Canada giới hạn du học sinh nước ngoài: Thách thức tiềm ẩn cho nền kinh tế

Canada đã công bố một chính sách có hiệu lực trong 2 năm nhằm giới hạn du học sinh nước ngoài sau khi tốc độ người nhập cư tăng quá nhanh.

Chính sách mới là một phần trong nỗ lực của chính phủ Canada nhằm giảm sức ép về nhà ở nhưng được nhận định tiềm ẩn nhiều thách thức cho nền kinh tế quốc gia Bắc Mỹ này.

canada.jpg
Sinh viên Đại học British Columbia tại Vancouver (Canada).

Bộ trưởng Bộ Nhập cư, Tị nạn và Quốc tịch Canada Marc Miller cho biết, nước này sẽ giới hạn visa du học trong 2 năm tới. Điều này sẽ giúp giảm lượng sinh viên quốc tế trong năm 2024 xuống còn 364.000 người. Năm 2023, Canada đã cấp gần 1 triệu giấy phép du học, gấp 3 lần so với một thập kỷ trước. Ngoài ra, các đề xuất mới trong chính sách sẽ giới hạn giấy phép làm việc sau đại học được cấp cho sinh viên nước ngoài nhằm khuyến khích du học sinh về nước làm việc. Các biện pháp mới siết chặt việc cấp giấy phép nhập học với sinh viên quốc tế, dự kiến được thực hiện từ ngày 1-9 tới. Theo Cơ quan thống kê Canada (Statscan), trong quý III-2023, dân số Canada tăng thêm khoảng 430.600 người, trong đó 96% là người nhập cư. Đây là mức tăng nhanh nhất trong hơn 6 thập kỷ qua.

Nhiều năm nay, Canada phụ thuộc vào người nhập cư để thúc đẩy nền kinh tế và hỗ trợ dân số già. Ottawa nổi lên như một điểm đến phổ biến đối với du học sinh quốc tế vì xin giấy phép làm việc sau khi kết thúc khóa học tương đối dễ dàng. Giáo dục quốc tế đóng góp hơn 22 tỷ CAD (đồng tiền của Canada, khoảng 16,5 tỷ USD) cho nền kinh tế Canada hằng năm và hỗ trợ hơn 200.000 việc làm. Tuy nhiên, gia tăng số lượng sinh viên quốc tế dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng căn hộ cho thuê, đẩy giá thuê nhà lên cao. Statscan cho biết vào tháng 12-2023, giá thuê nhà trên toàn quốc đã tăng 7,7% so với một năm trước.

Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội Bất động sản Canada (CREA), giá trung bình của một ngôi nhà điển hình là 735.500 CAD (hơn 548.000 USD) vào tháng 11-2023. Các chuyên gia ước tính, giá nhà tại nước này đã tăng gấp đôi so với năm 2011. Vì vậy, việc giảm số giấy phép mới nhằm bảo đảm những sinh viên chân chính nhận được sự hỗ trợ mong muốn và có các nguồn lực cần thiết để có trải nghiệm học tập phong phú ở Canada. Đồng thời, nước này ổn định tổng số sinh viên đến, giảm bớt áp lực về nhà ở cũng như chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, giới hạn du học sinh nước ngoài phần nào có thể giải quyết những lo ngại trong nước nhưng động thái này cũng gây rủi ro cho sự ổn định kinh tế của Canada.

Sinh viên quốc tế có những đóng góp ấn tượng lên tới hàng chục tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế Canada. Quyết định giảm số lượng sinh viên quốc tế sẽ tác động đến các cơ sở giáo dục đã mở rộng việc đón nhận lượng sinh viên, đặc biệt là ở Ontario, nơi có tỷ lệ sinh viên quốc tế cao nhất. Liên minh các Hiệp hội Sinh viên Canada (Casa), một nhóm vận động sinh viên đã chỉ trích mức trần này. Giám đốc Vận động của Casa, Mateusz Salmassi cho rằng, điều cần thiết là cần nhiều hỗ trợ về nhà ở hơn cho sinh viên quốc tế.

Ngoài lĩnh vực giáo dục, các doanh nghiệp ở Canada, đặc biệt là trong lĩnh vực khách sạn và bán lẻ, lo ngại về tình trạng thiếu lao động tiềm ẩn. Việc hạn chế sinh viên nước ngoài, những người chiếm 4,6% trong số 1,1 triệu nhân công trong ngành dịch vụ thực phẩm, có thể làm trầm trọng thêm vấn đề hiện có. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày mà còn có thể dẫn đến những thách thức kinh tế trong các lĩnh vực dựa vào lao động sinh viên quốc tế.

Các ngân hàng Canada cũng được hưởng lợi từ làn sóng sinh viên quốc tế đến, vì mỗi sinh viên được yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư bảo đảm (GIC) trên 20.000 CAD. Điều kiện tiên quyết để trang trải chi phí sinh hoạt này không chỉ hỗ trợ các tổ chức tài chính mà còn góp phần vào sự ổn định kinh tế chung của đất nước.

Tác động kinh tế không chỉ dừng lại ở giáo dục, khi sinh viên quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc duy trì nền kinh tế của Canada. Những đóng góp của họ, dù thông qua học phí, chi phí sinh hoạt hay việc làm lương thấp, đều có tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản và động lực thị trường lao động nói chung. Thế nên, việc phải bảo đảm sự tăng trưởng bền vững mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cho cả người dân và sinh viên quốc tế đang trở thành một thách thức với quốc gia Bắc Mỹ này.

https://hanoimoi.vn/canada-gioi-han-du-hoc-sinh-nuoc-ngoai-thach-thuc-tiem-an-cho-nen-kinh-te-656773.html

Thùy Dương / HNM.com.vn