9 năm sau khi sinh con, ở tuổi 69 bà Thịnh bắt đầu hối hận vì phải chạy đua kiếm tiền nuôi con, cuộc đời như 'về vạch xuất phát'.
Năm 2010, khi bước vào tuổi 60, bà Thịnh Hải Lâm (thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc) nhận được tin sét đánh khi người con gái duy nhất chết vì ngạt khí sau ngày cưới không lâu.
Ngày xây mộ con, trong lúc tuyệt vọng, bà Thịnh lại ao ước có thêm con vì "hai vợ chồng không thể sống cô độc cả phần đời còn lại", bà nghĩ. Được chồng đồng ý, bà đến bệnh viện dùng thuốc phục hồi kinh nguyệt trong 3 tháng.
Cùng năm đó, bà sinh đôi hai con gái 1,8 kg và 1,5 kg bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Bà Thịnh đặt tên hai con là Trí Trí và Tuệ Tuệ với mong muốn chúng lớn lên sẽ thông minh như chị gái đã mất.
Chồng bà Thịnh Hải Lâm - ông Ngô vui sướng bế 2 con gái sinh đôi khi vừa mới sinh. Ảnh: thepaper. |
Trước khi sinh 2 đứa trẻ sinh đôi, bà Thịnh Hải Lâm là một bác sĩ trong quân đội đã 30 năm và mới về hưu. Còn chồng bà, ông Ngô cũng là một cán bộ cao cấp trong quân ngũ. "Nếu không có cái tai nạn kinh hoàng cướp đi con gái duy nhất, cuộc sống của gia đình tôi sẽ hạnh phúc biết bao. Chúng tôi chưa bao giờ khó khăn về kinh tế, cũng chưa khi nào nghĩ mình có đủ tiền để sống hay không? Thế nhưng mọi thứ thay đổi khi 2 cô con gái ra đời", bà Thịnh cho biết.
Đối với một cặp vợ chồng 60 tuổi, việc mong muốn mang thai không phải dễ. Từng làm trong ngành y, bà Thịnh hiểu điều đó nên đã nhờ vả bạn bè ở khắp nơi nhưng không ai nhận lời. Tuyệt vọng bà tìm đến các bệnh viện tại các thành phố lớn như Thượng Hải, An Huy, Giang Tô, Bắc Kinh để nhờ cậy, nhưng cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
"Có bác sĩ bảo tôi đừng ảo tưởng nữa. Họ bảo tôi làm như thế có phải vô nhân đạo không, nếu chẳng may tôi chết thì những đứa trẻ được sinh ra sẽ sống như thế nào? Nhưng tôi đã quyết và không màng tới việc xui xẻo đó", bà nhớ lại.
Cuối cùng để sinh được con, bà nhờ tới một bệnh viện tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy. Để thuyết phục vị bác sĩ này, bà Thịnh đã van xin: "Tôi là một bà mẹ mất con. Tôi cũng là một người lính nên tôi hiểu thành công và thất bại luôn song hành ở mọi nơi. Nhưng khao khát có con sẽ khiến tôi chiến thắng tất cả". Chính câu nói này của bà đã đánh động đến trái tim của vị bác sĩ và ông đồng ý giúp.
Ngày 25/5/2010, vợ chồng bà Thịnh đón 2 con gái sinh đôi. Thời điểm đó, bà được coi là người phụ nữ già nhất có con ở Trung Quốc.
Vì sinh non nên hai em bé được chuyển tới khoa sơ sinh của bệnh viện Nhi An Huy và nằm trong phòng cách ly. Ngày đầu tiên, chi phí sinh mổ và nằm phòng cách ly của mẹ cùng hai bé là 33.000 tệ (102 triệu đồng), những ngày sau là 6.000 tệ (18,6 triệu đồng). Cả hai bé nằm phòng cách ly 33 ngày, đến khi ra viện trong tài khoản của bà Thịnh vẫn còn hơn 6.000 tệ nữa. Dù tiêu tốn nhiều, nhưng khi đó bà vẫn hạnh phúc.
Bà Thịnh Hải Lâm hạnh phúc bên 2 con khi chúng còn nhỏ. Ảnh: thepaper. |
Đúng thời điểm hai bé sinh ra, Trung Quốc rúng động bởi thông tin sữa bột giả. Để có nguồn sữa đảm bảo, bà Thịnh đã chi rất nhiều tiền để mua sữa nhập ngoại. Lương hai vợ chồng không đủ nuôi con, chi phí mỗi tháng lên đến 10.000 tệ (32 triệu đồng). Khi con mới được 100 ngày tuổi, bà Thịnh chấp nhận xa nhà để giảng dạy kiếm tiền, con có chồng và người giúp việc chăm lo.
"Vì lo kinh tế cho cả gia đình nên 5 năm đầu đời của các con, thời gian tôi ở với chúng chỉ được khoảng một năm, còn lại tôi phải đi khắp đất nước. Mỗi năm tôi đi tổng cộng khoảng 200 ngày", bà Thịnh nói.
Chính vì xa mẹ quá nhiều nên cả Trí Trí và Tuệ Tuệ không quá thân thiết với mẹ, tuy nhiên mỗi khi mẹ nhắc về người chị quá cố, chúng đều đến bên bà Thịnh an ủi: "Mẹ đừng khóc nữa, giờ có chúng con rồi mà".
So với tuổi, Trí Trí và Tuệ Tuệ có suy nghĩ chín chắn hơn rất nhiều. Một lần khi đi dạy ở tỉnh xa về nhà, bà Thịnh nghe thấy hai cô con gái nói chuyện với nhau.
"Có vẻ mẹ không yêu chúng mình nhiều, yêu chị cả hơn. Nếu chị không chết, chúng mình đã không được sinh ra", Tuệ Tuệ nói.
Tiếp lời, Trí Trí đáp: "Chị muốn có chị gái, nếu chị còn sống thì tốt biết bao".
Nghe được lời nói từ hai cô con gái 6 tuổi, bà Thịnh bật khóc. Từ hôm đó bà hiểu mình cần có thêm nhiều thời gian cho con bởi chúng đã hiểu chuyện. "Không thể phó mặc việc dạy dỗ con cái cho anh và người giúp việc được nữa. Cần phải ở bên cạnh con để nuôi dạy chúng", bà nói với chồng. Thế rồi bà chuyển hai con từ trường nội trú sang một trường tiểu học gần nhà để tiện việc đưa đón hàng ngày.
"Dù không đi giảng dạy nhiều nữa nhưng tôi vẫn phải có công việc để có thu nhập. Lương hưu hai vợ chồng không thấp nhưng không đủ để nuôi dạy hai đứa con trong thời buổi hiện tại. Tôi không muốn con mình thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa. Không thể để chúng thua từ vạch xuất phát được", bà Thịnh nói về quyết định đầu tư cho hai con học các lớp kỹ năng tại các trung tâm nổi tiếng trong thành phố.
Hai con gái sinh đôi của bà Thịnh năm nay đã 9 tuổi. Ảnh: thepaper. |
Ông Ngô - chồng bà Thịnh luôn hiểu sự vất vả của vợ nhưng không giấu được thất vọng: "Ngoài việc lo ăn uống, học hành cho các con, cô ấy còn phải lo kiếm tiền. Chính vì áp lực công việc nên cô ấy toàn truyền năng lực tiêu cực cho bọn trẻ, thứ mà tôi không hề muốn’.
Ông Ngô kể, mỗi khi về nhà bà Thịnh chẳng mấy khi có khuôn mặt vui vẻ. Từ khi lũ trẻ mới sinh đến thời điểm hiện tại, bà đã thay 50 người giúp việc bởi luôn mâu thuẫn.
"Hai vợ chồng trước sống hòa thuận, nhưng từ khi có con, cô ấy hay gây sự, từ những chuyện nhỏ nhất. Nhiều lúc tôi thấy cuộc sống rất bế tắc", ông Ngô nói. Do mắc bệnh tim nên 2 năm trước người đàn ông này bị đột quỵ, may mắn được cứu chữa kịp thời.
Năm nay ông cũng đã 70 tuổi, vì từng bị đột quỵ nên sức khỏe suy yếu nhiều. Giờ ông không thể chăm sóc các con, chỉ có thể tự phục vụ bản thân. "Với tôi, giờ chăm sóc tốt cho bản thân là giúp đỡ được cho vợ con rồi. Bạn bè nhiều người hỏi tôi có mong muốn gì không. Thực sự còn sống để trông nhà và nhìn thấy các con hàng ngày, thế là mãn nguyện rồi", người đàn ông này chia sẻ.
Với bà Thịnh, việc kiếm tiền và chăm sóc hai con dường như vẫn đang quá tải. Bà cho hay, chưa bao giờ nghĩ cuộc đời mình lại trở về vạch xuất phát khi đã 60 tuổi. "Trong khi bạn bè ở tuổi này đã có thể nghỉ ngơi, đi du lịch khắp nơi khắp chốn hưởng thụ tuổi già thì tôi vẫn phải làm việc cật lực để nuôi con".
Người phụ nữ này cho biết, nhiều lúc bế tắc, bà muốn tìm bạn bè để tâm sự. Thế nhưng mối quan tâm của bà và những người bạn giờ khác nhau quá xa. Bởi không còn tiếng nói chung nên họ cũng ít khi gặp nhau.
Khi được hỏi ở tình huống xấu nhất nếu ông bà không còn thì ai sẽ chăm lo cho 2 cô con gái, bà Thịnh nhìn ra xa rồi thở dài: "Hiện tại chẳng có ai và nếu thực sự có ngày đó thì tôi chưa biết làm thế nào".
Hải Hiền (Theo thepaper)
Tiếng hát cho những người đầu bạc |
Robot y tá hỗ trợ người già mặc quần áo |
Ngôi làng chỉ toàn người già tại Nhật Bản |
Người già Trung Quốc đua lập di chúc để tránh chia tài sản cho dâu rể |