Cảnh báo nguy cơ bùng dịch do trẻ “nợ” vaccine

Tỷ lệ tiêm chủng nhiều vaccine ở Việt Nam đang ở mức thấp nhất 20 năm qua, tạo ra các khoảng trống miễn dịch ở trẻ, dẫn đến nguy cơ bùng dịch.

Hệ lụy “nợ” vaccine ở trẻ

Vừa đưa 2 con (bé trai 4 tuổi và bé gái hơn 1 tuổi) trở về nhà sau 5 ngày nằm viện điều trị viêm phổi, chị Nguyễn Minh Khang (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Hai bé sức đề kháng kém nên ốm lai rai, hết tai, mũi, họng rồi ho, sốt. Cả hai đều chưa được tiêm phòng đủ các mũi như: rubella, thủy đậu, phế cầu… theo lịch vì nhiều lý do”.

2
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh hiệu quả cho trẻ em

Theo BS. Đinh Xuân Hoàng, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, Phú Thọ, dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng lượng bệnh nhi nhập viện chưa tiêm các loại vaccine thiết yếu khá nhiều.

Thông thường bệnh nhi nằm viện từ 3-5 ngày, song với trẻ chưa tiêm vaccine thì thời gian nằm viện thường kéo dài hơn. Bệnh nhân nặng có thể gặp tình huống suy hô hấp, thở ô xy, thở máy…

BS. Trương Hữu Khanh, Phó trưởng Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho hay, việc chậm trễ hay bỏ lỡ tiêm chủng vaccine chắc chắn sẽ khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn và nguy cơ cao tạo nên các đợt dịch bệnh.

Đáng lo nhất là dịch sởi, bởi sởi thường lây lan mạnh, bùng phát nhanh, dễ trở nặng nếu không phát hiện kịp thời dẫn đến quá tải hệ thống y tế.

Trong báo cáo mới nhất về tiêm chủng, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo có tổng cộng 67 triệu trẻ em, trong đó có gần 250.000 trẻ em ở Việt Nam không được tiêm vaccine đầy đủ. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng sụt giảm tại 112 quốc gia trong 3 năm, từ năm 2019 - 2021.

Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới 2023 cũng cho thấy, có tới 48 triệu trẻ em trên toàn cầu đã không được tiêm liều vaccine nào, hay còn gọi là “0 liều vaccine”.

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có số trẻ em “0 liều vaccine “ nhiều nhất thế giới, với 187.315 trẻ dưới 1 tuổi không được tiêm một loại vaccine nào trong năm 2021.

Tại Việt Nam, hơn 20 loại vaccine được báo cáo bị gián đoạn tiêm chủng thường xuyên như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B, sởi, rubella...

Đặc biệt, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV phòng ngừa bại liệt của cả năm 2021 chỉ đạt lần lượt 67% và 80%; năm 2022 đạt 70% và 90%.

Làm gì để xóa “nợ” miễn dịch?

BS. Trương Hữu Khanh cho biết, “nợ” miễn dịch ở trẻ chia làm 2 nhóm, trong đó có nhóm virus, vi khuẩn chưa có vaccine phòng bệnh như RSV (virus hợp bào gây viêm phổi), Adeno (virus gây sốt xuất huyết)…

Trong thời gian thực hiện các biện pháp ngăn chặn lây lan của virus Covid-19 trước đây như giãn cách xã hội, tăng cường rửa tay và khử trùng, đeo khẩu trang... cũng góp phần vào việc ngăn chặn sự lây lan của các loại bệnh này.

Nhưng khi các biện pháp ngăn ngừa này không còn phổ biến, trẻ quay lại trường học, tham gia các hoạt động cộng đồng, nguy cơ bùng phát các bệnh do virus và vi khuẩn sẽ tăng lên.

Còn với “nợ” miễn dịch do chưa tiêm chủng vaccine thì biện pháp duy nhất là cần đẩy mạnh việc tuyên truyền và tiêm chủng vaccine đầy đủ cho trẻ.

BS. Nguyễn Văn Thành, Trung tâm Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đồng thời, triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao.

“Nguyên tắc trong tiêm chủng là đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các mũi. Nếu trường hợp không được tiêm chủng đúng lịch thì cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó. Trong trường hợp lỡ chưa được tiêm vaccine có thể đến tiêm các mũi bổ sung”, BS. Thành nói.

BS. Khanh cho biết thêm, mùa nắng nóng là cơ hội cho virus, vi khuẩn phát triển. Việc trẻ khó ăn, khó ngủ do thời tiết khiến hệ miễn dịch kém hơn sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo sự gián đoạn trong việc tiêm chủng định kỳ trên toàn cầu, các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi và bại liệt đang bùng phát ở một số quốc gia.

Tại Việt Nam, WHO và UNICEF đang kêu gọi các nỗ lực bắt kịp tiêm chủng ở quy mô lớn cho tất cả trẻ em đã bỏ lỡ lịch tiêm chủng định kỳ trong khoảng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, khôi phục độ bao phủ thiết yếu ít nhất là bằng với mức của năm 2019 để tránh bùng phát các căn bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine trong thời gian sắp tới.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có hướng dẫn về đối tượng, lịch tiêm chủng vaccine bắt buộc trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

Theo đó, trẻ sơ sinh bắt buộc tiêm vaccine viêm gan B. Trẻ dưới 1 tuổi tiêm vaccine BCG (phòng bệnh lao), bOPV (phòng bại liệt), DPT-VGB-Hib (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), IPV (phòng bại liệt), sởi. Trẻ 1 - 5 tuổi tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B. Trẻ 18 - 24 tháng tiêm vaccine sởi- rubella, DPT. Phụ nữ có thai tiêm vaccine uốn ván.

An Vũ / Báo Giao thông