Cẩn trọng bệnh tim mạch và đột quỵ trong những ngày Tết

Thời tiết lạnh kèm theo việc dùng nhiều những thực phẩm trong ngày Tết sẽ góp phần làm tăng cân, tăng cholesterol xấu và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh đái tháo đường type 2 và bệnh tim mạch.

Người bệnh tim mạch phải lưu ý gì?

Thống kê cho thấy, đỉnh điểm của các cơn đột quỵ tim thường rơi vào đêm giao thừa và 3 ngày Tết, khiến số lượng bệnh nhân trong phòng cấp cứu tăng đột biến vào những ngày này. 

Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, trong những ngày lễ, mọi người thoải mái thời gian nên ưu tiên cho việc ăn uống, vui chơi, tụ họp. Đây là những hoạt động vốn không phải thói quen bình thường của họ, nay bị dồn vào trong một vài ngày, thậm chí chưa đầy một ngày.

CC-1674463989921
Một ca cấp cứu tim mạch vào đêm 30 Tết tại Bệnh viện E.

Đó là chưa kể từ trước Tết, nhiều người bị áp lực tài chính đè nặng vì có nhiều khoản phải chi như tiền mua sắm Tết, tiền vé về quê ăn Tết, tiền biếu hai bên nội ngoại, tiền lì xì…, dẫn đến căng thẳng về cảm xúc và thể chất. Tất cả những điều này cộng lại sẽ khiến cơ thể bị stress, tạo áp lực cho tim và khiến tim phải làm việc nhiều hơn, gây ra cơn nhồi máu cơ tim cấp. Do đó, cần cân đối các hoạt động để có “khoảng nghỉ” cần thiết cho cơ thể cũng như giảm áp lực cho quả tim.

Trên bàn tiệc ngày Tết ít khi thiếu bia rượu và uống quá nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp tạm thời (nếu chỉ uống say 1 lần) hoặc lâu dài (nếu uống nhiều rượu trong nhiều lần và nhiều ngày liên tiếp). Một số người còn bị tình trạng tim đập nhanh hoặc loạn nhịp sau khi sử dụng một lượng lớn đồ uống có cồn.

Ngoài ra, lối sinh hoạt không lành mạnh ngày Tết như ngồi một chỗ quá lâu, ít vận động còn làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, hình thành cục máu đông – căn nguyên gây đột quỵ tim; thức khuya, ngủ không đủ giấc hoặc bị gián đoạn giấc ngủ sẽ góp phần gây ra các vấn đề về huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đau tim, đái tháo đường, đột quỵ

Vì vậy,  PGS Phạm Nguyễn Vinh khuyến cáo, dù là ngày lễ hay ngày bình thường, mọi người cần tính toán khẩu phần ăn đa dạng thực phẩm nhưng cân đối 4 nhóm chất chính (bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Trong đó, khẩu phần ăn lý tưởng dành cho người mắc bệnh tim cần có ít nhất 5 khẩu phần rau và trái cây mỗi ngày (mỗi khẩu phần tương đương 80g). Cần duy trì đủ 3 bữa chính trong ngày, không bỏ bữa và nên ăn đúng giờ. 

Song song đó, cần hạn chế dùng món ăn có nhiều calo và cholesterol xấu vì chúng dễ gây tăng cân và làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa, gây bệnh mạch vành. Các loại đồ ngọt như bánh mứt kẹo, nước ngọt, nước có gas… chứa nhiều đường, cũng không tốt cho sức khỏe tim mạch. 

Tăng các ca đột quỵ

Theo ghi nhận tại Khoa Khám bệnh và Cấp cứu tim mạch, Bệnh viện E, trong đêm 30 Tết tại đây có 5 ca cấp cứu. Đáng chú ý có một ca nặng được từ Lào Cai chuyển viện do bệnh nhân bị tắc mạch, gây tím tái cơ thể. Theo các bác sĩ trực ở Bệnh viện E thì thời tiết lạnh bất thường làm tăng nguy cơ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não.

Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trời lạnh khiến mạch máu co lại, tăng áp lực trong lòng mạch dẫn đến tăng huyết áp đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim.

Có bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội vùng sau xương ức. Người bệnh có tiền sử đái tháo đường và rối loạn mỡ máu nhiều năm. Trước khi nhập viện, thỉnh thoảng đau vùng thượng vị, đau ngực đột ngột, nhất là lúc ăn hoặc nằm ngủ. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành chụp mạch vành nhanh, sau đó đặt stent trực tiếp (không qua nong bóng) cho động mạch vành phải mới bảo toàn được tính mạng.

PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm… 

Tim_HN3-1674464058642
Thời tiết lạnh sâu, nhiều người đến khám tim mạch tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Theo các bác sĩ, trời lạnh cũng làm gia tăng bệnh đột quỵ não. Những người cao tuổi (từ 50 trở lên), người bị huyết áp cao, người bị đái tháo đường, người hút thuốc lá và béo phì là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ não mùa lạnh cao nhất. Ngoài ra các yếu tố liên quan đến lối sống thiếu khoa học dẫn đến tình trạng đột quỵ ngày càng trẻ hóa như: Ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài...

Đối với các bệnh nhân đột quỵ não, theo khuyến cáo của bác sĩ, cần phải vào viện càng sớm càng tốt để được thăm khám. Đặc biệt đối với nhồi máu não cần phải vào viện trong khoảng thời gian 4,5 giờ kể từ khi khởi phát dấu hiệu bệnh vì đây là thời gian vàng để sử dụng các biện pháp tái thông mạch máu giúp người bệnh phục hồi hoàn toàn. cứu sống người bệnh.

BS cũng khuyến cáo, dù đang trong những ngày đầu năm, mọi người không nên lơ là sức khỏe huyết áp, tim mạch. Đừng quên đo huyết áp và nhịp tim mỗi ngày để xem các chỉ số có ổn định hay không, qua đó điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Dù đi du lịch, du xuân cũng lưu ý uống thuốc đúng giờ giấc và đủ liều lượng. Đối với một số loại thuốc như thuốc tăng huyết áp, thuốc kháng đông…, nếu quên uống thuốc có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

 
Trần Hằng / CAND