Cách Nhật dùng song sát F-15/F-35 đối mặt sòng phẳng Trung Quốc

Nhật Bản sẽ mua hơn 140 chiếc F-35 Linghtning II của Mỹ và nâng cấp F-15 mang 18 tên lửa không đối không để đối phó với Không quân Trung Quốc.

Nhật Bản mua F-35 để thay thế một nửa F-15J và loại biên F-4

Các quan chức từ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản và đối tác liên minh là đảng Công minh mới (Komeito) đã đồng ý trong cuộc họp ngày 5 tháng 12 năm 2018 để mua 99 chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II của Lockheed Martin để thay thế một số lượng tương đương máy bay Boeing F-15 mà Nhật Bản mua lại trong những năm 1980.

Trước đây, Nhật Bản đã mua 42 chiếc F-35 theo đơn đặt hàng với chi phí khoảng 7 tỷ USD.

Chính quyền Tokyo đã chọn mẫu F-35A cất cánh trên đường băng thông thường ở mặt đất (phiên bản của không quân) được bàn giao vào thời điểm loại biên 73 máy bay chiến đấu F-4E đã cũ của không quân Nhật Bản, năm 2018 vẫn phục vụ với hai phi đội trong vai trò phòng không.

Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi sẽ sản xuất phiên bản F-35 của Nhật Bản theo giấy phép của phía Mỹ chuyển giao. Đây cũng chính là công ty đã chế tạo các chiến đấu cơ F-4 và F-15 Nhật Bản (của Boeing), cũng như 82 chiếc F-2 (phiên bản nội địa F-16 của Lockheed Martin).

99 chiếc F-35 mới mua sẽ thay thế những chiếc F-15J cũ nhất trong lô 201 chiếc của Nhật Bản, không tương thích với các nâng cấp lớn. 102 chiếc F-15J khác là các mẫu có thể nâng cấp theo Chương trình cải tiến nhiều giai đoạn (Multistage Improvement Program - MSIP), gần giống với các mẫu F-15C nâng cấp của Không quân Hoa Kỳ.

Trong đó, Nhật Bản đã nâng cấp 88 chiếc MSIP F-15J theo quy chuẩn dữ liệu “Liên kết 16” (Link 16), có thể kết nối với các chiến đấu cơ của Mỹ và NATO. Vào cuối năm 2018, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã dành ra 500 triệu dollars để bắt đầu nang cấp cho tất cả các máy bay MSIP F-15J hệ thống radar mới và các cải tiến khác.

cach nhat dung song sat f 15f 35 doi mat song phang trung quoc

Nòng cốt của lực lượng không quân Nhật Bản sẽ là F-35J và F-15J

Hiện toàn bộ số F-15J đang được trang bị cho bảy phi đội không quân tiền tuyến trong vai trò phòng không. 99 chiếc F-35 bổ sung có thể trang bị cho ba hoặc bốn phi đội, còn những chiếc MSIP F-15J đã được nâng cấp sẽ biên chế cho các phi đội còn lại.

Mua F-35B, nâng cấp Izumo thành tàu đổ bộ tấn công

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, một số chiếc trong tổng số 99 chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 loạt thứ hai sẽ là phiên bản cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (F-35B) dùng cho các tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét sửa đổi, nâng cấp hai tàu sân bay trực thăng (Nhật gọi là tàu khu trục mang máy bay trực thăng) lớp Izumo (DDH-183 JS Izumo và DDH-184 JS Kaga) để chuyên chở F-35B, thực chất là chuyển đổi các tàu thành tàu đổ bộ tấn công kiểu Mỹ.

Quyết định mua thêm F-35B làm rõ các kế hoạch cấu trúc lực lượng của không quân Nhật Bản, đảm bảo rằng lực lượng không quân lớn thứ năm của thế giới gần như duy trì phi đội máy bay chiến đấu hiện đại, khi Trung Quốc và Nga tiếp tục hiện đại hóa lực lượng không quân lớn hơn của mình.

Có một câu hỏi mở là loại máy bay chiến đấu nào sẽ thay thế cho chiến đấu cơ đa năng hạng nhẹ F-2, được phát triển dựa trên loại F-16 Fighting Falcon cổ điển trong thập niên 1990, với số lượng máy bay đủ biên chế cho ba phi đội chuyên đảm nhận nhiệm vụ tấn công trên biển?

Để duy trì hoạt động của ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, Nhật Bản có xu hướng xin cấp phép sản xuất trong nước đối với các loại máy bay chiến đấu nước ngoài, như đã từng làm với F-2, F-4, F-15 và F-35 của Mỹ.

Tuy nhiên, Tokyo cũng đã phát triển máy bay chiến đấu của riêng mình, ví dụ như loại máy bay chiến đấu đa năng F-1, mà F-2 thay thế vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, là một máy bay hoàn toàn của Nhật Bản, do hai tập đoàn Mitsubishi và Fuji Heavy Industries nghiên cứu chế tạo.

Từ năm 2016 đến 2018, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã bay trình diễn máy bay chiến đấu tàng hình X-2 (ATD-X Shinshin) để nghiệm chứng kỹ thuật. Tokyo đã cân nhắc việc phát triển X-2 thành loại máy bay chiến đấu tiền tuyến F-3.

Tuy nhiên, do chi phí quá cao (có khả năng mất tới hàng chục tỷ dollars để thiết kế và sản xuất chỉ một trăm máy bay), chương trình đã bị tạm đình chỉ. Thay vào đó, trong năm 2018 Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời các nhà sản xuất nước ngoài liên doanh phát triển với ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản.

Tìm kiếm phương án thay thế F-2

Trả lời đề xuất của Nhật, Lockheed Martin đã trình diễn các phiên bản cải tiến của F-22 và F-35; còn Boeing đã đề xuất một phiên bản nâng cấp F-15 tiên tiến; trong khi đó, BAE Systems đề nghị Nhật Bản đóng vai trò phát triển khái niệm máy bay chiến đấu tàng hình Tempest do Anh đứng đầu.

Tuy nhiên, trong cùng một cuộc họp mà Đảng Dân chủ Tự do và Komeito quyết định mua thêm F-35, các quan chức của hai đảng đã phản bác lại bất kỳ quyết định nào về việc thay thế F-2 trong giai đoạn lập kế hoạch 5 năm, bắt đầu vào năm 2019.

Sự kết hợp mới giữa các phiên bản máy bay chiến đấu khác nhau, thuộc thế hệ khác nhau đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện những thay đổi lớn cho các nhà hoạch định không quân Nhật Bản.

F-35 về cơ bản là một máy bay tấn công mặt đất, vai trò chiếm ưu thế trên không chỉ là thứ yếu, do đó, nó chỉ có thể mang theo sáu tên lửa không đối không trong cấu hình tàng hình nhất. Như vậy, số lượng F-35 mà Nhật Bản đã đặt mua không thể đáp ứng được nhu cầu thay thế gần 100 chiến đấu cơ hạng nhẹ F-2 hiện đang còn phục vụ.

Ngược lại, trong tải trọng tiêu chuẩn của mình, các chiến đấu cơ hạng nặng thế hệ 4 như F-15 có thể mang theo tám tên lửa không đối không.

Do đó, việc thay thế F-15 bằng F-35 đồng nghĩa với việc tổng số tên lửa không đối không mà các chiến đấu cơ Nhật Bản có thể mang theo sẽ ít đi, dẫn tới mất ưu thế trong một trận chiến trên không, giảm khả năng bảo vệ không phận của không quân Nhật Bản.

Đặc biệt là sự yếu kém này sẽ mang tính chất quyết định trong một cuộc chiến với Không quân Trung Quốc, nước có tổng số máy bay chiến đấu nhiều gấp đôi so với Không quân Nhật Bản.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tại Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Nhật Bản ở Tokyo vào tháng 11 năm 2018, Boeing đã trưng bày một mô hình của một biến thể F-15 có khả năng mang theo tới 18 tên lửa không đối không.

Có lẽ, với phiên bản F-15 nâng cấp rất sâu này, Tokyo có thể bù đắp cho lượng vũ khí nhỏ hơn của F-35 và số lượng máy bay chiến đấu ít hơn [so với Trung Quốc] bằng cách nâng cấp những chiếc F-15 còn lại của mình, để tăng cao số lượng tên lửa có thể mang theo.

Như vậy là trong mọi trường hợp với F-2, F-15J và F-35, người Nhật có thể tăng cường đáng kể khả năng chiến đấu của lực lượng không quân, giúp họ có thể đối chọi sòng phẳng với lực lượng không quân rất mạnh của Trung Quốc.

/ http://baodatviet.vn