Nước lọc, nước gừng, nước chanh, nước cam, mật ong là thực phẩm quen thuộc, đơn giản, có thể giải rượu, giảm say xỉn hiệu quả.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết say rượu là một dạng ngộ độc rượu với nhiều mức độ khác nhau. Khi đó, bệnh nhân không làm chủ được chính mình, có thể gây hại cho bản thân và người xung quanh.
Có nhiều thực phẩm quen thuộc và dễ tìm, tác dụng giải rượu nhanh, như sau:
Nước lọc
Theo chuyên gia, nước lọc là cách đơn giản nhất. Nước lọc sẽ bù đắp lượng nước mà cơ thể còn thiếu, đồng thời pha loãng lượng cồn trong máu, giúp bạn đỡ say hơn. Lưu ý, chỉ uống nước lọc, không dùng nước tăng lực hoặc nước ngọt có ga. Những loại thức uống này sẽ làm tăng hàm lượng carbon dioxide trong dạ dày và ruột non, làm tăng nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.
Nước gừng
Gừng là loại gia vị có tính ấm, vị cay, thường được dùng giữ ấm cho cơ thể trong mùa đông. Không những thế, đây còn là vị thuốc quý giúp giải rượu hiệu quả. Chỉ cần thái một củ gừng tươi khoảng 60 gram thành từng lát mỏng, sau đó đem sắc nước uống. Vị gừng nóng làm cho các mạch máu lưu thông tốt hơn, từ đó hóa giải nhanh chất cồn trong cơ thể. Có thể cho thêm vào nước gừng nóng một thìa nhỏ mật ong để có thể hấp thụ nhanh và giúp giải say rượu.
Nước chanh
Chanh chứa hàm lượng vitamin C cao giúp giảm cơn say và làm cơ thể tỉnh táo trở lại. Ngoài ra, khi say rượu thường kéo theo khát nước nên uống nước chanh giúp giải cơn khát hiệu quả. Chanh cắt lát, cho vào nước, có thể thêm muối vào nước chanh để bù điện giải.
Nước cam, mật ong
Nước cam hay nước pha mật ong cũng giải rượu tốt. Trong nước cam và mật ong có chứa một loại chất đường là fructose, có khả năng tiêu hóa rượu nhanh. Chỉ cần uống một ly nước cam hoặc mật ong sau khi uống rượu rồi nằm ngủ, khi tỉnh dậy, cơ thể tỉnh táo hơn nhiều.
Nước chanh, gừng giải rượu tốt. Ảnh: Gourmet Minister |
Một số thực phẩm có thể ăn trước khi uống rượu bia để chống say:
Phô mai
Phô mai chứa lượng canxi cao gấp nhiều lần trong sữa, ngoài ra còn protein, vitamin D (giúp cơ thể hấp thụ canxi), cùng với acid folic, kẽm, phốt pho và vitamin A, B2, B12, và K2. Chất béo trong phô mai là chất béo tự nhiên, cùng với axit béo, omega-3, khi vào cơ thể sẽ bao bọc xung quanh thành dạ dày, giúp cơ quan tiêu hóa hấp thu chất cồn chậm lại. Protein trong phô mai cũng làm chậm sự hấp thu năng lượng trong bữa ăn.
Bánh mì, ngũ cốc
Bánh mì chứa một lượng lớn carbon có tác dụng như một bộ lọc trong cơ thể giúp hấp thụ hết chất cồn, ngăn ngừa hiệu quả tình trạng say rượu. Trong cơm, ngũ cốc nguyên hạt cũng đều chứa carbon, có khả năng hấp thụ cồn trong rượu. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt chứa rất nhiều vitamin B1 - giúp hạn chế triệu chứng nôn nao.
Chuyên gia khuyến cáo không nên để bụng đói trước khi uống rượu. Điều này khiến cơ thể hấp thụ rượu nhanh và làm những cơn say trở nên tệ hơn. Nên tránh các thực phẩm cay nóng. Ở điều kiện thường, capsaisin - hoạt chất có trong ớt khiến ớt có vị cay - gây kích thích dạ dày và thành ruột. Đặc biệt khi kết hợp với rượu thì tác dụng lớn hơn rất nhiều. Chất cồn làm giãn các cơ vòng thực quản và tạo điều kiện cho acid trào ngược lại lên thực quản gây ợ nóng, trào ngược... Ngoài ra nên hạn chế các chất kích thích khác như cà phê.
Bác sĩ Hưng nhấn mạnh, không có một mức uống rượu bia nào là an toàn. Nguy cơ rượu bia ảnh hưởng sức khỏe phụ thuộc vào tuổi, giới tính và các đặc tính sinh học khác của từng người, cũng như hoàn cảnh và cách thức uống. Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương...
Giải rượu theo cách truyền thống
Ăn quýt, dưa hấu hoặc uống nước cốt lá dong, rau má, nước chanh... giúp giảm các triệu chứng khó chịu, cơn say rượu bia ... |