Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có cuộc điện đàm hôm 30/12 trong bối cảnh leo thang căng thẳng dọc biên giới Nga - Ukraine.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Emily Horne cho biết,
Tổng thống Joe Biden sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều 30/12 "để thảo luận về một loạt chủ đề, bao gồm cả các cam kết ngoại giao sắp tới với Nga".
Tuy nhiên, nội dung trọng tâm của cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Mỹ và Nga sẽ tập trung vào việc Moskva tăng cường quân sự ở biên giới phía Đông của Ukraine - động thái khiến Mỹ và các nước NATO lo ngại trong thời gian gần đây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin có cuộc điện đàm lần thứ 2 trong tháng này. (Ảnh: Getty) |
Cuộc điện đàm hôm 30/12 sẽ là lần thứ 2 trong tháng này, ông Biden và ông Putin có các cuộc nói chuyện với nhau. Trong cuộc hội đàm trực tuyến hôm 7/12, Tổng thống Biden cảnh báo ông Putin rằng, Mỹ và các đồng minh châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế "mạnh mẽ", cũng như có các hành động trừng phạt khác đối với Nga nếu nước này tiến hành tấn công Ukraine .
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Emily Horne cũng cho hay, chính quyền Mỹ “tiếp tục tham gia vào các hoạt động ngoại giao sâu rộng với các đồng minh và đối tác châu Âu, tham vấn và phối hợp trong cách tiếp cận chung nhằm đối phó với” hoạt động xây dựng của quân đội Nga.
“Tổng thống Biden đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo trên khắp châu Âu, và các quan chức của chính quyền Biden đã tham tham vấn đa phương với NATO, EU và OSCE”, ông Emily Horne nói.
Căng thẳng Mỹ và Nga gia tăng gần đây liên quan đến Ukraine. Phương Tây cáo buộc Nga có thể đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào Ukraine. Tuy nhiên, Moskva phủ nhận điều đó, cho rằng chính mối quan hệ ngày càng tăng của Ukraine với NATO đã khiến leo thang tình trạng bế tắc hiện nay.
Theo dự kiến, đối thoại an ninh Nga - Mỹ có thể sẽ diễn ra vào hôm 10/1, trong khi đó cuộc họp giữa Nga và NATO sẽ diễn ra hôm 12/1. Moskva đề xuất ý tưởng về thỏa thuận an ninh toàn diện, có ràng buộc về mặt pháp lý với phương Tây.
Đề xuất này đã được hiện thực hóa thành hai dự thảo văn kiện, một cho Mỹ và một cho NATO. Theo đó, Nga yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, loại bỏ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu, rút quân và tên lửa NATO khỏi biên giới Nga.