Cảnh sát Myanmar tiếp tục dùng hơi cay với người biểu tình

Biểu tình tiếp tục nổ ra ở nhiều nơi tại Myanmar khiến lực lượng an ninh dùng tới hơi cay để trấn áp.

Các cuộc biểu tình lẻ tẻ được tổ chức trên khắp Myanmar vào hôm nay. Truyền thông địa phương đưa tin cảnh sát đã sử dụng hơi cay và lựu đạn choáng để trấn áp một cuộc biểu tình tại quận Sanchaung ở Yangon, thành phố lớn nhất đất nước. Không có báo cáo về thương vong.

Tại thị trấn Dawei, miền nam Myanmar, những người biểu tình hô các câu khẩu hiệu như "Dân chủ là sự nghiệp của chúng ta" và "Cách mạng phải thắng lợi".

3454 smyanmar 16977 jpg 1615008969 9207 1615017680
Người biểu tình tại thị trấn Tharkata, ngoại ô thành phố Yangon, Myanmar, ngày 6/3. Ảnh: AP.

Myanmar chìm sâu trong hỗn loạn kể từ sau khi quân đội tiến hành đảo chính lật đổ chính quyền dân cử của nước này ngày 1/2 và bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Biểu tình và đình công liên tiếp nổ ra làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh và tê liệt bộ máy hành chính.

Truyền thông nhà nước Myanmar hôm nay thông báo nếu các công chức tiếp tục đình công, họ "sẽ bị sa thải" ngay lập tức, bắt đầu từ ngày 8/3.

Dù vậy, người biểu tình ở Yangon, trung tâm thương mại của Myanmar, vẫn đổ xuống đường, đặc biệt là tại Sanchaung , khu dân cư náo nhiệt một thời với hàng loạt quán cà phê, nhà hàng, quán bar.

Hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng dưới các cuộc trấn áp của cảnh sát, và chỉ tính riêng trong ngày 3/3, số nạn nhân là 38, theo Liên Hợp Quốc. Những người biểu tình kêu gọi trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Suu Kyi, yêu cầu quân đội tôn trọng kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái khi mà đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) giành chiến thắng áp đảo.

"Chúng ta sẽ để cho quân đội Myanmar trốn tránh bao lâu nữa?", đặc phái viên Christine Schraner Burgener phát biểu tại một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 5/3. "Điều quan trọng là hội đồng này phải kiên quyết và quyết liệt trong các động thái nhằm vào quân đội cũng như sát cánh với người dân Myanmar, ủng hộ kết quả cuộc bầu cử tháng 11".

Quân đội cho biết đã kiềm chế trong các động thái ngăn chặn những cuộc biểu tình song khẳng định sẽ không để chúng đe dọa ổn định xã hội.

"Hy vọng chính trị đã bắt đầu tỏa sáng. Chúng ta không thể đánh mất động lực. Ai dám đấu tranh sẽ giành chiến thắng. Chúng ta xứng đáng có được chiến thắng", một thủ lĩnh biểu tình, Ei Thinzar Maung, viết trên Facebook.

Ít nhất một người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm qua. Một quan chức từ đảng NLD và cháu của ông cũng bị đâm chết bởi những người ủng hộ quân đội, truyền thông địa phương đưa tin.

Việc những người biểu tình Myanmar bị cảnh sát bắn chết đã gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.

"Hành vi sử dụng vũ lực với người biểu tình Myanmar cần chấm dứt ngay", Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đăng trên Twitter, kêu gọi quân đội thả Cố vấn Nhà nước Suu Kyi cùng những người bị bắt khác và khôi phục nền dân chủ cho Myanmar.

Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên những lãnh đạo quân sự Myanmar. Nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hợp Quốc Thomas Andrews kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar và thực hiện các lệnh trừng phạt về kinh tế.

Vũ Hoàng (Theo Reuters, AFP)

Hơn 600 cảnh sát tham gia biểu tình cùng dân Myanmar Hơn 600 cảnh sát tham gia biểu tình cùng dân Myanmar
Đặc phái viên LHQ kêu gọi ngừng đàn áp người biểu tình ở Myanmar Đặc phái viên LHQ kêu gọi ngừng đàn áp người biểu tình ở Myanmar

/ vnexpress.net