Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung

Theo chuyên gia, để thực hiện thành công cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì cần phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18, sáng 1/12, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định chúng ta đã đủ thế và lực; đã đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc.

Người đứng đầu Đảng cho rằng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước vì đã nhiều đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay.

"Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung - 1
 

Bên cạnh đó, theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ.

Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.

"Không để cơ quan nhà nước là "vùng trú ẩn an toàn" cho cán bộ yếu kém", Tổng Bí thư nói và nêu rõ, với yêu cầu cao hơn khi triển khai tổ chức mới, phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lại cán bộ trước và sau khi sắp xếp lại tổ chức.

Hy sinh lợi ích cá nhân

Trước đó, tại cuộc làm việc với Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng, hôm 11/11, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, hy sinh của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì sự phát triển của đất nước.

Cụm từ "hy sinh" từng được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập khi nói về kết quả của cuộc tinh gọn bộ máy tại Bộ Công an vào thời điểm ông đang giữ cương vị Bộ trưởng.

Trả lời báo chí vào đầu năm 2019, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, một trong những giải pháp để an lòng cán bộ, chiến sĩ là tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy.

"Lãnh đạo Bộ Công an luôn động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao tinh thần gương mẫu, hy sinh một phần quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung - 2

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18. (Ảnh: TTXVN)

Bình luận về điều này, TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đánh giá, Bộ Công an là cơ quan tiên phong và rất quyết liệt trong tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18.

Việc tinh gọn trong Bộ Công an đảm bảo được sự thống nhất, đoàn kết và ổn định. Các tổ chức mới được thành lập tinh gọn hơn, hoạt động rất hiệu quả, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Ông Tuấn cho biết, Bộ Công an còn đi tiên phong thống nhất chế độ công vụ trong toàn ngành, từ Trung ương cho đến xã, phường, thị trấn để thực hiện mục tiêu, phương châm: "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", đưa công an chính quy về cơ sở, đảm bảo được chất lượng trong công tác và sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương cho đến cơ sở.

"Đây cũng là một sự đột phá của Bộ Công an dưới thời kỳ Tổng Bí thư Tô Lâm làm Bộ trưởng", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Để thực hiện điều đó, theo ông Tuấn, trong quá trình triển khai, nhiều cán bộ, chiến sĩ công an chấp nhận hy sinh thiệt thòi về vị trí công tác, môi trường công tác.

"Họ đang làm ở trên tỉnh, huyện thì đưa về xã để bám cơ sở, nên tôi cho rằng đây là đột phá. Đương nhiên để thành công thì không tránh khỏi hy sinh, có những người dám nhận phần thiệt về mình", ông Tuấn bày tỏ.

Trở lại câu chuyện tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" mà Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập thời gian qua và đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tại Hội nghị ngày 25/11, TS Trần Anh Tuấn cho rằng, đây thực sự là một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy cũng là vấn đề nhạy cảm, khó khăn và phức tạp.

"Cái khó nhất hiện nay trong tinh gọn bộ máy là vấn đề đổi mới tư duy và thống nhất về tư tưởng, nhận thức. Cùng đó là sự dũng cảm, dám vượt lên trên bản thân mình, từ bỏ các lợi ích cá nhân để vì lợi ích chung của đất nước và của dân tộc", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Điều này đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải rất chú ý, gương mẫu. Quá trình tinh gọn bộ máy sẽ dẫn đến nhiều câu chuyện phải giải quyết như dôi dư cán bộ, công chức, kể cả dôi dư lãnh đạo, quản lý.

"Ví dụ đang là cấp trưởng, thực hiện sáp nhập sẽ xuống làm cấp phó hoặc không giữ chức vụ quản lý thì phải dám chấp nhận hy sinh, chờ cơ hội khi đủ điều kiện thì mình có thể gánh vác, đảm nhận tiếp. Rồi đối với những người thuộc diện tinh giản biên chế hoặc sẵn sàng rời khỏi công vụ để tìm một công việc khác phù hợp hơn cũng là hy sinh", ông Tuấn dẫn ví dụ.

TS Trần Anh Tuấn cho rằng, cần có sự sẻ chia và tôn vinh những con người đó vì sẵn sàng gặt bỏ lợi ích cá nhân để hướng tới lợi ích chung trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Bên cạnh đó, phải có chính sách đãi ngộ phù hợp để đảm bảo bù đắp phần nào thiệt thòi của những cán bộ, đảng viên đó.

"Sự hy sinh nên được tiếp cận theo hướng đó thì chúng ta mới thực hiện được cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Nếu vô tư, khách quan, công minh và biết hy sinh thì sẽ làm được, còn nếu việc gì cũng chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ thì sẽ lại đi vào lối mòn "nửa vời", kết quả không như mong đợi", ông Tuấn nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhắc lại thời điểm triển khai Luật Cán bộ, công chức và thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39 năm 2015 của Bộ Chính trị, rất nhiều người có năng lực nhưng trong môi trường Nhà nước lại không phát huy được, và đến khi chuyển sang khu vực tư nhân rất thành công.

Ưu đãi tai nghe tốt nhất

"Tôi vẫn thường chia sẻ rằng làm việc ở đâu cũng tốt, không nên phân biệt khu vực công và tư, miễn là sống và làm việc có ích. Ai cũng có thể tìm được chỗ đứng của mình dưới ánh mặt trời, phù hợp với năng lực của bản thân", ông Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tuấn, không nên phân biệt công và tư khi chúng ta đã chuyển từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường.

"Nếu thay đổi được nhận thức và tư duy như thế thì chuyện sắp xếp đội ngũ cán bộ theo tinh gọn bộ máy là chuyện rất bình thường và mọi người đều thấy thoải mái", nguyên Thứ trưởng Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.

Cùng bàn luận, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhìn nhận, tinh gọn tổ chức bộ máy là sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của cán bộ, công chức nên cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu.

"Tuy nhiên, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này là sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung. Mỗi cán bộ, công chức cần nhìn nhận sự thay đổi này không phải là một mất mát, mà là một cơ hội để hệ thống hành chính trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn, từ đó giúp cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững hơn", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Bùi Hoài Sơn cho rằng việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu và mỗi Ủy viên Trung ương trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này là điều rất cần thiết.

Đặc biệt trong một cuộc cải cách lớn như việc tinh gọn bộ máy, sự lãnh đạo gương mẫu từ cấp cao sẽ tạo ra sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, sự lãnh đạo này không chỉ nằm ở việc đưa ra quyết định mà còn ở khả năng thể hiện cam kết, tự giác làm gương, vượt qua những khó khăn, thách thức. Nhất là trong bối cảnh cải cách bộ máy hành chính, nếu lãnh đạo không đi đầu, không "làm trước", rất dễ tạo ra sự trì trệ và thiếu niềm tin từ phía các cơ quan, tổ chức khác.

Ngoài ra, PGS. TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh yếu tố gương mẫu không chỉ là lời nói mà phải đi đôi với hành động cụ thể.

"Việc giảm biên chế, cải tiến công tác tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo cao nhất. Khi họ làm gương, các cấp dưới sẽ dễ dàng nhận thức được rằng cải cách không phải là "chỉ trên giấy" mà là một phần của công việc thực tế hàng ngày", ông Sơn nói thêm.

Ông Sơn cho rằng, nếu sự hy sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.

Theo đó, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho những người bị ảnh hưởng là một phần quan trọng của quá trình này.

Theo ông Bùi Hoài Sơn, khi họ cảm thấy không bị bỏ lại phía sau mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, thì sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn.

"Trong mọi cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là một yếu tố quan trọng. Nhưng chỉ khi sự hy sinh đó đi kèm với sự công bằng, minh bạch và hỗ trợ thiết thực thì mới có thể thu hút được sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

'Từ việc đặt người' chứ không phải 'từ người đặt việc'

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, từ năm 1986, cùng với việc khởi xướng công cuộc đổi mới, chủ trương cải cách hành chính Nhà nước được Ðảng đề ra, liên tục khẳng định trong các văn kiện Ðại hội Ðảng toàn quốc với bước đi cụ thể, phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Theo đó, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VII (1981-1987) có 42 Bộ và cơ quan ngang Bộ; khoá VIII (1987-1992) là 44; khoá IX (1992-1997) là 36; khoá X (1997-2002) và khoá XI (2002-2007) là 26.

Và đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011), bộ máy Chính phủ được sắp xếp còn 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ.

"Việc sắp xếp vào nhiệm kỳ 2007-2011 được thực hiện theo Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Và bộ máy Chính phủ với 22 Bộ và cơ quan ngang Bộ giữ ổn định đến nay", ông Phúc nói.

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Phải hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung - 3

Toàn cảnh một phiên họp Chính phủ. (Ảnh: VGP)

Theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cuộc sắp xếp, sáp nhập Bộ ngành vào giữa năm 2007 đã hình thành bộ máy Chính phủ theo hướng Bộ đa ngành, đa lĩnh vực.

Cụ thể, Bộ Công nghiệp sáp nhập với Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương. Bộ Thủy sản nhập vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ Văn hóa - Thông tin tách ra thành 2 ngành, trong đó ngành Văn hóa sáp nhập với Ủy ban Thể dục thể thao và Tổng cục Du lịch hình thành nên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; còn Cục Báo chí, Cục Xuất bản được sáp nhập vào Bộ Bưu chính Viễn thông thành Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thời điểm đó, Chính phủ cũng giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em và chuyển các chức năng của Ủy ban này sang các Bộ có liên quan.

Chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về dân số được chuyển sang Bộ Y tế; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình chuyển sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về trẻ em chuyển sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đánh giá, bộ máy Chính phủ sau cuộc sắp xếp đó hoạt động thực sự có hiệu lực, hiệu quả.

Song, trước yêu cầu mới, đặc biệt dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vấn đề chuyển đổi số… dẫn đến bộ máy bộc lộ những bất cập và cần phải tổ chức lại.

Vì vậy, ông Phúc cho rằng, cuộc cách mạng tinh giản bộ máy là rất cần thiết nhưng phải tính toán rất khoa học. Nhất là vấn đề chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, từ chức năng nhiệm vụ mới có thể tìm ra bộ máy thích hợp và sắp xếp con người.

Tinh gọn bộ máy không đơn thuần là việc cắt giảm cơ học số lượng cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập đã tồn tại nhiều năm.

"Phải "từ việc đặt người" chứ không phải "từ người đặt việc", thực tiễn có nhiều trường hợp vì con người mà phải nghĩ ra việc gì đó cho họ làm là sai lầm. Phải từ công việc, từ chức năng, nhiệm vụ để lựa chọn, sắp đặt con người", ông Phúc khẳng định.

Ông Nguyễn Trọng Phúc lưu ý, tinh gọn tổ chức bộ máy nhưng nếu đội ngũ cán bộ không đáp ứng yêu cầu, không thay đổi tư duy, không nâng cao được phẩm chất, năng lực, chỉ thạo một việc mà không làm được nhiều việc thì cũng không thể thành công.

Do đó, Trung ương phải có nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu phải đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

https://vtcnews.vn/cach-mang-tinh-gon-bo-may-phai-hy-sinh-loi-ich-ca-nhan-vi-loi-ich-chung-ar910513.html

Anh Văn / VTC News