Cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 27/6, đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Chiều 27/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý - đoàn Đồng Nai bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đại biểu, trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải lấy phòng ngừa là chính; tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy, sự cố, tai nạn và thiệt hại do cháy, sự cố, tai nạn gây ra.

Quan tâm tới những giải pháp và biện pháp phòng cháy quy định tại Chương II của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý đề nghị bổ sung vào Điều 12 biện pháp cơ bản trong phòng cháy nội dung: Tích cực khai thác lực lượng tại chỗ, bên cạnh lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp, chú trọng việc phát huy vai trò của người dân ở địa phương.

Tại Điều 13 về quy hoạch xây dựng, lập dự án, thiết kế xây dựng công trình, thiết kế phương tiện giao thông cơ giới, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Tiến hành thanh tra tình hình, tình trạng lấn chiếm các hành lang thoát hiểm phục vụ công tác chữa cháy trong các khu dân cư.

Tại Điều 14 về thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy; Điều 15 về nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Xã hội hóa các hình thức thẩm tra, thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy cũng như công tác nghiệm thu, kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum

Đại biểu Phạm Đình Thanh - đoàn Kon Tum cho rằng, với nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, để thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy nổ, sự cố tai nạn và thiệt hại do cháy nổ gây ra, ngoài việc quy định đầy đủ, chặt chẽ về vấn đề thẩm tra, thẩm định, thiết kế, nghiệm thu, kiểm tra, nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, cần bổ sung vào dự án luật các chính sách cụ thể nhằm ưu tiên và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong nước, kết hợp với việc nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến của nước ngoài để phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trước hết là quan tâm đầu tư đúng mức cho việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đồng thời cần phải có sự ưu tiên thỏa đáng về nguồn lực tài chính để mua sắm đầu tư trang bị những phương tiện tiên tiến, hiện đại hiện có trên thế giới nhằm phục vụ tốt nhất và đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong việc cứu người bị nạn.

Với mục đích bổ sung đầy đủ quy định để kịp thời khắc phục những vướng mắc, bất cập đã diễn ra trong thực tiễn, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào Điều 11 quy định các hành vi bị nghiêm cấm nội dung sau: Nghiêm cấm việc người được giao nhiệm vụ thẩm quyền nhưng không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình; hoặc có hành vi khác tiếp tay, giúp sức cho việc thi công xây dựng cải tạo công trình, hạng mục công trình, chế tạo hoán cải phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo các điều kiện theo quy định của luật về phòng cháy và chữa cháy.

Tại Điều 42, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: Chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi cơ sở, địa bàn quản lý và tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở các cơ sở địa bàn khác khi có yêu cầu.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Đại biểu Trần Văn Tiến - đoàn Vĩnh Phúc cũng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, đặc biệt về nội dung cứu nạn, cứu hộ; luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về cứu nạn, cứu hộ và thực hiện xã hội hóa trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời, khắc phục những hạn chế bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.

Về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ cơ bản đồng tình, tuy nhiên đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung nội dung: “Quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”. Cụ thể như sau: Luật này quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng, bố trí lực lượng, phương tiện, nhiệm vụ, điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến tại Điều 7, đại biểu cho biết, tại khoản 4 quy định: Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ?.

Quỳnh Nga / Báo Công Thường