Căng thẳng biên giới Trung Quốc- Ấn Độ: Bắc Kinh sẽ sớm dừng lại

Các lợi ích với Ấn Độ sẽ khiến Trung Quốc lớn giọng nhưng sẽ sớm hạ nhiệt.

Hãng tin PTI của Ấn Độ ngày 2/8 đã thông tin về việc Trung Quốc đã chuyển tới Ấn Độ lập trường cứng rắn rằng New Delhi phải rút quân ngay lập tức mà "không có gì ràng buộc" khỏi Doklam, thuộc khu vực Sikkim để giải quyết tình trạng đối đầu hiện nay.

Theo đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông tin, trong cuộc gặp lần đầu tiên diễn ra ngày 28/7 giữa Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, hai bên đã trao đổi quan điểm về hợp tác trong nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), quan hệ song phương và những vấn đề lớn liên quan.

cang thang bien gioi trung quoc an do bac kinh se som dung lai
Biên giới Trung - Ấn căng thẳng vẫn chưa hạ nhiệt

Trong trả lời bằng văn bản về các cuộc thảo luận liên quan tới tình trạng đối đầu ở Doklam, nảy sinh khi Trung Quốc bắt đầu làm một con đường trong khu vực này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay ông Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp song phương với ông Doval "theo yêu cầu của ông này và theo thông lệ."

Ông Dương Khiết Trì cũng "hối thúc Ấn Độ tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ hai nước và ngay lập tức rút binh sỹ đã tràn qua biên giới về phía đường biên giới của Ấn Độ mà không có sự ràng buộc nào và giải quyết vụ việc hiện nay bằng những hành động cụ thể."

Cùng ngày, mạng tin India Today cho biết trong bối cảnh quan hệ Ấn-Trung tiếp tục diễn biến căng thẳng liên quan đến tranh chấp biên giới, Trung Quốc đã công bố bản báo cáo dài 15 trang về tình hình Doklam.

Bản báo cáo cho rằng Bắc Kinh đã thông báo trước cho New Delhi về việc xây dựng một con đường tại khu vực này và cáo buộc Ấn Độ sử dụng Bhutan như là “cái cớ.”

“Vấn đề biên giới Trung Quốc - Bhutan là vấn đề song phương giữa hai nước. Ấn Độ không có quyền can thiệp hoặc cản trở các cuộc đàm phán biên giới giữa Trung Quốc và Bhutan, cũng như không có quyền đưa ra tuyên bố chủ quyền trên lãnh thổ của người Bhutan” - bản báo cáo có đoạn.

Sự kiện Doklam theo đó được đánh giá là “rất nghiêm trọng” và về cơ bản khác với những xích mích trong quá khứ giữa quân đội hai nước ở khu vực biên giới chưa phân định, đồng thời yêu cầu Ấn Độ “rút quân ngay lập tức” và nhanh chóng khôi phục hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới hai nước.

Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm Hợp tác an ninh quốc tế của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Chu Ba cùng ngày 2/8 đã có dịp tham gia vào cuộc tranh luận trên kênh CGTN về những căng thẳng gia tăng trên cao nguyên Doklam với Thiếu tướng về hưu Quân đội Ấn Độ Ashok Mehta.

"Các ông đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc, nếu các ông không muốn chiến tranh thì phải rút khỏi lãnh thổ của chúng tôi", viên sĩ quan Trung Quốc nói.

Đáp lại lời đối tác Ấn Độ rằng cao nguyên Doklam là lãnh thổ tranh chấp, ông Chu Ba tuyên bố: "Bhutan đã tham gia 24 vòng đàm phán và không bao giờ đặt câu hỏi hoài nghi thực tế đây là lãnh thổ Trung Quốc".

Bắc Kinh đe nhưng sẽ không làm thật?

Theo chuyên gia quân sự Macau, ông Antony Wong Dong, cảnh báo rằng những động thái chính trị cứng rắn từ phía Bắc Kinh đang đẩy New Delhi đi xa hơn và nhiều khả năng sẽ làm cho quốc gia Nam Á trở thành một kẻ thù lớn của Trung Quốc.

“Trung Quốc đang chơi chiến tranh tâm lý. Nhưng họ cần nhận ra rằng ngay cả khi họ đánh bại Ấn Độ trong cuộc chiến trên đất liền, thì PLA vẫn không thể nào phá vỡ được sức mạnh hải quân của Ấn Độ”, ông Antony Wong Dong nói, đồng thời chỉ ra tầm quan trọng của vùng biển Ấn Độ trong đường dây thương mại của Bắc Kinh.

cang thang bien gioi trung quoc an do bac kinh se som dung lai
Vì kinh tế liệu Bắc Kinh có đánh đổi biên giới với Ấn Độ

Cùng quan điểm, Sun Shihai- cố vấn của Hiệp Hội Trung Quốc về Nghiên cứu Nam Á, cho rằng, Trung Quốc nên chọn cách làm khéo léo với New Delhi bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới đại kế hoạch kinh tế của Bắc Kinh.

"Ấn Độ có vị trí địa lý chiến lược nằm ở trung tâm đường dây năng lượng và sáng kiến “Một vành đai - một con đường”, nên bất kỳ động thái leo thang quân sự nào từ phía Bắc Kinh đều có thể làm hỏng kế hoạch thương mại toàn cầu của họ" - ông Sun Shihai nói.

Lâu nay, Ấn Độ đã thẳng thừng từ chối hợp tác chiến lược với Bắc Kinh trong dự án “Con đường tơ lụa mới”. Việc gia tăng căng thẳng trên biên giới sẽ không làm cho tình hình này cải thiện.

Tiến sĩ Rajeev Chaturvedy, một cộng sự nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học quốc gia Singapore, nhận định: "Nếu tiếp tục hành động theo hướng hiện tại, thì một số dự án đường sắt cao tốc trong sáng kiến “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc sẽ phải hoãn lại hoặc bị loại bỏ.

Và nhiều khả năng là Ấn Độ sẽ không rút lại lời từ chối tham dự vào kế hoạch thương mại lớn của Trung Quốc. Cách tiếp cận của Bắc Kinh hiện nay đang làm phức tạp thêm vấn đề".

Quân đội Trung - Ấn đã được đặt trong tình trạng báo động cao suốt 40 ngày tại vùng cao nguyên Doklam, khu vực ngã ba biên giới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan.

Sự việc bắt nguồn kể từ đầu tháng 6/2017 khi quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lợi dụng đêm tối đưa lực lượng và công cụ vào Doklam để xây một con đường xuyên qua cao nguyên.

Bhutan lên tiếng tuyên bố Bắc Kinh đã vi phạm thỏa thuận không thay đổi hiện trạng giữa hai nước được ký vào năm 1988, đồng thời kêu gọi Ấn Độ vào cuộc.

/ Kim Hoa/Đất Việt