Cảnh báo hiện tượng khí hậu cực đoan ngày càng tồi tệ

Thời tiết khắc nghiệt đang tàn phá nhiều nơi trên thế giới khi người dân từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, Bắc Mỹ phải chống chọi với nắng nóng tàn khốc, sóng nhiệt nguy hiểm khiến nhiều người thiệt mạng… Trong khi đó, tại một số nơi ở châu Á và Nam Mỹ lại hứng chịu mưa bão cực đoan gây ngập lụt diện rộng khiến hàng trăm nghìn người phải đi lánh nạn.

Một người dân Ấn Độ phải dùng nước giải nhiệt cơ thể ngay trên đường phố Thủ đô New Delhi khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục

Một người dân Ấn Độ phải dùng nước giải nhiệt cơ thể ngay trên đường phố Thủ đô New Delhi khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục

Những kỷ lục nhiệt độ liên tiếp bị xô đổ

Theo các nhà khí hậu học thế giới, dù chỉ mới bắt đầu mùa hè nhưng toàn cầu đang phải trải qua những ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, trong đó có tới 70 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã phá kỷ lục về nhiệt độ nắng nóng. Mặc dù đã được cảnh báo trước về mùa hè 2024 gay gắt và đổ lửa, nhưng những gì mà thế giới vừa trải qua tháng 6 nắng nóng cực đoan, đầy khắc nghiệt và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người cho thấy năm nay sẽ ghi nhận là mùa hè nóng chưa từng có trong lịch sử.

Ấn Độ là một trong những quốc gia ghi nhận nắng nóng gay gắt chưa từng thấy với các mức nhiệt cao kỷ lục. Trong đó, 2 thành phố Nandyala và Kadapa ở bang Andhra Pradesh đã ghi nhận mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử là 46,3 độ C. Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto cho rằng, các đợt nắng nóng tại quốc gia đông dân nhất thế giới từ đầu năm 2024 đến nay là loại hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm nhất. Đây đồng thời cũng là dạng cực đoan gia tăng mạnh mẽ nhất trong một Trái đất đang nóng lên.

Tại Đông Nam Á, từ tháng 4 cho tới nay, nhiều quốc gia cũng đang phải chống chọi với nắng nóng như thiêu như đốt, ghi nhận những kỷ lục mới về nhiệt độ. Chỉ số nóng bức tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan hồi đầu tháng 5 vừa qua lên tới 52 độ C, mức đặc biệt nguy hiểm, trong khi hàng chục tỉnh, thành phố ở nước này hứng chịu những ngày “siêu nắng nóng” từ cuối tháng 4 khi nhiệt độ tối đa đều trên 43 độ C.

 

43 độ C cũng là nhiệt độ tối đa ở Campuchia những ngày qua, mức cao nhất từng được ghi nhận trong khoảng 170 năm. Tại Lào, nhiệt độ ngoài trời đo được hồi tháng 4 lên đến 47 độ C, là mức nhiệt cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Thị trấn Chauk ở miền trung Myanmar ngày 28-4 chứng kiến mức nhiệt 48,2 độ C, mức cao nhất trong tháng 4 từ khi dữ liệu được thống kê cách đây 56 năm. Nhiều vùng của

 

Philippines chịu hạn hán với nhiệt độ 44 độ C, điều chưa từng có vào đầu mùa hè. Nhiệt độ lên tới 50 độ C ở nhiều khu vực khác nhau trên khắp Philippines, do hiện tượng thời tiết El Nino làm tăng thêm sức nóng bao trùm cả nước từ tháng 3 đến tháng 5 khiến có giai đoạn phải đóng cửa trường học để tránh nắng nóng.

Châu Âu có khí hậu ôn đới do nằm ở Bắc bán cầu, nhưng cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục tại nhiều nơi. Dù nhiệt độ không quá cao so với châu Á, châu Phi, song châu Âu là lục địa nóng lên nhanh nhất hành tinh thời gian qua. Giám đốc Cơ quan giám sát thời tiết Rosgidromet của Nga Roman Vilfand, cho biết nhiệt độ ở thủ đô Matxcơva ngày 3-7 vừa qua đạt 32,5 độ C, xô đổ mức nhiệt kỷ lục được thiết lập vào năm 1917.

Tại châu Mỹ, Chính phủ liên bang Canada cho biết, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ lại trải qua một mùa cháy rừng thảm khốc, khi dự báo nhiệt độ trong mùa xuân và mùa hè tại hầu hết các khu vực trên cả nước cao hơn mức bình thường, do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino. Trong khi nhiều nơi trên nước Mỹ ghi nhận nắng nóng gay gắt thì hiện tượng thời tiết cực đoan khác lại hoành hành tại không ít khu vực khác.

Biến đổi khí hậu khắc nghiệt khiến cường độ mưa bão mạnh hơn, làm gần 250.000 người phải sơ tán ở miền Đông Trung Quốc. Trong khi đó, bên kia bán cầu, 6 người thiệt mạng do bão Beryl và cả khu vực Caribe tiếp tục đặt trong tình trạng báo động. Các nhà khí tượng cảnh báo hiện tượng thời tiết cực đoan La Nina làm trầm trọng hơn mùa bão ở Nam Mỹ.

Khẩn cấp hành động trước khi quá muộn

 

Năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất kỷ lục trong lịch sử, nhưng các nhà khí hậu cho biết, những tháng đầu năm 2024 này thậm chí còn có thể nóng hơn năm 2023. Theo các nhà khoa học liên bang tại Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), hiện có 55% khả năng năm 2024 sẽ được xếp hạng là năm nóng nhất trong lịch sử và 99% khả năng nó sẽ nằm trong top 5. Nhóm nghiên cứu quốc tế từ Đại học Cambridge cũng dự đoán rằng, mùa hè năm 2024 có thể sẽ phá kỷ lục mới.

Thực tế, các đại dương tiếp tục ấm bất thường vào năm 2024, kéo theo sự kiện tẩy trắng san hô hàng loạt ở Nam bán cầu và có thể đây là sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử hành tinh. Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng nóng lên bất thường là do con người phát thải khí nhà kính. Nhà khoa học khí hậu Friederike Otto thuộc Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh) cho rằng, việc cộng đồng quốc tế không hành động để giảm lượng khí thải này sẽ tiếp tục thúc đẩy hành tinh nóng lên, dẫn đến hạn hán, hỏa hoạn, nắng nóng và mưa lớn dữ dội hơn.

Mặt khác, mức độ carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển Trái đất đã tiếp tục tăng trong vài thập kỷ qua. Theo Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hệ thống Trái đất của NOAA, mặc dù nó vô hình, không mùi và không màu nhưng CO2 chịu trách nhiệm cho 63% sự nóng lên do tất cả các loại khí nhà kính gây ra. NOAA cho biết mức độ carbon dioxide trong khí quyển hiện nay tương tự như thời kỳ giữa Pliocene, khoảng 4,3 triệu năm trước.

Các nhà khoa học cảnh báo, khi Trái đất nóng hơn, có thể xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan hơn, bao gồm nhiệt độ cao và lượng mưa kỷ lục. Phó Tổng Thư ký Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Ko Barrett nhấn mạnh, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan, tác động mạnh đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là tính mạng và môi trường sống của con người.

Do đó, thế giới phải cấp bách hành động để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giúp ngăn chặn việc Trái đất nóng lên. Theo các nhà khoa học, mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C (so với thời kỳ tiền công nghiệp), giới hạn giúp tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năm 2023, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới vẫn tăng cao kỷ lục. Các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại gần như không thể đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

Trước tình trạng trên, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cảnh báo, khoảng thời gian hai năm tới có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu Trái đất trước các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Các nước vẫn còn cơ hội giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch quốc gia mới, song cần thực hiện những kế hoạch đó ngay lập tức và mạnh mẽ hơn.

Đặc biệt, Thư ký điều hành UNFCCC kêu gọi, các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu, phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn. Quan chức Liên hợp quốc chuyên trách về khí hậu này đồng thời nhấn mạnh, cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó biến đổi khí hậu, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, cũng như các nguồn tài chính quốc tế mới, như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…

Thế giới không còn nhiều thời gian để biến cam kết thành hành động và Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Azerbaijan vào tháng 11-2024 sẽ là cơ hội để thế giới cùng nỗ lực ngăn các hiện tượng thời tiết cực đoan không tồi tệ thêm.

https://www.anninhthudo.vn/canh-bao-hien-tuong-khi-hau-cuc-doan-ngay-cang-toi-te-post581912.antd

Hoàng Hà / ANTĐ