Cải cách thủ tục hành chính: Khó từ giấy ly hôn

Cải cách thủ tục hành chính chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, cũng như thực hiện công tác này tại một số đơn vị còn chưa theo đúng quy định.

Cải cách thủ tục hành chính xếp hạng 90 so với các nước trong khu vực

Đưa ra quan điểm về Báo cáo chuyên đề tình hình, kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2011-2016, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu đến năm 2020, TS Tạ Ngọc Hải - Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ đã có những nhìn nhận ở góc độ cải cách thủ tục hành chính và mức độ hài lòng của người dân nhìn từ giác độ khoa học.

Trong bản tham luận, ông Hải nêu rõ, trên thực tế cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện từ năm 1994 với Nghị quyết 38-CP ngày 4/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.

Qua những nội dung nêu trên cho thấy hơn 20 năm thực hiện cải cách thủ tục hành chính chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực cả về lý luận và thực tiễn. Tuy vậy cùng với những kết quả đạt được, cải cách thủ tục hành chính ở nước ta đang đứng trước những khó khăn, thách thức:

Thứ nhất, số lượng thủ tục hành chính vẫn còn rất lớn, tỷ lệ thủ tục chưa được chuẩn hóa vẫn còn một tỷ lệ đáng kể. Trong báo cáo đã nêu đến hết năm 2016, số lượng thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, giải quyết của Bộ, ngành là 6.360 thủ tục trong đó số lượng thủ tục được chuẩn hóa là 5.907 (đạt 92,8%).

cai cach thu tuc hanh chinh kho tu giay ly hon

Thời gian giải quyết các thủ tục vẫn còn bị kéo dài

Thứ hai, thời gian giải quyết các thủ tục vẫn còn dài, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế.

Thứ ba, thủ tục hành chính luôn có xu hướng tăng. Theo quy định hiện hành thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật tuy vậy số lượng văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta rất lớn do vậy việc kiểm soát gia tăng thủ tục hành chính không dễ dàng.

Thứ tư, số lượng các giấy tờ trong hồ sơ của một số thủ tục vẫn còn nhiều.

Thứ năm, cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động của các Trung tâm hành chính công còn hạn chế do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động.

Thứ sáu, một số công chức vẫn chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính dẫn đến việc chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, cũng như việc thực hiện công tác này tại một số cơ quan, đơn vị còn chưa theo đúng quy định.

Thứ bảy, theo xếp hạng của quốc tế thì cải cách thủ tục hành chính của chúng ta xếp hạng 90 so với các nước trong khu vực, trong khi đó, Singapore thứ nhất, Thái Lan thứ 3.

22 địa phương không thực hiện công khai đầy đủ thủ tục hành chính

Mức độ hài lòng của người dân theo TS Hải, được xem xét trên các nguồn tài liệu khác nhau như: Chỉ số cải cách hành chính các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trược thuộc trung ương (PARINDEX 2016), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2015), Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2016) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2016) và tổng hợp kết quả đánh giá từ báo chí.

Cụ thể như sau:

- PAR INDEX 2016 thì giá trị trung bình của lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính năm 2016 của các Bộ đạt 86,22%.

Có 4 Bộ không đạt điểm số tại tiêu chí “Công bố, cập nhật thủ tục hành chính” và “Tỉ lệ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn” là Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ LĐTB-XH, Bộ NN-PTNT.

Đối với các địa phương chỉ số trung bình đạt 82.98%, tuy vậy vẫn có tới 22 địa phương không thực hiện công khai đầy đủ thủ tục hành chính tại Trung tâm thông tin điện tử của các sở ngành và UBND cấp huyện và 37 tỉnh, thành phố chưa công khai đầy đủ, đúng quy định thủ tục hành chính tại Bộ phân tiếp nhận và trả kết quả các sở ngành, huyện, xã.

SIPAS 2015 đánh giá “Các tỉnh, thành phố dường như ít có sự chuyển dịnh về điểm số trong cải cách thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ hành chính cho người dân ở 4 lĩnh vực mà SIPAS đo lường gồm: chứng thực và xác nhận của chính quyền địa phương; cấp phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịnh vụ hành chính cấp xã.

Tương tự với những phát hiện của năm trước, năm 2016, sự phân vùng của bốn nhóm điểm không rõ rệt, trong đó các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông là những tỉnh có điểm số thấp nhất.

Kết quả SIPAS 2015 cho thấy, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Con số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính là:

+ Thủ tục cấp chứng minh nhân dân: 83,4%;

+ Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 74,4%;

+ Thủ tục cấp giấy phép xây dựng nhà ở: 78,4%;

+ Thủ tục chứng thực: 86%;

+ Thủ tục kết hôn: 89,5%;

+ Thủ tục cấp giấy khai sinh: 87,5%.

Qua những thông tin, số liệu nêu trên cho thấy mức độ hài lòng của người dân đối với cải cách thủ tục hành chính, đối với sự phục của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy vậy, cải cách thủ tục hành chính của chúng ta còn không ít những khó khăn, vướng mắc do vậy cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để cải cách.

Nguyên nhân quan trọng là do nguồn nhân lực

Chỉ ra điểm mấu chốt của những khó khăn, phát biểu tại Diễn đàn Khoa học “Đánh giá kết quả thực hiện cải cách thủ tục hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2016: Đo lường từ sự hài lòng của người dân”, ngày 27/4, chuyên gia hành chính công, TS Đỗ Văn Dung cho rằng, tất cả đều do chất lượng nguồn nhân lực.

Theo thống kê thì đối tượng cán bộ trong cơ quan Đảng, hành chính sự nghiệp, 50% cán bộ đào tạo chuyên tu, tại chức, còn lại 50% là bằng cấp chính quy. Xu hướng đào tạo chính quy hành chính sự nghiệp cao hơn, còn khối Đảng, công chức, thì tỷ lệ cán bộ đào tạo chuyên tu, tại chức, đào tạo từ xa cao hơn.

Khi đụng chạm thủ tục hành chính yêu cầu năng lực chuyên môn, công nghệ thông tin, ngoại ngữ là rất yếu, đụng chạm vào thủ tục như gà mắc tóc. Chúng ta là nhà khoa học khi nghiên cứu, viết lách phải giỏi, chỉ khi quá yếu mới hạ bút, thử hỏi đối tượng cán bộ đang thực thi công vụ trình độ kém có phải rào cản lớn?.

"Tôi thấy công sở nào mà thủ trưởng có trình độ, họ nhìn nhận, giám sát mọi vấn đề, như liên thông một cửa, Ninh Bình hiện đang làm rất tốt, chuyển qua Internet hết, giả sử nếu thủ trưởng không vào được, không đưa ra được mệnh lệnh làm sao xử lý được công việc.

Điểm quan trọng là phải tổ chức thực thi, bao nhiêu chính sách, thông điệp đều tắc dưới cơ sở, như chuyển quyền sử dụng đất tưởng đơn giản mà lại khó khăn, Ninh Bình tắc từ đầu năm đến nay, chưa nói đến khoảng thời gian 30 năm.

Hiện nay, muốn bán 1 mảnh đất, trước đây chủ hộ có quyền quyết định, nhưng giờ phải họp gia đình, bố, mẹ, từng thành viên trong gia đình. Gia đình có 4 người con thì phải cả 4 người đến gặp cán bộ tư pháp của xã, giám định chữ ký, sau đó đóng dấu, mới tham mưu lên chủ tịch xã.

Như vậy, nếu vợ chồng có vấn đề, không đoàn kết thì không bán được, vì giấy tờ ly thân rất khó lấy được 2 chữ ký, để thấy vô cùng nhiều thủ tục, tưởng dễ mà lại khó.

Hay như việc, Thủ tướng nói là đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, vì họ đang cần lượng vốn đầu tư, mua con giống, mua công nghệ, nhưng lại không tiếp cận được nguồn vốn đó.

Trong khi, lại đầu tư quá nhiều cho các đại gia, doanh nghiệp lớn, trong khi, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 70%. Từ đó, trong giải quyết thủ tục sinh ra bôi trơn, nhũng nhiễu, phiền hà, cuối cùng vẫn do tàn dư bao cấp, trình độ năng lực giải quyết vấn đề thủ tục. Để thấy, giữa báo cáo với thực tế là khoảng cách rất xa.

Một số đề xuất

Đưa ra đề xuất, TS Tạ Ngọc Hải nêu rõ: "Triển khai thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Xây dựng Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; nghiên cứu, nhân rộng mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính trong nội bộ các cơ quan nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập, dịch vụ công và các thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Sớm có cơ chế, chính sách điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các trung tâm hành chính".

/ báo Đất Việt