Những ngày tác nghiệp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều là khoảng thời gian vất vả nhưng cũng đầy thú vị của hàng ngàn phóng viên Việt Nam và quốc tế.
Chuỗi ngày "ăn chực nằm chờ" đeo bám hiện trường của các phóng viên Việt Nam và quốc tế bắt đầu từ đêm 25/2. Đây là hình ảnh ở khu vực dành cho báo chí đối diện cửa ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), nơi đoàn tàu bọc thép chở ông Kim Jong-un dừng bánh. Phóng viên các nước đến Lạng Sơn từ trước 1-2 ngày, túc trực tại đây cả đêm dù trời mưa rét. (Ảnh: Xuân Trường)
Cùng lúc ông Kim Jong-un đến ga Đồng Đăng, truyền thông tác nghiệp ở Hà Nội cũng vào vị trí xung quanh khách sạn Melia, chưa kể các điểm chốt trên tuyến đường dự kiến đoàn xe chở nhà lãnh đạo Triều Tiên đi qua. Phóng viên các nước giữ chỗ bằng thang, ghế và máy móc từ tờ mờ sáng, thậm chí có người đến từ 3-4h khi trời vẫn tối và có mưa. (Ảnh: Ngọc Anh)
Để có được những hình ảnh ở khách sạn Melia, nơi ông Kim Jong-un lưu trú, các phóng viên đặc biệt là truyền hình đã phải trải qua một cuộc chiến phân cao thấp theo đúng nghĩa đen. Ai cũng cố gắng đưa máy của mình lên góc cao nhất có thể để có được góc quay, chụp thuận lợi. Người đến sau phải chấp nhận lùi lại xa hơn một chút, đồng nghĩa với việc phải tìm cách vươn cao hơn. (Ảnh: Ngọc Anh)
Chắc hẳn rất nhiều phóng viên mơ ước được đứng ở vị trí như hai đồng nghiệp trong ảnh. Đó là những phóng viên thuộc diện "official" được đi theo phái đoàn của ông Kim Jong-un và ông Donald Trump trong suốt những ngày ở Việt Nam. (Ảnh: Ngọc Anh)
Các phóng viên cũng có lúc trở thành nhân vật chính. Park Hee-jun - nữ phóng viên của kênh truyền hình Arirang (Hàn Quốc) là một trong những "bóng hồng" tác nghiệp tại Thượng đỉnh Mỹ-Triều được cộng đồng mạng chú ý. (Ảnh: Ngọc Anh)
Cũng không thể không nhắc tới Baek Seung-woo của kênh Channel A (Hàn Quốc), "nam thần" bỗng dưng có rất nhiều fan nữ khi vừa mới đặt chân tới Hà Nội được vài ngày. (Ảnh: Xuân Trường)
Phóng viên châu Á chiếm số đông, hầu hết là các ê-kíp của truyền thông Hàn Quốc, Nhật Bản. Hasen Kuniyama (giữa) của đài Tokyo (Nhật Bản) nói rằng anh và các đồng sự rất hài lòng với điều kiện tác nghiệp ở Việt Nam, chỉ trừ hai vấn đề là mạng Wifi và giao thông. (Ảnh: Ngọc Anh)
Đây là một phóng viên người Malaysia, nhưng anh không làm việc cho cơ quan báo chí nào của nước này. Anh cho biết truyền thông Malaysia không thực sự quan tâm tới sự kiện này. Anh cùng một số đồng nghiệp đồng hương có mặt ở Hà Nội do được các cơ quan truyền thông Nhật Bản, Hàn Quốc thuê. (Ảnh: Ngọc Anh)
Còn đây là khung cảnh trước cổng chính khách sạn JW Marriott, nơi ông Donald Trump tạm trú trong những ngày ở Hà Nội. Tại đây, việc chọn vị trí đứng của các phóng viên vất vả hơn nhiều giữa biển người hiếu kỳ đứng chật kín vỉa hè chờ tận mắt nhìn hai chiếc xe Cadillac trứ danh của Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Ngọc Anh)
Hàng trăm, thậm chí có thể đến nghìn người, ai cũng có thể hóa thân thành các phóng viên với những chiếc smartphone trên tay. Tuy nhiên, không người nào ở đây ghi lại được hình ảnh nào của bộ đôi Cadillac, bởi đoàn xe chở Tổng thống Trump đi vào khách sạn bằng đường khác. (Ảnh: Ngọc Anh)
Trong hai ngày tiếp theo (27/2 và 28/2), tâm điểm truyền thông được chuyển về khách sạn Metropole - nơi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau. Vẫn như những ngày trước, phóng viên các nước túc trực giữ chỗ nhiều giờ đồng hồ ở khu vực tác nghiệp. (Ảnh: Anh Thư)
Có thể nhận biết được đây là vị trí làm việc của ê-kíp đến từ Nhật Bản thông qua chiếc laptop hiệu Panasonic rất đặc trưng của giới phóng viên đất nước mặt trời mọc, nhỏ gọn nhưng rất cứng cáp. Nhóm này thậm chí còn mang theo cả máy in. (Ảnh: Anh Thư)
Sau khi sự kiện Thượng đỉnh Mỹ-Triều và chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Kim Jong-un kết thúc, "mặt trận" cuối cùng của các phóng viên là ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Đã có kinh nghiệm từ trước, các đơn vị truyền thông cũng cử phóng viên lên giữ chỗ từ sớm với đủ các loại thang, ghế và máy móc. (Ảnh: Ngọc Anh)
Thua trong cuộc chiến đọ chiều cao cũng đồng nghĩa với việc không có góc ghi hình thuận lợi.
Chuỗi ngày "ăn chực nằm chờ" của phóng viên Việt Nam và quốc tế chính thức khép lại khi ông Kim Jong-un lên tàu bọc thép, cảm ơn và tạm biệt Việt Nam trước khi khởi hành về Triều Tiên. (Ảnh: Ngọc Anh)
Ngoại trưởng Mỹ nói về \'bài học\' sau thượng đỉnh Trump - Kim
Pompeo khuyến khích thanh thiếu niên tìm hiểu công việc của ông trong vai trò nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ.
Lời khai của cựu luật sư khiến Trump rời hội nghị Mỹ - Triều sớm
Phiên điều trần Cohen trùng thời điểm diễn ra hội nghị Mỹ - Triều lần hai bị cho là nhằm làm mất uy tín của ...
Ông Kim Jong Un thay đổi hình ảnh sau thượng đỉnh ở Hà Nội
Mặc dù chưa đạt được thỏa thuận với Tổng thống Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã cải thiện đáng kể hình ...
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều: Những dấu ấn đặc biệt chưa từng có ở Việt Nam
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội ghi dấu những điều chưa từng có tiền lệ như cuộc họp báo vào lúc ...