Cần có chính sách, đãi ngộ xứng đáng cho các hoạt động ghép tạng

Một ca ghép tạng từ người cho chết não thành công không chỉ là thành tựu của kỹ thuật ghép tạng, mà còn là một hành trình dài của sự vận động, tư vấn lấy, điều phối ghép mô tạng. Hiện nay, nguồn mô tạng từ người chết não rất lớn, nhưng số người đồng ý hiến tạng khi qua đời còn rất hiếm hoi.

Để người thân của người chết não đồng ý hiến tạng, phải có các tổ tư vấn ở mỗi bệnh viện để người dân hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa nhân văn và cao đẹp của hiến tạng cứu người. Nhưng đến nay, tổ tư vấn để hoạt động được còn rất khó khăn, các tư vấn viên làm việc chỉ vì đam mê và cái tâm, chưa có đãi ngộ xứng đáng.

a.jpg -0
Một ca ghép gan tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại Hội thảo Xây dựng chính sách về các hoạt động tư vấn, vận động, lấy, điều phối, ghép mô tạng tổ chức vào chiều 12/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, lượng người hiến tạng sống ở Việt Nam vẫn chiếm 95%, trong khi ở các nước phát triển như Tây Ban Nha, Hàn Quốc…, hơn 50% nguồn hiến từ người chết não. Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh. Tuy nhiên, theo ông Thuấn, hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho các hoạt động tư vấn hiến mô tạng từ người chết não, chết tim.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đến nay, cả nước mới có 23/68 bệnh viện trong mạng lưới vận động hiến tạng thành lập tổ tư vấn. Theo thống kê, từ tháng 12/2022 đến tháng 12/2023, cả nước có 16 bệnh viện thí điểm mạng lưới tư vấn, có 33 gia đình đồng ý hiến tạng người bệnh chết não, nhưng chỉ có 16 ca hiến (17 ca không đủ điều kiện hiến do ngừng tim, nhiễm trùng…). Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc chưa có mạng lưới tư vấn, mới chỉ vận động được 2 gia đình đồng ý hiến tạng, nhưng chỉ thực hiện được 1 ca.

Riêng trong 5 năm tháng đầu năm 2024, mạng lưới 68 bệnh viện vận động hiến tạng chết não đã thuyết phục được 35 gia đình đồng ý hiến tạng, trong đó thực hiện được 10 ca, 25 ca không đủ điều kiện hiến. Còn hơn 400 bệnh viện trên toàn quốc không vận động được bất kỳ ca chết não nào hiến tạng. “Nếu không xây dựng mạng lưới bệnh viện thành lập tổ tư vấn vận động hiến tạng trên cả nước thì người bệnh được ghép tạng sẽ rất ít ỏi. Tỷ lệ đồng ý hiến tạng ở Việt Nam còn rất thấp, như tại Bệnh viện Việt Đức đạt 2%; các bệnh viện khác chưa có liệu thống kê; tỷ lệ tư vấn thành công 2% (tiếp cận và giải thích 100 trường hợp, 2 trường hợp đồng ý hiến)”, PGS Đồng Văn Hệ cho hay.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, vai trò của tổ tư vấn và tư vấn viên tại các bệnh viện rất quan trọng. Tư vấn viên là người phát hiện người chết não tiềm năng hiến mô tạng như: Tiếp cận bệnh án; trao đổi với bác sĩ điều trị; điều dưỡng ở phòng ICU; giải thích với gia đình người bệnh, báo cáo hệ thống… Số lượng công việc của tổ tư vấn rất lớn, những bệnh viện lớn cần tổ chuyên nghiệp (toàn thời gian), nhưng chưa có chi phí hoạt động cũng như thù lao hỗ trợ cho tư vấn viên, nên chưa thu hút được nhiều người nhiệt huyết tham gia.

Phụ trách đơn vị y tế có ca hiến ghép tạng lớn nhất cả nước, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, cần tiến tới việc ghép tạng từ nguồn hiến người chết não, bởi nguồn hiến từ người sống là “cực chẳng đã”. Với việc đổi mới công tác vận động gia đình người hiến chết não, trung bình 1 tháng, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có 1 ca hiến từ người chết não, giúp hồi sinh nhiều người bệnh sống thoi thóp do các bệnh hiểm nghèo. Bệnh viện xác định việc triển khai ghép là để cứu người chứ không phải nguồn kết dư của bệnh viện. Chi phí cho mỗi bệnh nhân ghép là cá thể hóa bởi phụ thuộc tình trạng bệnh nhân trước và sau ghép, nhất là với bệnh nhân ghép tim, trong khi phần chi trả của BHYT không nhiều.

TS Hùng cho biết, tại bệnh viện đã thành lập văn phòng vận động hiến tạng từ nguồn người chết não. Với việc vận động hiến tạng, nếu thực sự ngồi với người trực tiếp thực hiện vận động mới thấy khối lượng công việc phức tạp; không chỉ 1 buổi mà hàng chục buổi thuyết phục người ra bệnh nhân… Do vậy, tình nguyện là chưa đủ mà cần có cơ chế chính sách cho các cán bộ tham gia hoạt động này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, sau sự kiện Thủ tướng đến Bệnh viện Việt Đức vận động hiến tạng, đồng thời, Thủ tướng và gia đình cũng đăng ký hiến tạng, lượng người đăng ký hiến tăng lên gần 10.000 người. Điều này cho thấy vai trò của người vận động là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, những khó khăn, vướng mắc mà các đại biểu đóng góp cần được Ban tổ chức hội thảo báo cáo với Bộ Y tế và đề xuất cụ thể như cơ chế tài chính, đầu mối chính sách, con người, chế độ cho nhân viên tư vấn… Từ đó, Bộ Y tế sẽ tổ chức họp với các bộ, ban, ngành liên quan, các vụ của Quốc hội, đơn vị trực thuộc để sớm có cơ chế chính sách tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác vận động lấy, điều phối ghép mô, tạng phát triển mạnh mẽ.

https://cand.com.vn/y-te/can-co-chinh-sach-dai-ngo-xung-dang-cho-cac-hoat-dong-ghep-tang-i734178/

Trần Hằng / cand.com.vn