An Giang, Đồng Tháp, Long An bố trí lực lượng kiểm tra, gia cố đê bao xung yếu, theo dõi sát mực nước lũ đầu nguồn để ứng phó.
Lực lượng chức năng cùng người dân gia cố đê bao chống lũ tại đầu nguồn miền Tây. Ảnh: Cửu Long.
Những ngày qua, lũ sớm về miền Tây kết hợp triều cường đã gây ngập úng hàng nghìn ha lúa, hoa màu ở địa phương đầu nguồn các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang.
Theo ngành chức năng, hiện mực nước đầu nguồn vẫn còn thấp hơn năm trước khoảng 20-30 cm. Cụ thể, mực nước cao nhất ngày 24/7, trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,43 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt 1,97 m. Đến cuối tháng, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu có khả năng đạt 3,2 m, cao hơn 0,35 m so với năm trước. Tại các huyện Đồng Tháp Mười (Long An), mực nước đầu tháng 8 sẽ cao hơn khoảng 0,3 m so với cùng kỳ.
Ông Trần Anh Thư - Giám đốc Sở Nông nghiệp, thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão An Giang cho biết, trước khi có sự cố vỡ đập thủy địa ở Lào, tỉnh đã có kế hoạch dự phòng cho trường hợp lũ sớm bất thường và xả lũ ở các đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mekong.
"Tiên lượng của địa phương lũ năm nay về sớm hơn năm trước 7-10 ngày. Kế hoạch này trùng với trường hợp vỡ đập thủy điện ở Lào nên địa phương không bị động", ông Thư nói và cho rằng, từ Lào về tới An Giang rất xa, phải qua nhiều nơi nên lượng nước nếu có đến địa phương cũng sẽ không nhiều.
Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão An Giang, đỉnh lũ năm nay này sẽ đạt đỉnh trong khoảng ngày 15-24/10 và cao hơn năm 2017. Trước thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào, Ban yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho dân biết để chủ động ứng phó; có kế hoạch thu hoạch lúa và hoa màu tại các vùng trũng, vùng ngoài đê bao.
Đồng thời tập trung kiểm tra đê bao, cống, đập; bố trí lực lượng túc trực các nơi xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý. Huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ dân thu hoạch lúa.
Trường hợp nước về nhiều, dâng cao vùng đầu nguồn, tỉnh sẽ mở xả hai đập tràn Tha La và Trà Sư để đưa nước vào vùng tứ giác Long Xuyên, theo hệ thống kênh sớm thoát ra biển Tây.
Tại Đồng Tháp, hai ngày qua, đoàn công tác của huyện đầu nguồn Hồng Ngự đi kiểm tra các điểm cống đập điều tiết nước mùa lũ. "Hiện 2/3 diện tích lúa ở địa phương đã được thu hoạch, mực nước cũng có hiện tượng dâng lên nhưng vẫn ở mức thấp", ông Huỳnh Văn Tài - Chánh Văn phòng UBND huyện Hồng Ngự nói và cho biết địa phương luôn theo dõi để phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp Đồng Tháp cho hay, hiện mực nước vẫn chưa có biến động bất thường. Địa phương cử lực lượng trực, theo dõi diễn biến mực nước và đang chờ chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.
"Dung tích của đập thủy điện đang xây dựng ở Lào bị vỡ chỉ 500 triệu mét khối. Với khoảng cách từ khu vực vỡ đập về đến miền Tây rất xa, nếu nước về tới cũng chỉ dâng lên 4-5 cm", ông Công nói.
Đập tràn Tha La điều tiết lũ vào vùng tứ giác Long Xuyên, đổ ra biển Tây. Ảnh: An Phú.
Tại Long An, những ngày qua đã có gần 50.000 ha lúa hè thu chưa thua hoạch tại hai huyện thượng nguồn là Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đang chỉ đạo các sở ban ngành liên quan đánh giá khả năng sự cố vỡ đập tại Lào ảnh hưởng như thế nào đến địa phương.
"Tỉnh sẽ làm việc với các chuyên gia để phân tích nhằm chủ động đối phó, nhất là trong thời điểm lũ năm nay đang về sớm bất thường, đe dọa đến sản xuất và sinh hoạt tại các huyện vùng lũ Đồng Tháp Mười", ông Cần thông tin.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, chuyên gia môi trường, Đại học Cần Thơ cho rằng, muốn biết lượng sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào tác động như thế nào đến miền Tây thì phải theo dõi mực nước đầu nguồn hiện tại trên sông Tiền, sông Hậu, để tính toán xem phần "đóng góp" của lượng nước đó sẽ tràn trên lưu vực bao nhiêu.
Ông cho rằng, cần thiết cơ quan chức năng phải chạy trên mô hình bài toán lan truyền mực nước, thể tích nước hòa vô dòng chính sông Mekong thì sẽ như thế nào. Bài toán lan truyền sẽ dựa vào độ dốc, dòng chảy, diện tích có thể tràn.
"Tuy nhiên, nếu con số thực tế là 0,5 tỷ mét khối nước tràn ra từ vụ vỡ đập này thì khả năng không tác động gì lớn tới miền Tây", tiến sĩ Ni nói.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nhận định, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy, dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng. Dự báo mực nước tại Tân Châu (An Giang) sẽ lên 7-10 cm so với điều kiện tự nhiên vào cuối tuần (khoảng ngày 27 đến 28/7 ). Mực nước này không làm ảnh hưởng lớn đến diễn biến lũ trên đồng bằng.
Đêm 23/7, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy bị vỡ, lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu. Chính quyền tỉnh Attapeu cho biết đã vớt được 19 thi thể và nhiều dân làng vẫn mất tích, hàng nghìn người mất nhà cửa. Dự án thủy điện do công ty PNPC của Lào thi công, gồm ba con đập nằm trên các nhánh của sông Mekong. Công trình có tổng kinh phí 1,02 tỷ USD, được khởi công từ tháng 2/2013, đã hoàn thành 90% và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2019. Nhà máy có công suất thiết kế 410 megawatt, trong đó 90% điện sẽ được xuất khẩu cho Thái Lan, phần còn lại hòa vào lưới điện địa phương. |
Các đập thủy điện tại Lào
Lào xây dựng nhiều đập thủy điện trên các nhánh của sông Mekong để phục vụ nhu cầu điện trong nước và xuất khẩu sang ... |
Vỡ đập thủy điện ở Lào: Người Việt ùn ùn kéo về nước tránh lũ
Sau sự cố vỡ đập thủy điện Xepian-Xe Namnoy, nhiều người dân Việt Nam đang lao động ở Lào ùn ùn kéo về nước để ... |
Xe ben tông chết người, lao lên dải phân cách đâm sập cột đèn
Sau khi gây tai nạn khiến một người đàn ông đi xe máy chết tại chỗ, xe ben tiếp tục lao lên dải phân cách ... |
Cửu Long - Hoàng Nam