì trệ thoái vốn, trì trệ cổ phần hóa vì sợ mất phần?
Chính vì thế, việc thoái vốn Nhà nước ở Habeco cần có cái tâm của người lãnh đạo Habeco, sự chỉ đạo của Chính phủ và vai trò của ban đổi mới, sắp xếp DNNN", ông Vũ Vinh Phú phân tích.
Ưu tiên doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tiềm lực
Ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, Carlsberg đang là cổ đông chiến lược của Habeco, đang độc quyền định giá nên họ định giá cổ phần Habeco thấp hơn giá thị trường là điều dễ hiểu.
Để tránh thất thoát tài sản Nhà nước cũng như mất thương hiệu Habeco, ông cho rằng cần thông tin rộng rãi, tìm thêm 3-4 nhà đầu tư chiến lược, cả trong và ngoài nước, đặc biệt nên ưu tiên bán cho doanh nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực.
"Nếu chỉ có một nhà đầu tư chiến lược như Carlsberg chắc chắn Habeco sẽ bị ép. Khi ra sàn, có nhiều người trả giá, không ai ép ai được, ai trả cao người đó được mua.
Habeco có thể mời các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tham gia, chẳng hạn như Vingroup, chứ không phải kiểu doanh nghiệp nhà nước này đi mua doanh nghiệp nhà nước kia. Với những doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, tôi tin họ có đầy đủ tiềm lực để phát triển Habeco, tội gì phải mời doanh nghiệp nước ngoài vào để rồi lo mất thương hiệu, chuyển giá, trốn thuế hay đi làm thuê.
Mời doanh nghiệp Việt không hề khó, cứ minh bạch, công khai thông tin, khách quan và chống lợi ích nhóm", ông Vũ Vinh Phú cho biết.
(http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/carlsberg-muon-thau-tom-habeco-nguy-co-mat-thuong-hieu-3342882/)
Habeco tiếp tục thay đổi nhân sự cấp cao
Sau khi ông Nguyễn Hồng Linh thôi giữ quyền điều hành Habeco, công ty này tiếp tục chuẩn bị cho một sự thay đổi nhân ... |
Sau soát xét, Sabeco báo cáo tài chính tăng gần 142 tỉ đồng
TCty CP Bia - Rượu- NGK Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố báo cáo tài chính, trong đó việc báo cáo tăng gần 142 tỉ ... |
Bán vốn Sabeco: Dùng dằng mất cơ hội, nhà nước thiệt
Nhà nước đang thiếu vốn đầu tư, nếu bán vốn một lần tại Sabeco nhà nước có thể thu vài tỷ USD lấy tiền đầu ... |