Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội ghi dấu những điều chưa từng có tiền lệ như cuộc họp báo vào lúc nửa đêm hay việc nhà lãnh đạo Triều Tiên vượt hơn 4.500 km bằng tàu hỏa để tới Hà Nội trong chuyến công du dài nhất của ông kể từ khi lên nắm quyền.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội và nhiều ngày trước đó, Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông thế giới khi đứng ra đăng cai cuộc gặp lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Với kinh nghiệm từng tổ chức nhiều sự kiện tầm cỡ quốc tế, trong lần đứng ra đăng cai sự kiện này, Việt Nam tiếp tục ghi điểm nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối trước, trong và sau những ngày diễn ra sự kiện, để lại ấn tượng mạnh mẽ về sự thân thiện, hiếu khách trong lòng bạn bè quốc tế.
Riêng với Việt Nam, sự kiện Mỹ-Triều cũng ghi dấu ấn với những điều chưa từng xảy ra từ trước tới nay.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vượt 4.500 km bằng tàu hỏa tới Việt Nam
Khác với nguyên thủ các quốc gia khác sử dụng chuyên cơ để di chuyển ra nước ngoài, ông Kim tin chọn tàu hỏa làm phương tiện để công du tới Việt Nam.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un xuống tàu hỏa tại ga Đồng Đăng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Rời ga Bình Nhưỡng từ chiều 23/2, sau khi vượt 4.500 km từ thủ đô của Triều Tiên qua 7 tỉnh thành của Trung Quốc trong hơn 2 ngày, đoàn tàu bọc thép trứ danh đưa ông Kim tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn vào sáng 26/2, bắt đầu chuyến công du 5 ngày tới Việt Nam.
Trong các chuyến công du trước đó tới Trung Quốc và Singapore, thời gian di chuyển của nhà lãnh đạo Triều Tiên thường chỉ gói gọn từ vài giờ hoặc chưa tới một ngày.
Chuyến thăm kéo dài 5 ngày tới Việt Nam là chuyến công du dài nhất của Chủ tịch Kim kể từ khi ông lên nắm quyền và là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Triều Tiên trong vòng 60 năm qua sau chuyến thăm của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành vào năm 1958.
Lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới Việt Nam 2 lần trong một nhiệm kỳ
Trước Tổng thống Donald Trump, từng có 3 nhà lãnh đạo Mỹ tới thăm Việt Nam là Tổng thống Bill Clinton, Tổng thống George W. Bush và Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, ông Trump là Tổng thống Mỹ đầu tiên công du Việt Nam tới 2 lần trong khi ông mới trải qua một nửa nhiệm kỳ.
Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên tới Việt Nam 2 lần khi đang tại nhiệm.
Chuyến công du tới Đà Nẵng vào cuối năm 2017 của vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm cũng đặc biệt gây chú ý, bởi khi đó là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ tới thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên tiếp quản chiếc ghế quyền lực của Nhà Trắng.
Trong khi ông Clinton và ông Obama tới Việt Nam 1 năm trước khi mãn nhiệm vào các năm 2000 và 2016, thì Tổng thống George W. Bush chọn năm thứ hai của nhiệm kỳ thứ 2 để tới thăm Việt Nam.
Trước, trong và sau các chuyến thăm, Tổng thống Trump đều dành những lời ngợi khen về công tác chuẩn bị chu đáo của Chính phủ, sự hiếu khách, thân thiện cũng như sự tiếp đón nồng hậu của người dân Việt Nam.
Điều này cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ rất tin tưởng vào công tác tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm cỡ quốc tế của nước chủ nhà đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai.
Cuộc họp báo lúc nửa đêm
Các sự kiện quốc tế đều luôn tiềm ẩn những sự kiện bất ngờ và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội cũng không phải ngoại lệ.
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chủ trì cuộc họp báo lúc nửa đêm tại Hà Nội. (Ảnh: AP)
Vào đêm muộn 28/2, phái đoàn Triều Tiên tuyên bố tổ chức cuộc họp báo làm rõ về các thông tin liên quan tới nội dung đàm phán của Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un. Các phóng viên, ký giả trong nước và quốc tế đều rất bất ngờ trước thông tin này bởi thời gian từ khi họ nhận được thông báo và thời điểm bắt đầu cuộc họp báo chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ.
Việc Triều Tiên tuyên bố tổ chức họp báo sau một sự kiện ở nước ngoài cũng là điều xưa nay chưa từng xảy ra bởi thông thường các quan chức chính phủ Triều Tiên chỉ đăng tải các bình luận về sự kiện thông qua các bài báo phát hành muộn trên các hãng tin trong nước.
Video: Ngoại trưởng Triều Tiên họp báo về kết quả Hội nghị Mỹ-Triều lúc nửa đêm
Phóng viên quốc tế đến Việt Nam tác nghiệp trong một sự kiện đông nhất
Khi thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra ở Singapore vào tháng 6/2018, có khoảng 2.500 ký giả đến từ khắp nơi trên thế giới tới đưa tin về sự kiện. Nhưng ở Việt Nam, con số này còn lên tới hơn 3.000 nhà báo của 218 hãng tin, thông tấn, báo chí lớn trên thế giới từ 50 quốc gia.
Các phóng viên nước ngoài tác nghiệp ở Trung tâm báo chí.
Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tiếp đón một số lượng lớn phóng viên như vậy trong một sự kiện tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, nhờ vào công tác chuẩn bị chu đáo, Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong mắt các phóng viên quốc tế.
Nhiều phóng viên chia sẻ họ rất hài lòng khi được nước chủ nhà tạo mọi điều kiện để có thể đưa tin một cách nhanh và hiệu quả nhất, đồng thời khen ngợi công tác tổ chức chuyên nghiệp của Việt Nam khi chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị cho hội nghị lần này.
Một số ký giả cho biết họ hết sức bất ngờ trước quy mô của trung tâm báo chí với các trang thiết bị hiện đại có thể đáp ứng cho hơn 3.000 phóng viên hoạt động đồng thời. Đặc biệt, điều mà hầu hết tất cả các nhà báo tới Việt Nam đều cảm thấy cực kỳ ấn tượng là sự thân thiện, cởi mở, hiếu khách của người dân nước chủ nhà trong suốt thời gian họ lưu lại dể đưa tin về sự kiện.
Trường quay dã chiến trên nóc các tòa nhà chọc trời
Hiếm có sự kiện nào ở Việt Nam mà địa điểm tác nghiệp của phóng viên lại phong phú như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Đài MBC News dựng trường quay di động trên nóc khách sạn Daewoo.
Thay vì chọn ghi hình trường quay tại mặt đất, đài MBC News của Hàn Quốc đã rất đầu tư khi dựng một trường quay di động ngay trên sân thượng của khách sạn Daewoo (Hà Nội). Trên phông nền là Hà Nội mờ ảo trong sương mù chiều tà, các phóng viên của MBC News đưa các thông tin nóng hổi, cập nhật liên tục về diễn biến hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tại nóc tòa nhà Lotte Center cách đó không xa, ekip của KBS cũng dựng một trường quay tương tự.
Một số kênh truyền hình khác lại chọn địa điểm ghi hình trên các tòa nhà cao tầng ở gần hồ Hoàn Kiếm để có thể bắt trọn hình ảnh biểu tượng của Hà Nội ở phía sau.
Mặc dù chỉ có hơn 10 ngày để chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, tuy nhiên Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm rất cao khi là nước chủ nhà tổ chức cuộc gặp lần 2 giữa lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên và để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè thế giới.
Như Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ: “Việt Nam đã chuẩn bị cho sự kiện trong thời gian rất gấp nhưng đã làm rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều Tiên và quốc tế đánh giá cao”.
TT Trump chỉ trích phe Dân chủ làm ảnh hưởng tới thượng đỉnh Mỹ-Triều
Tổng thống Donald Trump chỉ trích phe Dân chủ vì thực hiện cuộc điều trần với luật sư cũ Michael Cohen trong lúc ông đang ... |
Điều gì chờ ông Trump và ông Kim sau Thượng đỉnh tại Việt Nam?
Theo giới quan sát, sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2, Mỹ và Triều Tiên cần duy trì động lực đối thoại, tránh để tiến ... |
Cơn sốt thượng đỉnh Mỹ-Triều: Những cái nhất và ‘lần đầu tiên’
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội để lại ấn tượng khi được xem là một sự kiện có nhiều cái “nhất” và ... |
Những khoảnh khắc đáng nhớ của lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên tại VN
Lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đến Hà Nội và lần đầu tiên sau 60 năm một lãnh đạo của đất nước ... |