Cần giáo dục học sinh coi “trường học như gia đình”

Bạo lực học đường đang là vấn nạn nóng bỏng, có xu hướng ngày càng phức tạp hơn. Bạo lực về thể xác và tình thần ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, làm ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự xã hội.

Chỉ xích mích nhỏ nhặt trong quá trình học tập, vui chơi, một số học sinh “lạnh lùng” sẵn sàng dùng hung khí đoạt mạng bạn học. Một nam sinh lớp 11 ở tỉnh Long An bị một nhóm bạn đánh tử vong sau khi tan học chiều 17/10. Trước đó, em này có mâu thuẫn với một học sinh lớp 10 cùng trường. Ngày 11/10, một nam sinh lớp 12 ở tỉnh Hà Tĩnh bị một học sinh học lớp 11 cùng trường đâm tử vong khi đang trên đường đi học về. Dư luận bức xúc, phụ huynh lo lắng.

Có nhiều nguyên nhân tiêu cực tác động xấu đến tâm sinh lý của trẻ. Cộng với việc giáo dục ít tập trung “dạy người” nên đạo đức của trẻ không được vun đắp. Dần hình thành nơi trẻ tính nóng nảy, thiếu kiềm chế, thiếu bình tĩnh khi gặp sự xung đột, đối kháng, bất bình,... Từ đó sinh ra bạo lực, mâu thuẫn nhỏ cũng làm “bùng nổ” hành vi, dẫn đến phạm tội.

3.jpg -0
Cơ quan Công an tăng cường tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ tư vấn, hỗ trợ trẻ em cấp Trung ương cho rằng, luật chưa nghiêm, độ tuổi còn nhỏ dưới 14 tuổi chưa xử lý hình sự được, trong khi không ít gia đình chưa quan tâm sâu sát đến con cái.

Để giáo dục trẻ, ngoài sự quan tâm chăm sóc của gia đình và nhà trường thì hình phạt phải mạnh hơn nếu trẻ vi phạm pháp luật. Hiện nay quy định của luật chưa đủ răn đe. Dưới 14 tuổi chưa xử lý hình sự, trong khi đó thực trạng vi phạm pháp luật ngày càng nhỏ tuổi, trẻ hung hăng đánh nhau xảy ra nhiều. Nhưng nếu dưới 14 tuổi có thể đưa vào trường giáo dưỡng hoặc cho gia đình bảo lãnh về nhà giáo dục, 15 -16 tuổi đánh người gây hậu quả đặc biết nghiêm trọng mới xử lý hình sự, còn lại chỉ phạt hành chính nên tính giáo dục thấp.

“Nhà trường dạy môn đạo đức cho học sinh nhưng phải xoáy sâu vào tình thương, coi trường học là gia đình thứ 2, chứ trường học không phải là nơi các em hơn thua với nhau. Để tăng cường giáo dục các em không bạo lực học đường, ngoài gia đình, nhà trường, các ban, ngành, đoàn thể phải tích cực phối hợp với nhau thực hiện”, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ chia sẻ.

Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh, giáo dục đứa trẻ dựa trên 3 môi trường: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó vai trò chính vẫn là gia đình và nhà trường. Gia đình và nhà trường cần phối hợp chặt chẽ hơn trong giáo dục học sinh. Đặc biệt, ban đại diện cha mẹ học sinh cần phối hợp với nhà trường để cùng nhau xem nguyên nhân bạo lực từ đâu? Đây là việc quan trọng hơn vấn đề vận động đóng góp kinh phí hoạt động của học sinh và nhà trường, dẫn đến tai tiếng không cần thiết.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngày nay nhà trường nặng dạy chữ hơn dạy người. Nhồi nhét kiến thức nhiều quá, về nhân cách đạo đức cũng có dạy nhưng thời lượng ít và chưa phù hợp với từng lứa tuổi; ít quan tâm dạy biết kính trọng người lớn cũng như cách cư xử cơ bản trong cuộc sống. Có những nội dung dạy chưa phù hợp thực tế, không dạy học sinh biết yêu thương, long biết ơn, tinh thần trách nhiệm, có hiếu, biết giúp đỡ và chia sẻ…

“Từng gia đình cùng cần xem lại cách giáo dục con cái, cần quan tâm đến con cái nhiều hơn để lắng nghe tâm tư, bức xúc của con. Khi cha mẹ gần gũi thì con cái mới bộc bạch những suy nghĩ, những bức bối trong lòng hoặc những khúc mắc không gỡ được. Từ đây, cha mẹ có thể nắm bắt được tình hình học tập cũng như mối quan hệ của học sinh, từ đó trao đổi với nhà trường cũng như các phụ huynh khác để có biện pháp phòng ngừa, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc”, thầy Nguyễn Văn Ngai chia sẻ.

https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/can-giao-duc-hoc-sinh-coi-truong-hoc-nhu-gia-dinh-i672368/

Nguyễn Cảnh / Công an nhân dân