Biết mình có thể mang bệnh di truyền của cha, từ tuổi 30, chị Hester (Mỹ) quyết tâm phải để đành đủ tiền để sống tuổi già thảnh thơi.
Theo New York Post, năm 2012, Tanja Hester là một chuyên gia truyền thông chính trị 33 tuổi đang mất tập trung vào công việc vì cha chị mắc một hội chứng di truyền khiến ông đau khớp, khó vận động. Biết rằng có thể mình sẽ thừa hưởng căn bệnh này từ cha, chị và chồng, nhà nghiên cứu chính trị Mark Bunge, quyết định phải nghỉ hưu sớm.
Chị Hester và anh Bunge đã dành vài năm sau đó để thực hiện kế hoạch. Tháng 12/2017, khi Hester 38 tuổi và chồng 41, cả hai đã từ giã sự nghiệp để tận hưởng cuộc sống như mình muốn.
Trong cuốn sách mới của mình "Work Optional: Retire Early the Non-Penny-Pinching Way", chị Hester chia sẻ. "Tôi không có thời gian vô tận và không phải lúc nào cũng khoẻ mạnh. Tôi có bệnh nhưng giờ chưa nghiêm trọng. Nó là cả quá trình, và hy vọng rằng sẽ từ từ trong vài thập kỷ. Tôi cũng bị đau và gặp vài phiền phức. Nhưng điều hay là tôi đã được nghỉ hoàn toàn".
Trước khi nghỉ, cặp vợ chồng này đã dự trù một khoản gấp 36 lần chi phí mỗi năm sau khi về hưu. Ngoài khoản tiết kiệm, họ còn có thu nhập thụ động từ việc đầu tư vào quỹ mở và cho thuê nhà.
Sau nhiều năm làm việc tại Los Angeles, vợ chồng chị đã mua được một căn nhà 2 tầng rộng gần 170 m2 tại khu Lake Tahoe. Họ trả góp cho ngôi nhà trong vòng 5,5 năm và đang sống tại đây, địa điểm thuận lợi để thoả mãn niềm đam mê trượt tuyết, đạp xe quanh núi.
"Chúng tôi mua nhà khi thị trường chững lại năm 2011 và chọn nhà nhỏ hơn mức mình có đủ khả năng chi trả. Đó là quyết định sáng suốt. Mua nhà to hơn hoặc ở vị trí đẹp hơn có nghĩa là phải trả nợ nhiều hơn và làm việc lâu thêm. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ có ít tiền để đầu tư hơn", chị Hester chia sẻ.
Cặp vợ chồng Mỹ, chị Tanja Hester và anh Mark Bunge tiết kiệm các chi phí mua quần áo, thiết bị nhưng sẵn sàng chi cho việc đi du lịch. Ảnh: New York Post.
Cuộc sống hiện tại của vợ chồng chị vừa giống như của những người già về hưu kiểu truyền thống vừa là những kỳ nghỉ, cuộc khám phá vô tận. "Buổi sáng thường chúng tôi thức dậy mà không cần đồng hồ báo thức, nhàn nhã ăn sáng. Buổi chiều chúng tôi có thể đi trượt tuyết, đạp xe hoặc viết lách hay làm vài công việc thiện nguyện. Sau đó, vợ chồng tôi tận hưởng bữa tối, xem phim hoặc tin tức - những điều mà thời đi làm cả hai chẳng có thời gian thực hiện", chị Hester kể.
Đó là khi ở nhà. Trong năm đầu nghỉ hưu, vợ chồng chị đã đi du lịch tới Pháp, Monaco, Mexico, Đài Loan và nhiều nơi ở Mỹ.
"Du lịch là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi đã tích được khoảng 3 triệu dặm điểm thưởng từ các chuyến công tác trước kia, vì vậy mỗi chuyến đi bây giờ sẽ giảm được chút chi phí", chị nói.
Bên cạnh thú vui trượt tuyết và du lịch, chị Hester và anh Bunge còn tham gia vào nhiều hoạt động cộng đồng sau khi về hưu. Cả hai hiện đều là chủ tịch các tổ chức môi trường tại địa phương. Chị Hester viết một blog về nghỉ hưu sớm và cùng sáng lập một chương trình radio về phụ nữ và tiền bạc.
Để tiết kiệm chi phí, cặp vợ chồng này cắt giảm ăn hàng và hạn chế đổi các đồ điện tử - chị Hester vẫn dùng chiếc iPhone 6s.
Vợ chồng chị không có ý định sinh con nên không phải lo chi phí học hành cho con và khoản đó dành lo cho sức khoẻ.
Và mặc dù vẫn kiếm được chút từ công việc tự do, kế hoạch của họ không tính đến khoản này. "Chúng tôi phải đảm bảo mình có đủ tiền sống kể cả khi không kiếm thêm được chút nào", chị Hester nói.
Những ngày không đi du lịch, chị Tanja Hester và anh Mark Bunge thảnh thơi làm những điều mình muốn mà không phải lo kiếm tiền. Ảnh: New York Post.
Khi lên kế hoạch cho việc nghỉ hưu sớm, Hester và chồng có lợi thế khi thu nhập tới 6 con số. Tuy nhiên, dưới đây là những điều chị chia sẻ khiến ai bất cứ ai cũng có thể thực hiện được để hướng tới cuộc sống an nhàn khi về già.
Lên kế hoạch cho cuộc đời
Hãy xác định xem bạn muốn khi về hưu cuộc sống của mình thế nào - bạn sẽ dành thời gian trong ngày làm gì và mục tiêu dài hạn trong đời ra sao. Thiếu kế hoạch cụ thể, bạn có thể rơi vào cảm giác trống rỗng, bực bội, phiền muộn lúc ngừng làm việc.
Xác định ngân sách cần mỗi năm sau khi nghỉ
Hester khuyên nên tiết kiệm ngân sách gấp 25 tới 35 lần khoản chi tiêu hằng năm khi nghỉ hưu. "Khi Mark và tôi mới vạch ra số tiền mình cần tiết kiệm để nghỉ việc, tôi tự hỏi \'liệu có làm được không\'. Nhưng nhờ có kế hoạch rõ ràng, chúng tôi đã làm được điều mình muốn", chị Hester nói.
Xem xét việc đầu tư và có thu nhập thụ động
Nên tìm kiếm nhiều biện pháp có thể kiếm thêm các khoản thụ động trong những năm đã về hưu - chẳng hạn như cho thuê nhà đất, nguồn lợi từ các khoản đầu tư... Chị Hester và chồng dồn một phần tiền vào quỹ đầu tư theo chỉ số và vẫn đều đều thu tiền về mà không cần phải tính toán quá nhiều.
Luôn dự trù cho các chi phí chăm sóc sức khoẻ
Duy trì việc đóng bảo hiểm y tế là phần không thể thiếu trong kế hoạch tài chính của vợ chồng Hester và chị khuyên ai cũng cần làm vậy. Bạn không thể đoán trước các vấn đề sức khoẻ có thể ập tới và việc chuẩn bị trước là điều cần thiết.
Bảo Ngọc
Những người Mỹ về hưu ở tuổi 30 với 1 triệu USD tiết kiệm
Chán ngán công việc áp lực cao, nhiều người Mỹ sống tiết kiệm để có thể nghỉ hưu khi mới ngoài 30 tuổi. |
Chủ tịch VIVASO: Rút cổ phần ở hãng phim rồi về hưu
Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) muốn rút vốn khỏi hãng phim truyện Việt Nam rồi về hưu cho đỡ mệt. |
Cảnh cáo giám đốc Sở bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước khi về hưu
Nguyên Giám đốc sở NN&PTNT Thanh Hóa Lê Như Tuấn bị kỷ luật cảnh cáo do trước khi về hưu đã ký quyết định bổ ... |
Tự nguyện về hưu sớm không đơn giản là chuyện tiền
Đà Nẵng có một số cán bộ, công chức xin nghỉ hưu sớm, và những người này được hỗ trợ bằng tiền, số tiền tuỳ ... |