Liên quan tới cuộc đối thoại liên Triều diễn ra 9/1, TS. Phan Cao Nhật Anh, viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Người Đưa Tin.
TS. Phan Cao Nhật Anh, viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).
Sau cuộc họp kéo dài 11 tiếng tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, Seoul và Bình Nhưỡng đã đưa ra tuyên bố chung gồm ba nội dung chính đáng chú ý.
Thứ nhất, đoàn đại biểu Triều Tiên sẽ tới Hàn Quốc tham dự Olympic PyeongChang. Thứ hai, hai nước đã nhất trí sẽ cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự, xây dựng hòa bình. Cuối cùng, hai phía thống nhất tháo gỡ các vấn đề nội bộ, không có sự can thiệp của bên ngoài.
Đó là một xu hướng tích cực và nên được phát triển trong năm 2018. Cần chú ý tới quan điểm của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người có đường lối ôn hòa với Triều Tiên.
Ông Moon luôn chú trọng đối thoại, không coi Triều Tiên là kẻ thù và thậm chí từng bàn về khả năng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong chiến dịch tranh cử, ông Moon Jae-in cũng từng khẳng định sẽ khôi phục “Chính sách Ánh Dương” coi trọng đối thoại, ôn hòa với Bình Nhưỡng.
Về phần mình, trong bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xác định những quan điểm rất tích cực.
Rõ ràng, với quan điểm của hai nhà lãnh đạo cùng theo chiều hướng ôn hòa, muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đối thoại là một điều tất yếu. Hơn nữa, năm 2018 là một năm đầy ý nghĩa đối với cả hai nước.
Đây là mốc thời gian kỷ niệm 70 năm thành lập Triều Tiên, cũng là năm đặc biệt khi Hàn Quốc tổ chức Olympic. Do đó, năm nay sẽ chứng kiến quan hệ liên Triều phát triển theo hướng tích cực.
PV: Như ông đã nêu, một trong những kết quả đạt được từ đối thoại liên Triều là việc Bình Nhưỡng đồng ý tham dự Olympic 2018 tại Hàn Quốc. Liệu Thế vận hội này có phải cơ hội để phá băng hữu hiệu cho khủng hoảng Triều Tiên, thưa ông?
Kết quả này bước đầu sẽ là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tốt giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Triều Tiên sẽ cử một phái đoàn gồm quan chức cấp cao, các vận động viên và đội hoạt náo viên tham dự Olympic.
Trong khi đó, Hàn Quốc sẵn sàng tạo điều kiện với “các bước ưu tiên” để giúp đỡ Bình Nhưỡng tham dự Thế vận hội.
Seoul cho hay sẽ cân nhắc thảo luận cùng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và một số nước tạo điều kiện nới lỏng lệnh trừng phạt, tạo điều kiện để đoàn Triều Tiên tham dự.
Olympic là một sự kiện quan trọng mang tầm cỡ quốc tế đồng thời cũng là một trong những nỗ lực của Tổng thống Moon Jae-in từng cam kết trong chiến dịch tranh cử.
Cùng với sự tham gia của Triều Tiên trong ngày hội thể thao quốc tế này, nếu Hàn Quốc tổ chức thành công thì chắc chắn sẽ nâng cao vị thế và niềm tự hào dân tộc cho cả Seoul và Bình Nhưỡng, xây dựng không khí hòa giải giữa hai bên.
PV: Theo ông, sau những tín hiệu lạc quan ban đầu trong quan hệ với Hàn Quốc, chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sẽ phát triển như thế nào?
Dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un, chương trình tên lửa của Triều Tiên phát triển mạnh mẽ.
Nói về chương trình tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian tới cần nhìn lại những kết quả mà Bình Nhưỡng đã đạt được trong thời gian qua.
Trong hơn 30 năm phát triển, chương trình này phát triển mạnh mẽ hơn rất nhiều dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un so với thời cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Theo thống kê, dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên đã 4 lần thử nghiệm hạt nhân và phóng gần 100 quả tên lửa. Riêng trong năm 2017, Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Thậm chí, có hai lần Triều Tiên phóng tên lửa bay qua vùng trời Nhật Bản.
Giới chuyên gia nhận định rằng dù Triều Tiên tuyên bố là cường quốc hạt nhân nhưng thực sự Triều Tiên phải tiếp tục thử nghiệm mới có thể hoàn thiện chương trình hạt nhân của mình.
Bởi những giai đoạn quan trọng, khó khăn nhất như thu nhỏ đầu đạn hạt nhân gắn vào tên lửa ICBM hay kỹ thuật hồi quyển để đảm bảo tên lửa không bị biến dạng... thì Triều Tiên vẫn chưa hoàn thiện được. Vì thế, Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử nghiệm tên lửa để đạt được những tiến bộ.
Hơn nữa, trong bài phát biểu đầu năm, ông Kim Jong-un cũng khẳng định, Triều Tiên cần tiếp tục xây dựng lực lượng quốc phòng và quân đội nhân dân để sẵn sàng chiến đấu với các thế lực bên ngoài.
PV: Theo ông, quan hệ Mỹ-Triều sẽ phát triển theo hướng nào? Sau đối thoại liên Triều, ông có nhận định gì về khả năng gặp mặt giữa Washington và Bình Nhưỡng trong thời gian tới?
Trước hết, cần thấy lập trường giữa Mỹ và Triều Tiên là hoàn toàn khác nhau. Trong khi Mỹ luôn muốn Triều Tiên từ bỏ tên lửa và hạt nhân, thì Bình Nhưỡng coi chương trình đó là yếu tố đảm bảo sự tồn vong của đất nước, không thể đưa ra làm điều kiện đàm phán.
Do đó, cần theo dõi thêm những động thái của các bên, tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Triều chắc chắn vẫn có những mâu thuẫn chưa thể giải quyết trong một thời gian ngắn. Vì vậy, khả năng cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên là tương đối thấp.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn!
Hàn Quốc: TT Trump có công lớn buộc Triều Tiên phải đối thoại
Lãnh đạo Hàn Quốc ca ngợi TT Trump vì đã giúp nối lại đối thoại liên Triều, đồng thời cảnh báo sẽ siết chặt trừng ... |
Hàn Quốc nói gì trước đề nghị bất ngờ của Triều Tiên?
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố, việc cải thiện mối quan hệ hai miền Triều Tiên có liên quan đến giải quyết chương ... |