Hình ảnh những em nhỏ đang tuổi đến trường phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống giữa mùa dịch bệnh khiến nhiều người cảm động.
Cậu bé cõng gạch kiếm 2 nghìn đồng
Những ngày qua, hình ảnh cậu bé 12 tuổi ở Hà Giang đang oằn mình cõng gạch lên bản được chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội.
Trên đoạn đường xa và dốc, mỗi viên gạch nặng 12kg cõng trên lưng, Sùng Mí Sò (Hà Giang) được trả 2 nghìn đồng. Mỗi ngày em vác được 3 chuyến gạch, nghĩa là chỉ thu nhập vỏn vẹn 18 nghìn đồng.
Theo chia sẻ của chị Mua Thị Chở - người cùng quê với Sò trên Thanh Niên, cậu bé này có hoàn cảnh rất khó khăn. Cha em mất vì tai nạn, mẹ đi lấy chồng ở Trung Quốc. Sò ở với ông bà nội cùng hai em, một trai, một gái. Em gái Sò đã nghỉ học từ khi cha mất.
Chị Chở cho biết, tại thôn Sủng Là có rất nhiều bé 6,7 tuổi đã phải đi cõng gạch để kiếm tiền. Chính bản thân Chở cũng phải đi cõng gạch, cõng đá từ năm cấp 1 dù số tiền nhận lại ít ỏi không được đến 20 nghìn đồng.
Cậu bé bán mướp ở Đồng Nai
Bằng tuổi với Sò là cậu bé bán mướp ven đường ở Đồng Nai qua câu chuyện được thành viên Vũ Thanh Châu chia sẻ. Cậu bé cùng anh trai đi bán mướp phụ giúp mẹ giữa những ngày dịch bệnh để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Cậu cho biết, vì bán mướp ở gần nhà giá rẻ nhưng không ai mua nên hai anh em rủ nhau đạp xe xuống chợ lớn cách nhà 20km để bán.
"Cháu sợ dịch nhưng sợ đói hơn"
Câu chuyện cô bé 8 tuổi bán hàng rong được chia sẻ bởi Tùng Đinh trên một diễn đàn trẻ nhận được sự quan tâm của nhiều người. Giữa mùa dịch bệnh, cậu bắt gặp hình ảnh cô bé xinh xắn có nụ cười tươi đang ngồi bán hàng ở góc đường. Sau khi chụp bức ảnh, từ xa hai người có đoạn hội thoại ngắn khiến nhiều cảm động:
- Này, cháu mấy tuổi rồi ?
- Tám tuổi ạ .
- Dịch bệnh như này ngồi đây không sợ à?
- Có sợ nhưng sợ đói hơn chú ạ...
Tùng Đinh cho biết sau đó có rút tiền tặng cô bé giúp cô sớm được về, "dù biết rằng tiền đến cuối buổi cô bé cũng chẳng được cầm" - phản ánh thực tế tồn tại nhiều đường dây thuê phụ nữ và trẻ em ăn xin bán kẹo trá hình.
Những chia sẻ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dân mạng. Một mặt đồng cảm, cho rằng "một miếng khi đói bằng một gói khi no" và giúp em nhỏ có thêm bữa cơm lúc này là việc quan trọng hơn cả. Mặt khác, nhiều người cho rằng việc này sẽ tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng phụ nữ, người già và trẻ em, bất chấp dịch bệnh.
Đại dịch COVID-19 ngày 15/4: Thế giới sắp vượt 2 triệu ca nhiễm |
Sẽ diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất trong 90 năm |
Mỹ cam kết hỗ trợ Triều Tiên, Iran chống đại dịch Covid-19 |