Cảnh giác thủ đoạn gài bẫy đặt phòng trên mạng

Lượng du khách đổ lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tham quan, nghỉ dưỡng trong những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022 tăng vọt, đông hơn cả trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19 và luôn giữ ở mức cao, ổn định tới nay. Lợi dụng việc này, một số đối tượng đã gài bẫy đặt phòng nghỉ qua mạng, chiếm đoạt tiền khách hàng.

Du lịch hồi sinh sau đại dịch

Mặc dù dịch bệnh COVID-19 tại Lâm Đồng vẫn còn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh nhưng tâm lý người dân đang ngày càng vững vàng, tự tin hơn để thích ứng linh hoạt, sống chung với dịch bệnh trong trạng thái an toàn. Chính vì vậy, lượng du khách đổ lên Đà Lạt từ sau Tết Nguyên đán tới nay vẫn ổn định và giữ ở mức cao, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần.

duclich 3.jpg -0

Du khách tham gia tour cắm trại ở Đà Lạt.

Để chuẩn bị cho cao điểm mùa du lịch hè 2022, bắt đầu từ cuối tháng 4 đến hết tháng 8, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tại TP Đà Lạt đã khởi động các chương trình khuyến mãi, tăng cường xúc tiến giới thiệu tour mới nhằm kích cầu du lịch. Trước những tiến triển tích cực của thị trường du lịch đầu năm 2022, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này tại TP Đà Lạt dự báo, cao điểm mùa du lịch hè năm nay sẽ “bùng nổ” từ lễ 30/4 và 1/5.

Một số khách sạn lớn trên địa bàn TP Đà Lạt cho biết, hiện đã có trên 50% số phòng nghỉ được các doanh nghiệp du lịch tại TP Hồ Chí Minh hoặc cá nhân liên hệ đặt phòng cho dịp lễ 30/4 và 1/5. Điều này cho thấy hoạt động du lịch gần như đã trở lại bình thường, giống như thời điểm chưa xuất hiện dịch bệnh COVID-19.

Trong dịp lễ sắp tới, nhiều khách sạn lớn còn kèm theo các chương trình khuyến mãi, như giảm giá thuê phòng đối với khách đoàn đi từ 20 người trở lên hoặc lưu trú 3 đêm liên tục, thưởng thức buffet ngoài trời miễn phí, tặng vé nghe nhạc…

Chủ một khách sạn 3 sao tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết, trong đợt cao điểm du lịch hè sắp tới, ngoài nâng cao chất lượng phục vụ du khách bằng việc tu sửa, nâng cấp các phòng nghỉ, cung cách đón tiếp, phục vụ khách hàng cũng được cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch này hết sức chú trọng. Thời gian qua, khách sạn trên đã mở các lớp đào tạo kỹ năng đón tiếp, phục vụ du khách cho nhân viên nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, chuyên nghiệp, chu đáo hơn.

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng, ngành du lịch tỉnh này đã thực sự hồi sinh sau một thời gian dài lâm vào cảnh “đóng băng” vì dịch bệnh COVID-19. Lượng du khách tới Lâm Đồng tăng mạnh và giữ ổn định từ những ngày đầu năm 2022 tới nay chính là “bước đệm” để tạo ra một mùa du lịch hè sôi động, khả quan Theo thống kê, chỉ tính riêng trong tháng 2/2022, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng ước đạt 750.000 người, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó khách quốc tế ước đạt 2.500 lượt khách.

Trong hai tháng đầu năm 2022, khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng lên tới gần 1,2 triệu người, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt du khách trong dịp cao điểm mùa du lịch hè 2022. Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cũng đã làm việc với Sở VH-TT-DL tỉnh Ninh Thuận để khảo sát, tăng cường hợp tác và kết nối phát triển du lịch giữa hai địa phương.

Thận trọng đặt phòng nghỉ qua mạng

Thời gian qua, lợi dụng việc đặt phòng nghỉ qua mạng xã hội tăng mạnh, một số đối tượng lừa đảo đã lập nên các tài khoản facebook, đăng tải những hình ảnh về phòng nghỉ rồi rao bán. Nhiều người tin tưởng vào các tài khoản trên mạng xã hội nên đã liên hệ đặt phòng, chuyển khoản đặt cọc phòng nghỉ cho các đối tượng. Lừa đảo thành công, kẻ xấu lập tức chặn điện thoại, tin nhắn của nạn nhân.

Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt, thời gian qua, đơn vị đã nhận được phản ánh của một số du khách về việc bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua hình thức chuyển khoản đặt cọc phòng nghỉ. Hình thức phổ biến nhất mà kẻ lừa đảo sử dụng là đăng tải những hình ảnh đẹp về phòng nghỉ lên các hội, nhóm liên quan đến du lịch để dụ dỗ du khách liên hệ chuyển khoản đặt phòng.

Với thủ đoạn trên, một du khách đã chuyển 2,4 triệu đồng đặt cọc phòng nghỉ trên đường Nguyễn Siêu, TP Đà Lạt cho bọn lừa đảo. Phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt cũng nhận được phản ánh của một du khách khác về việc chuyển khoản, đặt cọc phòng nghỉ với số tiền trên 3,2 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, các đối tượng đã chặn điện thoại, tin nhắn của nạn nhân.

Với những trường hợp này, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm việc với những cơ sở lưu trú bị các đối tượng sử dụng hình ảnh đăng tải lên mạng để lừa đảo. Từ kết quả xác minh, các cơ quan chức năng khẳng định chủ các cơ sở lưu trú trên không liên quan đến những hành vi lừa đảo này.

Họ bị kẻ xấu lợi dụng hình ảnh để đăng tải lên mạng xã hội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài hai nạn nhân trên, theo tìm hiểu của PV còn có rất nhiều người khác đã “sập bẫy” khi chuyển khoản đặt cọc phòng nghỉ tại Đà Lạt qua mạng xã hội. Trước việc nhiều người bị kẻ xấu lừa đảo, chiếm đoạt tiền qua hình thức đặt cọc phòng nghỉ trong các dịp cao điểm lễ, Tết, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt đã cung cấp nội dung các vụ việc cho Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Lâm Đồng vào cuộc điều tra, xử lý.

Để không trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo trên, Phòng Văn hóa - Thông tin TP Đà Lạt cảnh báo, du khách tránh đặt phòng qua những tài khoản mạng xã hội không rõ ràng, có tên giao dịch ngân hàng khác với tên trang cá nhân. Ngoài ra, vào dịp cao điểm du lịch, du khách nên liên hệ qua khách sạn hoặc gọi về số điện thoại của Phòng Văn hóa - Thông tin để kiểm tra trước khi giao dịch. Khi có dấu hiệu bị lừa tiền cọc, du khách có thể phản ánh ngay tới các cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết.

Khắc Lịch

Chính phủ đồng ý mở cửa hoạt động du lịch từ 15/3 Chính phủ đồng ý mở cửa hoạt động du lịch từ 15/3
Hoạt động du lịch sôi động trở lại Hoạt động du lịch sôi động trở lại
/ cand.com.vn