Trong hai thập kỷ qua, số lượng giám đốc điều hành doanh nghiệp cấp cao nắm giữ chức vụ chính trị có xu hướng tăng lên ở Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến sự gia tăng về số lượng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tranh cử (và giành chiến thắng) các chức vụ chính trị. Trong số đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ là chính trị gia xuất thân doanh nhân nổi tiếng nhất. Một số quốc gia khác cũng có các giám đốc điều hành doanh nghiệp tham gia chính trường.
Độ phủ sóng ngày càng tăng của các lãnh đạo doanh nghiệp trong chính phủ tạo ra cuộc tranh luận công khai về tác động của họ đối với chính sách quốc gia, cũng như khả năng cán cân quyền lực nghiêng về lợi ích riêng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc các chính khách có thể tận dụng kinh nghiệm trên thương trường vào chính trường là một điểm cộng to lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Là một ông trùm bất động sản tỷ phú và là người nổi tiếng trên truyền hình, ông Donald Trump tận dụng được thành công trong kinh doanh và hình ảnh của mình trước công chúng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Chiến dịch của ông phần lớn là tự tài trợ trong giai đoạn đầu, cho phép ông định vị mình là người ngoài cuộc, không chịu ơn các nhà tài trợ chính trị truyền thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên toàn chiến dịch cũng có sự tham gia của các nhà tài trợ là các lãnh đạo doanh nghiệp khác. Theo Open Secret, các chiến dịch năm 2016 của ông huy động được khoảng 433 triệu USD. Năm 2020, chiến dịch tái tranh cử của ông huy động được khoảng 1 tỷ USD.
Chiến dịch tranh cử năm 2024 của ông Trump được dự đoán là một trong những chiến dịch tốn kém nhất trong lịch sử, đã huy động được hơn 1,4 tỷ USD. Các nhà tài trợ chính bao gồm các Ủy ban hành động chính trị (PAC) bảo thủ và những nhân vật kinh doanh nổi tiếng ủng hộ các chính sách kinh tế và nhập cư của ông. Chiến dịch của ông tập trung vào việc bãi bỏ một số quy định, thay đổi chính sách thuế, thương mại và định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ.
Cố Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi
Ông Berlusconi, một ông trùm truyền thông, nhiều lần giữ chức Thủ tướng Italia trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2011. Việc ông kiểm soát các mạng lưới truyền hình lớn và các cơ quan truyền thông đã tạo cho ông một nền tảng để tác động trực tiếp đến dư luận. Các chiến dịch chính trị của ông được hưởng lợi từ khối tài sản cá nhân khổng lồ của ông, cũng như sự đóng góp từ giới tinh hoa kinh doanh Italia.
Nhiệm kỳ của ông đánh dấu bằng các chính sách ủng hộ doanh nghiệp, cải cách thuế và những tranh cãi liên quan đến xung đột lợi ích.

Ông Silvio Berlusconi.
Cố Tổng thống Chile Sebastián Piñera
Là một doanh nhân tỷ phú nắm giữ cổ phần đáng kể trong ngành ngân hàng, hàng không và truyền thông, ông Piñera đảm nhiệm hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Chile (2010-2014, 2018-2022). Chiến dịch năm 2017 của ông huy động được hơn 18 triệu USD, với sự đóng góp lớn từ các công ty Chile. Sự giàu có và nền tảng tài chính của ông đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch của ông, khi ông kêu gọi các chính sách thân thiện với thị trường và đầu tư.

Ông Sebastián Piñera.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra
Là một tỷ phú viễn thông, ông Thaksin Shinawatra đã giữ chức Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 đến năm 2006. Các chiến dịch tranh cử của ông có cả sự hậu thuẫn tài chính từ giới tinh hoa kinh doanh Thái Lan và tài sản cá nhân của ông. Nhiệm kỳ của ông được đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.

Ông Thaksin Shinawatra.
Tới nay, sau nhiều giai đoạn biến động chính trị buộc ông phải lưu vong ở nước ngoài và bị giam giữ khi về nước, ông Thaksin lại tiếp tục tạo ảnh hưởng một cách gián tiếp tới chính trường Thái Lan khi con gái ông trở thành Thủ tướng.
Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull
Trước khi tham gia chính trường, ông Malcolm Turnbull là một nhà đầu tư ngân hàng và doanh nhân thành đạt. Giữ chức Thủ tướng Australia từ năm 2015 đến năm 2018, ông sử dụng sự nhạy bén trong kinh doanh của mình để ủng hộ các chính sách thúc đẩy đổi mới, cải cách năng lượng và phát triển cơ sở hạ tầng. Các chiến dịch chính trị của ông một phần được tự tài trợ và ông cũng nhận được sự hỗ trợ từ các nhóm kinh doanh lớn của Australia.
Nhiệm kỳ của ông tập trung vào các chính sách kinh tế tiến bộ nhưng phải đối mặt với sự phản đối nội bộ của đảng, dẫn đến việc ông cuối cùng phải từ chức.

Cựu Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull.
Không thể trở thành lãnh đạo, một số nhà tài phiệt dùng ảnh hưởng kinh tế của mình để tạo ra những thay đổi chính trị của quốc gia. Trên quan điểm của họ, đó là di sản mà họ có thể đóng góp cho sự phồn thịnh của đất nước.
Michael Bloomberg
Là một doanh nhân tỷ phú và cựu thị trưởng thành phố New York, ông Bloomberg tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 2020. Ông chi hơn 1 tỷ USD tài sản cá nhân của mình cho chiến dịch tranh cử nhưng không giành được đề cử của đảng Dân chủ.
Ảnh hưởng chính trị của ông mở rộng thông qua việc tài trợ cho các sáng kiến về khí hậu, vận động kiểm soát súng và hỗ trợ cho các ứng cử viên Dân chủ.

Ông Michael Bloomberg.
Elon Musk
Mặc dù Musk chưa từng ra tranh cử, nhưng tác động chính trị của ông là không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp của ông, bao gồm Tesla và SpaceX, được hưởng lợi từ các hợp đồng và trợ cấp của chính phủ. Ông thường xuyên tham gia vào việc nắm giữ các vấn đề như quy định về trí tuệ nhân tạo và thám hiểm không gian.
Musk là người chỉ trích thẳng thắn các quy định quá mức của chính phủ và ủng hộ các chính sách khuyến khích đổi mới trong các ngành công nghiệp công nghệ và không gian. Ông cũng đã ảnh hưởng đến các cuộc thảo luận về các ưu đãi cho xe điện, tiền điện tử.
Gần đây, tầm ảnh hưởng của Musk mở rộng thông qua việc ông mua lại Twitter (hiện là X), nơi ông thúc đẩy các cuộc thảo luận về tự do ngôn luận và định kiến chính trị. Và đặc biệt là sự ủng hộ của ông cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Hiện ông Musk cũng có vai trò lớn trong việc tinh giảm ngân sách của chính quyền mới.

Tỷ phú Elon Musk.
George Soros
Là một tỷ phú chuyên đầu cơ tài chính và nhà từ thiện, ông Soros từ lâu đã tham gia vào hoạt động tài trợ chính trị. Tại Mỹ, ông là nhà tài trợ chính cho các ứng cử viên Dân chủ. Còn tại châu Âu, ông ủng hộ các phong trào ủng hộ dân chủ và các nhóm đối lập.
Ông ủng hộ các chính sách thúc đẩy nhân quyền, cải cách nhập cư và bầu cử công bằng. Sự hậu thuẫn tài chính của ông đã ảnh hưởng đến các cuộc tranh luận về cải cách tư pháp, tài trợ giáo dục và các sáng kiến chống tham nhũng trên toàn thế giới.

George Soros
Tại Mỹ, siêu PAC cho phép những cá nhân giàu có đóng góp quỹ không giới hạn để tác động đến các cuộc bầu cử. Những ông trùm như Bloomberg, Soros và Musk đã chuyển một khoản tiền lớn vào các thực thể này, được cho là giúp họ định hình bối cảnh chính trị mà không cần ứng cử trực tiếp.
Trong khi đó tại Anh, các ông trùm kinh doanh đóng góp cho các đảng phái chính trị thông qua các khoản quyên góp hợp pháp và vận động hành lang.
Ngoài các khoản quyên góp trực tiếp, một số ông trùm định hình chính sách thông qua hoạt động từ thiện. Quỹ Xã hội mở của Soros và Quỹ Gates được cho là có ảnh hưởng đến chính sách công về các vấn đề như y tế công cộng, giáo dục và quản trị.
Theo báo cáo của Pro Market, sự trỗi dậy của các chính trị gia doanh nhân cho thấy quyền lực kinh tế ngày càng chuyển thành ảnh hưởng chính trị. Báo cáo bình luận rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể bỏ qua các cấu trúc đảng phái truyền thống, sử dụng sự giàu có của họ để thiết lập chương trình nghị sự chính sách phù hợp với lợi ích của doanh nghiệp.
Tuy nhiên theo Chicago Booth Review, các doanh nhân có cách làm việc rất khác với các chính trị gia và điều này cũng có thể trở thành thế mạnh bổ sung, nếu họ thật sự làm việc vì lợi ích của người dân.
https://vtcnews.vn/cac-nha-tai-phiet-xay-dung-co-nghiep-chinh-tri-the-nao-ar926916.html