Cấm công chức mặc quần jeans, áo thun: Hợp lý hay cứng nhắc?

TP.HCM vừa trình dự thảo và góp ý cho bộ quy tắc ứng xử của công chức, viên chức. Đề xuất cấm công chức mặc quần jeans, áo thun khi đi làm khiến dư luận quan tâm.

Cấm mặc áo thun quần jeans

Theo đó, công chức không được mặc áo thun, quần jeans, đi làm không được nói tiếng lóng, nói tục, quát nạt hay tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin không đúng thẩm quyền.

Trong khi thực hiện nhiệm vụ, công chức phải mặc trang phục, đầu tóc gọn gàng, lịch sự, đi giày, dép có quai hậu. Đối với nữ phải mặc quần tây, váy dài quá gối, áo sơ mi có tay dài hoặc comple, áo dài truyền thống. Đối với nam, mặc quần tây, áo sơ mi...

Ngoài ra, công chức phải đeo thẻ công chức khi làm việc và khi thực hiện nhiệm vụ bên ngoài cơ quan. Thẻ công chức phải có tên cơ quan, ảnh, họ tên và chức vụ, số hiệu của công chức. Đối với những ngành quy định riêng về đồng phục thì thực hiện theo quy định của ngành.

Công chức không được tự ý phát ngôn, cung cấp thông tin, tài liệu không đúng thẩm quyền. Đồng thời, không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, phòng họp và hội trường, không đánh bạc, tham gia vào các tệ nạn, hành vi sai phạm dưới mọi hình thức...

Chia sẻ với PV, một giáo viên bậc THPT tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết, việc cấm công chức mặc quần jeans, áo thun khi đi làm sẽ khiến một số công chức trẻ cảm thấy bị gò bó, mất tự do trong phong cách ăn mặc.

“Tuy nhiên, theo tôi, việc này rất nên làm. Tại trường tôi đã áp dụng lâu nay để tránh tình trạng người ngoài giả danh trà trộn vào trường. Hơn nữa, tại một số đơn vị, sẽ tránh được việc người lạ trà trộn, giả danh nhân viên, công chức, “cò” làm giấy tờ để trục lợi...”, giáo viên này cho biết thêm.

Một cán bộ công tác tại UBND quận 8 (TP.HCM) cũng chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng thuận với chủ trương này. Thế nhưng, để áp dụng trên toàn TP, cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ công chức, viên chức TP. Đôi khi, quy định sẽ trở nên cứng nhắc với một bộ phận công chức, vì họ cho là không phù hợp với phong cách ăn mặc của mình. Chẳng hạn, những vị trí công chức không trực tiếp làm việc với người dân sẽ cho là bộ quy tắc này mang tính cứng nhắc, không phù hợp”.

cam cong chuc mac quan jeans ao thun hop ly hay cung nhac

Người dân đến giao dịch tại cơ quan nhà nước, ảnh minh họa

Ông Lê Hoài Trung, Giám đốc sở Nội vụ TP.HCM khẳng định: “Trước đây, sở Nội vụ đã từng tham mưu cho UBND TP ban hành những điều công chức được làm và những điều công chức không được làm. Cụ thể, công chức không được mang dép lê, quần jeans, áo thun. Nam công chức mặc quần tây, áo sơ mi nhưng màu sắc không quá sặc sỡ. Nhưng quy định này mới chỉ mang tính chất nội bộ.

Lần này, bộ quy tắc được đưa ra lấy ý kiến góp ý rộng rãi tại các đơn vị sự nghiệp hành chính trên toàn TP và nhận được sự đồng thuận cao. Thậm chí, một số đơn vị còn muốn bổ sung một vài tiêu chí khác”.

Theo đó, những đối tượng áp dụng bộ quy tắc này bao gồm công chức (là người làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước), viên chức (người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp như bác sĩ, giáo viên...) từ cấp TP đến cấp phường.

Việc công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm không phù hợp với môi trường công sở. Trang phục của công chức phải thể hiện sự hài hòa với văn hóa, hình ảnh gương mẫu, chuẩn mực khi tiếp dân, giải quyết công việc với người dân... Một công chức đi làm mà tóc xanh, tóc đỏ, hay bấm lỗ mũi là hoàn toàn không phù hợp với môi trường công sở.

Chiếc áo không làm nên thầy tu

Trao đổi với PV, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cho biết: “Tôi cho rằng, để đánh giá chất lượng công chức, thì tiêu chí trang phục cũng là một điều cần thiết. Và, với dự thảo cấm công chức mặc quần jeans, áo thun khi đi làm cùng với bộ quy tắc ứng xử chung vừa được đưa ra, tôi nghĩ TP đang có những động thái tích cực. Việc này nhằm nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức để phục vụ tốt hơn cho người dân, cũng như trong mắt bạn bè quốc tế.

Điều này, các nước trong khu vực, đi xa hơn nữa là các nước châu Âu, người ta đã thực hiện từ lâu nay nhằm thể hiện tác phong làm việc chuyên nghiệp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, điều này sẽ còn xa lạ với một số người. Và sẽ có một bộ phận cho là trang phục không quan trọng, rồi thì “chiếc áo không làm nên thầy tu”...

Những ai có tư tưởng như vậy nên lắng nghe ý kiến từ những người xung quanh, lắng nghe đánh giá từ những người dân. Từ đó, họ có thể có động lực để thực hiện theo quy chuẩn này, chung tay xây dựng một đội ngũ công chức năng động, chuyên nghiệp, phục vụ tốt hơn cho người dân”.

cam cong chuc mac quan jeans ao thun hop ly hay cung nhac

GS.TS Phan An chia sẻ về đề xuất cấm công chức mặc quần jeans, áo thun đi làm.

GS.TS Phan An, viện Nghiên cứu xã hội học vùng Đông Nam Bộ cũng chia sẻ: “Tôi cũng theo dõi thông tin này khá nhiều trên các phương tiện truyền thông. Tôi được biết đề xuất đưa ra đã thu hút nhiều người đồng tình. Tuy nhiên cũng có một bộ phận chưa ủng hộ. Việc này tôi cho là có nguyên nhân của nó.

Ở góc độ nghiên cứu văn hóa, tôi cho rằng, văn hóa Việt Nam từ xưa tới nay đều thể hiện văn hóa thống nhất trong sự đa dạng. Do đó, mỗi một người đều thích một phong cách ăn mặc khác nhau. Khi đưa ra quy tắc cấm mặc quần jeans, áo thun, chính quyền nên xem xét, cân nhắc kỹ, cần tôn trọng cách ăn mặc của công chức, viên chức”.

“Cần để họ thể hiện cái tôi của mình, ăn mặc phù hợp với bản thân, thì khi làm việc mới phát huy hết năng lực, sáng tạo, mới đóng góp cho công việc nhiều hơn. Với việc cấm công chức, viên chức mặc áo thun, quần jeans khi đi làm, tôi cho rằng cần thu thập ý kiến, đánh giá lại. Vì với công chức, chỉ cần ăn mặc nghiêm túc, không mặc váy ngắn là có thể chấp nhận được chứ không cần phải đồng phục.

Hơn nữa, cần đề cao thái độ, phong cách ứng xử cho công chức, viên chức hơn là đề cao cách ăn mặc. Người dân cần được ứng xử, giao tiếp, nhất là giải quyết công việc được tốt nhất, chuyên nghiệp nhất. Vì thế, nâng cao chất lượng công chức là một yếu tố cần thiết hơn là cấm mặc quần jeans, áo thun khi đi làm”, GS.TS Phan An nói thêm.

cam cong chuc mac quan jeans ao thun hop ly hay cung nhac TP.HCM sẽ cấm công chức mặc quần jean, áo thun trong giờ làm

Công chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP.HCM không đồ uống có cồn trong giờ ...

cam cong chuc mac quan jeans ao thun hop ly hay cung nhac Sao lại cấm công chức mặc quần jeans, áo thun?!

Cái mà người dân cần ở người công chức, viên chức là sự chuyên nghiệp, thái độ thân thiện, giải quyết vấn đề chứ không ...

http://www.nguoiduatin.vn/cam-cong-chuc-mac-quan-jeans-ao-thun-hop-ly-hay-cung-nhac--a344462.html

/ nguoiduatin.vn