Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội

Những quán trà đá vỉa hè chật chội, những hàng quán tràn lề đường đã không còn nữa, thay vào đó là cảnh buôn bán ngăn nắp, có trật tự, lề lối, gọn gàng, thoáng đãng.

Vỉa hè ở Hà Nội lâu nay vẫn được ví như “thiên đường" hút mọi loại khách với các dịch vụ vô cùng đa dạng như bia “cỏ", trà đá, trà chanh, cắt tóc, hàng ăn…và đặc biệt quán nào cũng rất đông đúc, chật chội. Cảnh ăn uống trên vỉa hè đã trở thành thú vui của không ít thực khách. Rất nhiều quán trà đá dù lớn hay nhỏ, mùa hè cũng như mùa đông, sớm hay muộn, lúc nào cũng nườm nượp khách, ngồi kín cả vỉa hè.

“Vừa rẻ, vừa thoáng mát, nhiều người thích uống trà đá vỉa hè là vì thế", anh Hoàng Việt (Cầu Giấy, Hà Nội) lý giải nguyên nhân.

Hay như những quán bia vỉa hè mỗi mùa hè hầu như không ngày nào vắng vẻ. Phần lớn khách thích ngồi vỉa hè hơn là ngồi trong khuôn viên quán.

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 1

Vỉa hè Hà Nội vốn được coi là "thiên đường" trà đá, trà chanh...(Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Thủ đô)

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 2

...là nơi mưu sinh của nhiều tiểu thương...(Ảnh minh họa: Lao động)

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 3

...và cũng là nơi "hái ra tiền" của nhiều hàng quán kinh doanh. (Ảnh minh họa: Lao động)

Mỗi loại hình kinh doanh vỉa hè đều có sức hút riêng nhưng cũng vì thế mà ngày càng bành trướng, chiếm dụng không gian chung dành cho người đi bộ. Chủ trương giành lại vỉa hè cho người đi bộ của thành phố Hà Nội thời gian qua đã tác động rất mạnh đến những thói quen kinh doanh truyền thống. Thay vì cảnh mua bán xô bồ, ồn ào, chật chội trước kia là cảnh buôn bán ngăn nắp, có trật tự, lề lối, gọn gàng, thoáng đãng mà đã lâu lắm người dân Thủ đô mới được chứng kiến.

Theo khảo sát của PV VTC News, hàng loạt tụ điểm trà đá buổi trưa sát các tòa nhà văn phòng ở quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng... không còn chen chúc như trước. Ví dụ những quán từng tiếp hàng trăm lượt khách chỉ trong 2 tiếng buổi trưa ở khu vực đường Tam Trinh (Hai Bà Trưng) nay đã được thu hẹp diện tích đi một nửa, người bán chỉ còn ngồi đúng trong phạm vi cho phép và cũng chỉ nhận lượng khách vừa đủ.

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 4

Khu vực vỉa hè trên đường Tam Trinh trước đây là một điểm trà đá đón hàng trăm khách mỗi ngày nhưng đến nay đã thông thoáng do chủ quán thu hẹp diện tích bán hàng.

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 5

Một quán trà đá được phép kinh doanh trong khuôn khổ, tạo sự gọn gàng, lề lối cho vỉa hè.

Hay như ở khu vực phố Tạ Quang Bửu, đoạn gần trường Đại học Bách Khoa vốn là “thiên đường" ăn vặt của sinh viên với đủ loại, xôi, chè, bánh, thịt xiên, các hàng quán trước đây thường xuyên bày bán tràn lan kín vỉa hè thì đến nay cũng đã đường thông hè thoáng.

Thú thật là thời gian trước, chúng tôi kinh doanh ở đây cứ người này nhìn người kia, chiếm được càng nhiều không gian, nhiều chỗ ngồi thì càng bán được nhiều. Mình không lấn hè thì người khác cũng lấn, che tầm nhìn của mình thì càng khó kinh doanh. Nhưng đến nay từ khi có quy định mới, ai cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh, người bên cạnh không chiếm dụng vỉa hè thì tôi cũng không thể lấn chiếm. Ai cũng bảo nhau còn được kinh doanh là tốt rồi, không nên vi phạm để rồi lại bị cấm bán hàng loạt thì nguy”, một người bán nước ép hoa quả trên tuyến đường này nói.

Bạn trẻ Hoàng Công, sinh viên năm 2 trường Đại học Bách Khoa cũng bày tỏ sự ngạc nhiên trước diện mạo mới của vỉa hè Hà Nội: “Trước đây, từ 16h là không còn lối đi nào cho người đi bộ ở trên vỉa hè, chúng tôi phải đi bộ dưới lòng đường rất nguy hiểm. Bây giờ hàng quán bày bán gọn gàng hơn, có muốn dừng lại mua chút đồ ăn vặt cũng cảm thấy an toàn. Thú thật là trước đây tôi không có niềm tin vào cuộc chiến giành vỉa hè của Hà Nội, nhưng bây giờ nhìn kết quả thấy thật ấn tượng".

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 6

Không ai nhận ra đoạn vỉa hè này trước đây phủ kín bàn ghế màu vàng của một quán bia...

Cảnh kinh doanh hiếm có giữa 'chiến dịch' dẹp loạn vỉa hè ở Hà Nội - 7

...hay đoạn vỉa hè này vốn là trận địa của những xe "xiên bẩn", xôi, chè, nước ép...

Nhiều người tiêu dùng khác cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc "dẹp loạn" vỉa hè mặc dù lúc đầu có chút không quen.

Anh Hoàng Tuấn Anh (quận Ba Đình) nói: “Vỉa hè thông thoáng là chuyện quá tốt, dù có thể bây giờ muốn tìm một hàng trà đá tranh thủ giải khát cũng khó. Nhưng thói quen này tôi tin sẽ thay đổi và vẫn còn những hàng quán không lấn chiếm vẫn được hoạt động bình thường để phục vụ người tiêu dùng".

Anh Nguyễn Tuấn (Cầu Giấy), vốn là người bán trà đá nói: “Tôi và vợ kinh doanh trà đá cũng khoảng 5 năm rồi, thu nhập cũng đủ nuôi 2 đứa con ăn học. Bây giờ phường dẹp trà đá vỉa hè, không buôn bán được nữa nên gia đình tôi phải tính kế mưu sinh khác. Mặc dù vậy, tôi ủng hộ chủ trương này, vì đây là vì quyền lợi của cá cộng đồng, không vì bất cứ cá nhân nào".

Trong khi đó, ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, ông Vũ Vinh Phú cho rằng, để tránh tình trạng vỉa hè thông thoáng lúc công an đi tuần nhưng lại đông đúc lúc công an đi khỏi thì cần có giải pháp cụ thể.

 

vu-vinh-phu-15511813

"Tôi sống ở Hà Nội 60 năm có lẻ rồi. Cũng từng chứng kiến thành phố đòi lại vỉa hè 10 năm nay mà chưa được. Hy vọng họ có thể làm theo cách của tôi và đặc biệt là phải dẹp bỏ mọi tiêu cực thì mới mong lấy lại được vỉa hè

Chuyên gia Vũ Vinh Phú

 

“Việc này cần phải có kế hoạch rất bài bản. Chúng ta phải tổ chức điều tra, phân loại, tức là xem bức tranh toàn cảnh của vỉa hè của Hà Nội thế nào, có số liệu cụ thể về diện tích, kích thước vỉa hè, loại hình buôn bán nào đang sử dụng vỉa hè và ai là người đang buôn bán ở đó.

Ví dụ, đối với những loại vỉa hè rộng thì có thể được phép kinh doanh. Như tôi thấy ở Đức, họ còn đóng khung kính quy định các loại hình kinh doanh ở vỉa hè. Làm như thế, vừa đảo bảo mỹ quan đô thị, vừa vẫn có đường dành cho người đi bộ mà thành phố lại thu được thuế”, vị chuyên gia nói.

Thêm vào đó, theo ông Phú, cần phải phân loại các đối tượng kinh doanh có liên quan. Đối với các nhà hàng lớn, đông khách thì bắt buộc phải chuẩn bị chỗ để xe cho khách, không được sử dụng vỉa hè. Cái này thì nhiều nhà hàng đã tự làm từ lâu.

"Còn những đối tượng tôi cho là nghèo nhất, ví như những người bán nước chè, bán xôi buổi sáng thì có thể cho kinh doanh trong ngõ rộng vì hầu như phố nào cũng có ngõ rộng. Hoặc cũng có thể xếp người ta ngồi gọn gàng vào, vừa đảm bảo đường đi lại vừa văn minh.

Không phải cứ cái gì không quản lý được thì dẹp bỏ. Hàng trà đá, xôi sáng dù sao cũng đã trở thành một trong những nét vẽ tô điểm cho Hà Nội, cần phải được quy hoạch và quản lý cụ thể", ông Phú đề xuất.

Ông Phú nói thêm, vỉa hè lộn xộn như ngày hôm nay không chỉ do lỗi của người dân mà chính quyền cũng có trách nhiệm không nhỏ. Nói đúng hơn, thời gian qua, chính quyền buông lỏng trong quản lý, một số nơi bảo kê, "làm luật" cũng là một nguyên nhân dẫn đến "loạn" vỉa hè. "Cán bộ phải liêm chính, đảm bảo không nhận tiền "làm luật", thì việc mới thành. Cần phải thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm và đưa ra kế hoạch chính xác nhất để thực hiện đồng bộ thì mới thực sự lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ", ông Phú nêu quan điểm.

 https://vtc.vn/canh-kinh-doanh-hiem-co-giua-chien-dich-dep-loan-via-he-o-ha-noi-ar759776.html

 

 

 

 

 

CÔNG HIẾU / VTC News