Sao lại cấm công chức mặc quần jeans, áo thun?!

Cái mà người dân cần ở người công chức, viên chức là sự chuyên nghiệp, thái độ thân thiện, giải quyết vấn đề chứ không quan tâm mặc quần jeans hay quần âu.

sao lai cam cong chuc mac quan jeans ao thun Chủ tịch Cần Thơ: Không chấp nhận thời trang \'cao bồi\' ở công sở

Quy tắc ứng xử công chức, viên chức vừa ban hành của TP.Cần Thơ có điều khoản cấm nam nữ mặc quần jeans nơi làm việc nhưng không đưa ra bất cứ lý do hợp lý nào ngoài lời giải thích đầy cảm tính: “mặc quần jeans thấy kỳ kỳ”.

Thông tin này ngay lập tức gây nên những lời bình luận theo kiểu khôi hài vì thực tế nó quá buồn cười.

Nguyên tắc để cấm hành vi nào đó nơi công cộng là mối quan hệ nhân - quả, khi hành vi đó chắc chắn hoặc có khả năng cao gây ra nguy hại cho cộng đồng.

Đơn cử như cấm khỏa thân nơi công cộng vì nó gây phản ứng không lành mạnh cho công chúng hoặc làm họ khó chịu.

Hay như cấm dắt chó đi dạo mà không rọ mõm vì nó có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Cấm tắm giặt ở các đài phun nước công cộng vì nó gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Tôi không thấy việc mặc quần jeans nơi công sở của công chức, viên chức gây nguy hiểm gì cho người dân.

Có ý kiến cho rằng công chức viên chức mặc quần jeans làm “mất đi không khí tôn nghiêm của công sở”.

Ý kiến này quá quan cách và xa dân, người dân cần thái độ thân thiện của công chức viên chức chứ không phải là sự trang nghiêm của một cách cứng nhắc.

sao lai cam cong chuc mac quan jeans ao thun

Quần jeans được xem là trang phục lịch sự ở nhiều nước.

Về mặt quản trị hành chính, cái mà người dân cần ở người công chức, viên chức là sự chuyên nghiệp, thái độ thân thiện, giải quyết vấn đề mà người dân yêu cầu đúng luật, đúng thời hạn chứ không phải là cái cổ cồn trắng lạnh lùng, xa cách.

Ở những cơ quan cần thể hiện tính mệnh lệnh, chấp hành đã có quy định của Chính phủ về sắc phục, cảnh phục như công an, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, nếu cần thiết Chính phủ đã có quy định về đồng phục rồi.

Như vậy quy định cấm mặc quần jeans nơi công sở là thừa và không hiểu để làm gì.

Ngoài tính khôi hài và không cần thiết thì quy định này còn vi phạm quyền công dân.

Điểm 2, Điều 14 của Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Một người mặc quần jeans thì không thể ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức, sức khỏe cộng đồng.

TP.Cần Thơ chỉ có thể quy định đồng phục nơi làm việc của công chức, viên chức là như thế nào chứ không thể ra một điều cấm.Về luật phải rõ ràng, rành mạch như vậy.

Một quy định khác cũng đang gây tranh cãi là cấm giáo viên nữ mặc váy lên lớp được ban hành từ Trường THPT Lý Tự Trọng, Hà Tĩnh.

Buồn cười là ở nhiều trường khác, đồng phục, lễ phục của giáo viên nữ dành cho những dịp trang trọng hoặc khi có đoàn kiểm tra dự giờ lên lớp lại là váy kết hợp sơ mi.

Một nữ giáo viên chia sẻ với tôi: “Trong đồng phục, giáo viên nữ chúng tôi đã có váy rồi. Trường may đồng phục cho giáo viên thì giáo viên nam là áo trắng, áo vest, quần tây, còn giáo viên nữ ngoài áo dài có thêm một bộ chân váy công sở đi cùng áo vest. Những lúc có sự kiện quan trọng như khai giảng, bế giảng, ngày lễ, các giáo viên nữ mặc chân váy đồng phục rất đẹp”.

sao lai cam cong chuc mac quan jeans ao thun

Giáo viên thì sẽ không được mặc váy?

Hiệu trưởng một trường THPT cũng nói với tôi trong bức xúc: “tại sao phải cấm giáo viên mặc váy, khi váy là trang phục phổ biến hiện nay?”.

Tôi hỏi ý kiến nhiều phụ huynh về vấn đề này, không ai đòi hỏi phải cấm giáo viên nữ mặc váy lên lớp mà còn ủng hộ việc giáo viên cả nam và nữ ăn mặc đẹp, lịch thiệp để tạo thẩm mỹ cho học sinh.

Tư duy này không chỉ xuất hiện ở những đơn vị hành chính, trường học mà còn có khả năng ở những tầm cao hơn mà rõ nhất là chuyện cấm đặt tên trên 25 ký tự, cuối cùng phải bãi bỏ.

Thường thì cha mẹ chọn đặt tên cho con rất phong phú. Muốn có những phẩm chất tốt đẹp thì đặt: Hùng, Dũng, Tuấn, Tú; gần thiên nhiên thì Mai, Lan, Hồng, Huệ. Cũng có những tên bình dân như Mắm, Muối, Tương, Cà, Gạo, Lúa hay những tên lạ như Nguyễn Văn Nokia, Lê Samsung,Trần Văn Kim Yong, Nguyễn Châu Nhuận Phát, Hoàng Kim Siêu Quần, thậm chí Lê Thần Tài, Giang Minh Ông Địa…

Các nhà làm luật khi dự thảo Luật Dân sự, tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề về tên riêng để luật hóa như giới hạn độ dài (họ, chữ đệm và tên không quá 25 chữ cái) hoặc không được đặt trùng với tên người nổi tiếng…

Tuy nhiên cuối cùng khi luật hóa thì những điều cấm này không được đưa vào.

Thậm chí, từng có quy định người đổi giấy phép lái xe từ giấy bìa sang vật liệu PET trễ hạn theo quy định phải sát hạch lại lý thuyết cũng bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư Pháp) yêu cầu bãi bỏ vì không phù hợp với luật và không mang tính bảo hộ quyền lợi người dân.

Để cuộc sống của người dân không bị xáo trộn, các quyền đương nhiên của công dân không bị xâm hại các cấp, Bộ Tư pháp nên rà soát ngay và yêu cầu những cơ quan liên quan loại bỏ những quy định ôm đồm, tùy tiện, cảm tính theo kiểu “thích thì cấm”.

http://danviet.vn/kinh-da-trong/sao-lai-cam-cong-chuc-mac-quan-jeans-ao-thun-802422.html

/ Hoàng Linh/Dân Việt