Báo cáo gần đây từ chương trình Không xả thải hóa chất độc hại (ZDHC) cho thấy, ngành dệt may – da giày và thời trang đang xếp thứ hai về gây ô nhiễm môi trường nước, chỉ đứng sau ngành nông nghiệp.
Lấy mẫu nước thải để kiểm định về hóa chất độc hại tại nhà máy sản xuất dệt may (ảnh: T.R.L). |
Giá trị “khủng”, xả thải gây ô nhiễm “khủng”…
Ngành dệt may, giày dép và hàng xa xỉ ước đạt giá trị khoảng 2,4 ngàn tỉ USD/năm, với khoảng 80 tỉ sản phẩm may mặc được sản xuất hàng năm trên thế giới. Nếu tính bình quân, thì chỉ khoảng 11 sản phẩm/người dân/năm. Hầu hết, hành vi tiêu dùng hàng may mặc, giày dép, thời trang tập trung ở các đô thị, mua sắm nhiều, với các chương trình khuyến mãi lớn và thường xuyên.
Theo Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO), hiện thế giới có từ 60-75 triệu người làm việc trong ngành dệt may – da giày. Hầu hết các nhà máy sản xuất nằm ở Châu Á nhưng ngày nay, những nơi như Panama, Chilê, Tunisia, Ai Cập… cũng đã trở thành các quốc gia quan trọng cung ứng hàng dệt may, da giày ra thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới và đánh giá của tổ chức ChinaWaterRisk, thì có từ 17-20% ô nhiễm nước công nghiệp đến từ việc nhuộm và xử lí vải. Mỗi năm, có khoảng 28 tỉ kilogram vải sợi được nhuộm trong ngành may mặc, sử dụng hơn 5.000 tỉ lít nước (tương đương 2 triệu hồ bơi có kích thước như hồ bơi thi đấu Olympic).
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hoài Anh – Giám đốc Phòng thí nghiệm vật liệu mềm của TÜV Rheinland Việt Nam, đơn vị đang cung cấp các khóa đào tạo và chương trình kiểm định về hóa chất độc hại trong ngành dệt may – cho biết thêm, trong một thời gian rất dài ngành dệt may đã làm ô nhiễm môi trường. Các loại hóa chất sử dụng trong quá trình nhuộm, tẩy.v.v… đều còn lưu lại trên sản phẩm may mặc, thời trang và vấn đề là dư lượng ở mức độ cho phép hay không mà thôi.
Trong đó, có những hóa chất bền, lâu phân hủy trong môi trường nước; có những hợp chất hữu cơ khó phân hủy trong đất; trong khi có một số chất có thể phân hủy thành các chất gây rối loạn hoócmôn và ngay cả các chất gây ung thư cũng được thải vào nguồn nước, gây ra ô nhiễm thứ cấp.
Không chỉ tác động gây ô nhiễm môi trường nước (xả thải nước) và môi trường đất (chôn lấp quần áo cũ) mà các hóa chất độc hại sử dụng trong công nghiệp dệt may da giày còn ảnh hưởng đến sự an toàn sức khỏe của người dùng và công nhân lao động trực tiếp sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày tại Việt Nam đã tham gia vào chương trình DETOXing (chiết mẫu nước thải ra các chai lọ để phục vụ công tác kiểm định - ảnh: T.R.L). |
Thương hiệu lớn đã tham gia DETOXing, những thương hiệu nhỏ thì sao?
Tổ chức ZDHC đang khởi động chương trình kiểm soát với mục tiêu đến năm 2020 ngành dệt may, thời trang và da giày sẽ không còn xả thải hóa chất độc hại ra môi trường, thay thế các chất độc hại bằng những chất khác không gây độc hại. Theo công bố của ZDHC, dưới áp lực của dư luận và xu thế bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, hiện đã có nhiều thương hiệu ngành may mặc, thời trang, da giày, dụng cụ thể thao.v.v… tham gia chương trình.
Theo tiến sĩ Hoài Anh, qua hai khóa tổ chức đào tạo tại Việt Nam đã có khoảng 40 doanh nghiệp tham gia, trong đó một khóa là đào tạo theo chương trình đặt hàng của Adidas dành cho các đối tác của họ. Cũng theo ông Hoài Anh, đến nay tại Việt Nam đã có trên 10 nhà máy dệt may không xả thải ra môi trường nước mà đã thiết lập hệ thống tái sử dụng nước thải.
Đối với các thương hiệu lớn, đặc biệt là những thương hiệu quốc tế, việc kiểm soát hay tuân thủ các qui định bảo vệ môi trường nhìn chung khá nghiêm ngặt. Trước câu hỏi đặt ra với những sản phẩm dệt may thương hiệu nội địa Việt Nam, các cơ sở sản xuất nhỏ, hay hàng nhái, hàng giả thì sao?
Ông Hoài Anh cho biết, hiện TÜV Rheinland Việt Nam chưa có dữ liệu về những thương hiệu không tham gia chương trình DETOXing (không sử dụng hóa chất độc hại trong ngành dệt may) của ZDHC. Và ông đưa ra khuyến nghị rằng, tốt nhất nên chọn sản phẩm của các thương hiệu có uy tín thường tuân thủ nghiêm các qui định bảo vệ môi trường, còn đối với hàng nhái hàng giả thì rất khó biết và khó kiểm soát.
Việc kiểm định hóa chất độc hại theo chương trình DETOXing của ZDHC, theo ông Hoài Anh, phải thực hiện ở ba khâu: Lấy mẫu nguồn nước đầu vào; lấy mẫu nguồn nước thải chưa xử lí và lấy mẫu nguồn nước thải và bùn thải đã qua xử lí. Trên thực tế, có những loại hóa chất sử dụng nằm trong qui định cho phép, nhưng trong quá trình sản xuất các loại hóa chất tương tác với nhau, hoặc trong môi trường nhiệt, các loại dung môi.v.v… sẽ phát sinh các phản ứng chéo tạo ra những loại chất độc hại.
Như vậy, vấn đề kiểm soát việc sử dụng hóa chất độc hại đối với các sản phẩm dệt may, thời trang từ những thương hiệu nội địa, các cơ sở sản xuất nhỏ, lấy nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc rõ ràng và uy tín thấp, vẫn đang để ngõ và đang là thách thức không nhỏ đối với sức khỏe và sự an toàn của người sử dụng.
Nhiều loại thực phẩm cho trẻ em Mỹ dương tính với chất độc hại
80% sữa bột trẻ em Mỹ được kiểm nghiệm kết quả dương tính với asen, chất gây dị tật phát triển, nhiễm độc hệ thần ... |
Vì sao thương lái tiêm thuốc an thần cho lợn?
Việc tiêm thuốc an thần giúp lợn giảm stress nhưng lại gây hại khôn lường cho sức khỏe con người, vì sao các thương lái ... |
http://laodong.vn/ban-doc/canh-bao-du-luong-hoa-chat-doc-hai-trong-hang-thoi-trang-573590.ldo