Cần nghiên cứu lại công thức tính lương tối thiểu theo giờ

Theo đánh giá của các chuyên gia, lương tối thiểu theo giờ có mức đề xuất cao nhất chỉ 22.500 đồng/giờ là thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Nếu quy định mức quá thấp, người lao động có thể “lép vế” khi thương lượng với chủ sử dụng lao động.

Lần đầu tiên đề xuất

Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành vào dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Trong đó, lương tối thiểu tháng theo 4 vùng tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 - 260.000 đồng) so với mức đang áp dụng.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên, cơ quan soạn thảo xây dựng lương tối thiểu theo giờ, dự kiến chia theo 4 vùng: Vùng I là 22.500 đồng/giờ; Vùng II là 20.000 đồng/giờ; Vùng III là 17.500 đồng/giờ; Vùng IV là 15.600 đồng/giờ. Lý giải về đề xuất trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, trên thực tế, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

nhan-vien-ban-thoi-gian-5372
Mức lương tối thiểu theo giờ được đề xuất từ 15.600 - 22.500 đồng

Trong khi đó, người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động đang có sự cứng nhắc, thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu theo giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Mức lương tối thiểu theo giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cơ quan soạn thảo, việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Mức lương tối thiểu theo giờ được xác định dựa trên phương pháp quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo cơ quan soạn thảo, việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận định, việc bổ sung mức lương tối thiểu giờ sẽ góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương tối thiểu của Việt Nam, tăng tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đang đề xuất gia nhập.

Thấp hơn nhiều so với thực tế

Việc áp dụng lương tối thiểu theo giờ là cần thiết để bảo vệ quyền lợi về lương cho các đối tượng làm việc bán thời gian, lao động ở khu vực phi chính thức. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng mức đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH là vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay.

Anh Lê Tuấn Linh (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) hiện đang làm nhân viên bán thời gian tại một quán cà phê trên địa bàn cho rằng mức lương tối thiểu theo giờ 22.500 đồng/giờ là thấp, khó có thể đảm bảo cuộc sống tại Hà Nội. Lao động làm việc theo ca kíp không được hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe đi lại nên mọi thứ phải tự túc. Với mức đề xuất trên, trừ hết các khoản chi phí, một ngày, thực tế người lao động chỉ nhận được khoảng 100.000 đồng.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Mai, chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, trước đây khi tuyển lao động làm ca mức lương dao động khoảng 22.000 - 25.000 đồng/giờ. Tuy nhiên, hiện nay giá cả sinh hoạt tăng mạnh, nếu đăng tuyển mức này thì khó mà tìm được người, chị Mai đã phải tăng lên 28.000 đồng/giờ mà vẫn chưa tuyển được người ưng ý.

Khảo sát tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, mức lương theo giờ các đơn vị tuyển dụng đang trả cho người lao động trong khoảng từ 20.000 - 80.000 đồng/giờ. Trong đó, lương người lao động làm công việc giúp việc theo giờ đang được trả cao nhất ở mức 50.000 - 80.000 đồng, thấp nhất là lương tạp vụ, chạy bàn quán ăn từ 18.000 - 25.000 đồng/giờ.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện chỉ ra rằng, nếu không làm thêm giờ, tiền lương của người lao động chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo cuộc sống, nhiều lao động phải đi vay tiền, có người phải rút bảo hiểm xã hội một lần sau đó lại tiếp tục tham gia lại…

PGS. TS Vũ Quang Thọ - nguyên Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho rằng, thực tế mức lương phụ hồ, giúp việc theo giờ hiện nay đã trên 50.000 đồng/giờ, nếu để mức lương tối thiểu theo giờ từ 15.600 - 22.500 đồng là không hợp lý.

 

Cần thiết nhưng chưa thỏa đáng

Mục đích của việc ban hành lương tối thiểu theo giờ nhằm cụ thể hóa Bộ luật Lao động năm 2019, qua đó mở rộng diện bao phủ và bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với người lao động; góp phần tích cực cho việc cải thiện tiền lương, đời sống của người lao động, thúc đẩy phục hồi thị trường lao động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Quy định này cũng như một “sàn” đỡ để bảo vệ quyền lợi của lực lượng lao động không chính thức. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cách quy đổi tương đương từ lương tháng sang giờ như đề xuất không có nhiều ý nghĩa, làm cho tiền lương tối thiểu bị thấp đi.

Trao đổi về nội dung này, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Đình Quảng cho hay, lương tối thiểu theo giờ là mức tối thiểu nhất mà một doanh nghiệp hoặc người thuê mướn, sử dụng lao động phải trả cho người lao động làm việc theo giờ hoặc ngày. Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định tiền lương tối thiểu gồm có tiền lương tối thiểu theo giờ và tiền lương tối thiểu theo tháng, cả hai đều áp dụng theo vùng.

Chính sách này lẽ ra phải thực hiện từ ngày 1-1-2021 khi Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phải lùi lại. Mức lương tối thiểu theo giờ chính là mức sàn mà người sử dụng lao động bắt buộc phải trả cho người lao động để đảm bảo thu nhập cũng như đời sống của họ và gia đình họ. Bởi, người làm việc theo giờ thường không có các chế độ phúc lợi xã hội, ví dụ như tiền đóng bảo hiểm, hỗ trợ ốm đau... như người lao động trọn tháng.

Song cũng có nhiều ý kiến đề nghị do chúng ta mới lần đầu áp dụng nên trước mắt chỉ áp dụng ở mức đơn giản. Chính phủ sẽ đưa ra mức sàn cụ thể cho lao động làm theo giờ tùy theo từng vùng và sau khi có mức sàn này thì người sử dụng lao động theo giờ sẽ không được trả thấp hơn mức sàn đó.

Ủng hộ việc quy định lương tối thiểu theo giờ, tuy nhiên bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, mức sàn mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là hơi thấp. Nữ chuyên gia nhìn nhận, hiện nay lương tối thiểu tháng chỉ là phần thực lĩnh đến tay người lao động, còn phần chi trả của doanh nghiệp liên quan đến người lao động như chi phí bảo hiểm xã hội, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện điều điện làm việc, gọi chung là tổng chi phí về lao động thường bị “che” đi.

Do đó, khi xây dựng lương tối thiểu giờ, những yếu tố này cần được đưa vào, bởi vì nhóm lao động hưởng lương này thường làm việc không trọn thời gian trong một tổ chức cố định. Nếu dùng lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc thì tiền lương tối thiểu giờ sẽ thấp. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, mức lương tối thiểu theo giờ cần cao hơn từ 1,3 - 1,5 lần mức đề xuất thì mới đáp ứng được nhu cầu của người lao động.

An Nhiên / ANTĐ