Trong khi Việt Nam đang phải ứng phó với dịch COVID-19 tăng trở lại, thì tại Nam Châu Phi đã xuất hiện biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 có tên Omicron (B.1.1. 529) đang đe dọa đến thành quả chống dịch của toàn cầu.
Theo các nhà khoa học, biến chủng mới Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Ngày 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã làm việc với WHO và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á để trao đổi thông tin về cách thức phòng, chống biến chủng mới xâm nhập vào Việt Nam.
Chủ động giám sát dịch tễ, phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường
Theo Bộ Y tế, đến sáng 30/11, Việt Nam chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 mang biến chủng mới Omicron. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19. Các nhà khoa học các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi. Song song với một số giải pháp đã triển khai kể từ khi WHO cảnh báo về nguy hiểm của biến chủng Omicron, Việt Nam đã làm việc với các tổ chức quốc tế để tiếp nhận thêm thông tin và cách thức phòng, chống biến chủng mới.
Tại buổi làm việc với ông Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, ông John MacArthur - Giám đốc CDC Hoa Kỳ (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) tại khu vực Đông Nam Á và ông Matthew Moore - Giám đốc Chương trình An ninh Y tế toàn cầu CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nêu 3 vấn đề cần trao đổi và muốn nghe ý kiến, đó là: Các giải pháp ứng phó trong phòng, chống dịch COVID-19 với sự xuất hiện của biến chủng Omicron; công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 (trong đó có tiêm cho trẻ em); vấn đề điều trị, giảm tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
Đối với biến chủng Omicron, Bộ Y tế và WHO, CDC Hoa Kỳ đã cùng bàn bạc việc tăng cường đẩy mạnh việc giám sát. WHO và CDC Hoa Kỳ đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, bao gồm: Thứ nhất, tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; thứ hai, đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng COVID-19; thứ ba, tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron; thứ tư, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới…
Các địa phương phải chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó
Theo TS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Từ kinh nghiệm chiến đấu với chủng Delta trong thời gian qua cho thấy, chỉ cần lọt một trường hợp có thể để lại những hậu quả rất lớn. Việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn. Do đó, trong khi biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa phải tăng cường thêm một bậc.
Nhấn mạnh về giải pháp, TS Thái nêu: Ngành Y tế cần bám sát thông tin lưu hành của biến chủng và khuyến nghị tăng cường rà soát nhập cảnh với các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến chủng mới. Ngành An ninh cần kiện toàn sớm hệ thống kiểm soát định danh để trong thời gian ngắn nhất xác định được các tiếp xúc nguy cơ nếu xác định được trường hợp đầu tiên. Công tác truyền thông cũng cần tăng cường trong thời gian tới nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tự dự phòng tốt hơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, để ngăn chặn biến chủng mới vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.
Chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng. Triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.
Theo báo cáo mới nhất, đến nay Việt Nam đã tiêm được hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19, tiến độ tiêm tiếp tục được đẩy nhanh, có ngày tiêm được trên 2 triệu mũi. Trước lo ngại biến chủng mới có thể vô hiệu hoá các loại vaccine phòng COVID-19 hiện đang sử dụng, chuyên gia dịch tễ cho rằng, hiện vẫn đang nghiên cứu biến chủng mới Omicron có đáp ứng với vaccine phòng COVID-19 hay không, nhưng việc bao phủ vaccine vẫn cần nhanh chóng thực hiện để đảm bảo phòng, chống dịch cho cộng đồng, không chỉ ở biến chủng mới mà còn phòng và ngăn chặn biến chủng Delta. Vì vậy, trong lúc này, các địa phương cần tăng cường năng lực y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, để đẩy mạnh mô hình điều trị tháp 3 tầng đáp ứng khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), lúc này quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng dịch của người dân, bởi hiện tại nguyên tắc số 1 vẫn là vaccine + 5K. "Chúng ta đừng nghĩ rằng tiêm vaccine rồi thì dịch không bùng lên. Nhiều nước châu Âu tiêm vaccine nhưng vẫn bùng dịch là do lơ là 5K. Với biến chủng Delta nhưng Nhật lại giảm ca mắc là do tỷ lệ tiêm vaccine cao và thực hiện 5K tốt. Vì vậy người dân tuyệt đối không được chủ quan, không được nghĩ rằng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine là an toàn. Thực hiện tốt 5K là yếu tố quan trọng để giảm lây nhiễm, theo một nghiên cứu có thể đạt tới 53%", ông Phu đặc biệt khuyến cáo.
Trần Hằng
Vaccine dành riêng cho Omicron có thể được phê duyệt sau 3-4 tháng |
Thủ tướng: Chuẩn bị phương án phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng Omicron |