Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) muốn rút vốn khỏi hãng phim truyện Việt Nam rồi về hưu cho đỡ mệt.
Ngày 21/9, trả lời về kết luận thanh tra việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS), ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso), đơn vị mua lại 65% cổ phần (32,5 tỷ đồng) của Hãng phim nói: "Tôi không quan tâm, kết luận như thế nào là việc của cơ quan chức năng.
Tôi là doanh nghiệp, có tiền đi mua khi cổ phần hóa lẽ ra nên được khuyến khích".
Ông Nguyên cho hay, từ ngày thương vụ mua bán diễn ra đến nay, hoạt động của Công ty luôn bị dõi theo khiến ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể là sau cổ phần hóa không cho ra bộ phim nào, lý do được ông Nguyên nêu là do tình trạng khiếu kiện. Khi mời đối tác Hàn Quốc đến hợp tác làm phim, họ nhìn thấy hiện trạng hãng phim và việc kiện tụng nên quay lưng.
"Tôi sẽ rút cổ phần cho xong và về nghỉ hưu, đỡ mệt", ông Nguyên nói.
Trụ sở hãng phim truyện Việt Nam
Về tương lai ông Nguyên cho rằng, hiện có một vài đơn vị đặt vấn đề mua lại, tuy nhiên việc này sẽ mất thời gian và phức tạp.
Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - người từng chỉ ra những vi phạm trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nói: "Mục tiêu ban đầu quan trọng nhất của tôi và nhiều nghệ sĩ khác, đó là buộc Công ty vận tải thủy rút khỏi Hãng phim đã đạt được".
Thời gian tới, ông Vân kỳ vọng các cấp có thẩm quyền sẽ sớm có giải pháp để vực dậy ngành phim.
Trước đó, ngày 20/9, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Kết luận chỉ rõ một số tồn tại và khuyết điểm.
Cụ thể, việc lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa vi phạm Luật Đấu thầu 2013. VFS ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa, nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định.
Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược cũng có nhiều sai sót. Cơ quan thanh tra kiến nghị, Bộ VHTTDL xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để nhà đầu tư chiến lược là Tổng công ty vận tải Thủy xin rút vốn trước thời hạn.
Về việc nhà đầu tư chiến lược VIVASO xin rút vốn trước thời hạn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trương Xuân Tám, thẳng thắn đặt nghi vấn, đây là hành động bỏ của chạy lấy người khi thấy khó khăn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc rút vốn bắt buộc phải tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo vị luật sư, nếu VIVASO là cổ đông sáng lập thì theo nguyên tắc, trong vòng 3 năm đầu kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập không được rút vốn.
Bên cạnh đó, cổ đông sáng lập cũng phải cùng chịu trách nhiệm, nếu có sai phạm thì sai đến đâu xử lý đến đó, ai sai người đó phải chịu trách nhiệm.
VIVASO đã mua lại 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam với mức giá khoảng 32,5 tỷ đồng. Về số tiền này, theo Luật sư Tám, khi VIVASO rút vốn, họ có thể bán lỗ hoặc bán lãi, nếu lãi thì ăn, còn lỗ thì chịu. Nhà đầu tư mới sẽ trả cho VIVASO số tiền này.
Thành Nam (Tổng hợp)
Nhà đầu tư mới Hãng phim truyện VN: Có lại vì đất?
Với số cổ phần tại hãng phim mà VIVASO xin rút, theo chuyên gia, nên đấu giá để tìm nhà đầu tư mới phù hợp ... |
Nhìn lại chặng đường cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam
Những giọt nước mắt, những bức xúc vì không được trả lương, sự xúc phạm khi bị gọi là Chí Phèo, định giá thương hiệu ... |
Kết luận thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam xong, nghệ sĩ vẫn lo
Tuy tỏ ra hài lòng với kết quả thanh tra Hãng phim truyện Việt Nam vừa được công bố, nhưng NBK Trịnh Thanh Nhã, đạo ... |
CPH Hãng phim truyện Việt Nam: Sai phạm chọn nhà đầu tư chiến lược
Chiều tối qua (20.9), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã thông báo kết luận thanh tra “Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt ... |