Nhiều dự án được bán với giá hàng trăm triệu đồng/m2 nhưng chưa hẳn đã tốt mà chủ đầu tư chỉ muốn lợi dụng tâm lý để bán hàng.
Ngày 6/9/2018, trao đổi với Đất Việt về hiện tượng nhiều dự án chung cư siêu cấp đang được xây dựng tại TP. HCM với giá bán lên tới gần 50 tỷ đồng/ căn hộ, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành chỉ ra thực trạng hiện nay tại TP. HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang "bội thực" nhà cao giá.
Ông Đực cho biết: "Ngày trước, giá trị căn hộ chỉ tới 50 - 60 triệu đồng/m2 là quá đáng lắm rồi. Bây giờ chỉ tính riêng TP. HCM có nhiều dự án có giá rao bán hơn 100 triệu đồng/m2, đặc biệt một dự án của nhà đầu tư mới vào Việt Nam được xây dựng ở Q.1, có vị trí bình thường nhưng có giá lên tới hơn 200 triệu đồng/m2. Do xây trên con đường chật hẹp nên khả năng dự án này đi vào hoạt động sẽ làm nghẽn khu vực đó luôn. Với một dự án có vị trí không tốt mà giá quá cao như vậy là điều bất hợp lý".
Ngoài vấn đề vị trí thì chất lượng tại các dự án chung cư siêu cấp này cũng được ông Đức đặt ra nhiều câu hỏi liệu có tương xứng với giá bán hay không? Theo ông Đực, mặt bằng tại nhiều dự án cao cấp đang xây dựng trên địa bàn TP. HCM rất kém, không gian sinh hoạt cộng đồng, hành lang bị thu hẹp vì chủ đầu tư đã tận dụng triệt để diện tích vào căn hộ để bán.
Thị trường bất động sản TP. HCM đang có nhiều nghịch lý.
Điều này làm mất đi nhiều tiện ích có trong dự án. Một dự án cao cấp được đánh giá không chỉ ở bên trong căn hộ mà yếu tố bên ngoài căn hộ cũng cần phải được chú trọng.
Để bán được hàng, nhà đầu tư thường đưa ra các mỹ từ để "đánh lừa" cảm nhận của khách hàng như căn hộ được thiết kế theo kiểu Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc, Pháp.... Tuy nhiên ít ai biết được rằng đa phần các dự án bất động sản của Việt Nam có sự pha tạp giữa nhiều kiến trúc khác nhau. Và mặt kiến trúc sẽ không có ý nghĩa nhiều nếu giá trị cuộc sống bên trong bị bó hẹp, nhiều tiện ích bị rút gọn lại, thậm chí cắt bỏ.
Ông Đực cho hay: "Cả thành phố có 1 - 2 dự án bất động sản cao cấp, siêu đắt thì sẽ không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản chung của thành phố hay cả nước. Chủ đầu tư có quyền đưa ra giá bán nhưng cũng cần căn cứ vào thực tế nếu không sẽ không thể bán được hàng. Nhưng nếu có quá nhiều dự án như thế trong tương lai thì thị trường bất động sản lại xác lập một mặt bằng giá mới, cao hơn mức giá hiện tại".
Đối tượng khách hàng mà những dự án bất động sản siêu đắt này hướng tới là những người có mức kinh tế rất cao trong xã hội Việt Nam. Nếu là ông Đực thì ông cũng sẽ không lựa chọn mua những căn hộ có giá trị đắt đỏ như thế bởi những tiện ích tại các dự án này không khác gì tại các dự án trung cấp khác, thậm chí không gian sống của nhiều dự án cao cấp còn bị bó hẹp bởi chủ đầu tư muốn tận dụng hết diện tích vào căn hộ.
Điều này sẽ dễ dẫn đến việc tình trạng đất chật, người đông. Rồi những chuyện như "đuổi khách trú mưa" như ở tòa nhà Saigon Times Square vào cuối tháng 8/2019 sẽ thường xuyên xảy ra hơn.
"Các dự án chiếm đất, chiếm mặt đường rồi đẩy người dân ra ngoài đường đó là hệ quả tất yếu của việc quy hoạch không chừa chỗ cho quy hoạch, tất cả giao phó cho doanh nghiệp bất động sản. Đặc biệt là với những dự án cao cấp, thường chiếm một vị trí đắc địa, nơi tập chung dân cư đông đúc, có nhiều người qua lại. Người nghèo ít khi vào khu đó vì người ta mặc cảm và bị chính nhân viên tòa nhà đó xua đuổi.
Điều đó cho thấy hiện tượng cách ly người giàu ra khỏi người nghèo là điều có thật, đang diễn ra ở Việt Nam. Vấn đề này đến từ chính việc quy hoạch, quản lý và giám sát của cơ quan chức năng đang có vấn đề, dẫn đến các chủ đầu tư tự cho mình cái quyền được cai quản, toàn quyền quyết định trong một vùng đất" - ông Đực nói.
HoREA: TP.HCM có thể làm 10.000 căn hộ 30 m2 giá chỉ 200 triệu đồng
HoREA cho biết TP.HCM có thể xây dựng nhà ở xã hội giá 200 triệu như Bình Dương nhưng chỉ xây được 10.000 căn. Để ... |
Cảnh báo thiếu căn hộ bình dân, thừa nhà ở cao cấp tại TP.HCM
Căn hộ bình dân hiện chiếm tỷ trọng thấp nhất trong tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở tại TP.HCM, chỉ 20,5%. Đây là biểu ... |