Một phân tử trước đây từng được sử dụng như một chất kháng sinh có thể là chìa khóa để chống lại ảnh hưởng của virus Zika, theo nghiên cứu mới từ một đại học ở Tây Ban Nha.
Đại học Công giáo San Antonia Murcia thông báo hôm 23-7, các nhà khoa học công tác tại nhóm nghiên cứu Y sinh học phát hiện ra hợp chất novobiocin trong một loại thuốc kháng sinh đến này còn được sử dụng có khả năng chống lại các căn bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra.
“Đó là một loại thuốc không còn bán trên thị trường, bởi vì nó đã đánh mất đi hiệu năng như một loại kháng sinh, nhưng chúng tôi biết nó thật sự hữu ích đối với con người”, ông Jose Pedro Ceron, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ra phương pháp mới điều trị Zika. Ảnh: RTVE |
Kháng sinh được đề cập trước đây từng được dùng để phòng nhiễm trùng bệnh viện.
Cấu trúc phân tử protein liên quan đến quá trình nhân bản của virus Zika lần đầu tiên được phát hiện vào năm ngoái.
Bây giờ, hợp chất novobiocin đã được thử nghiệm trên chuột đạt hiệu suất chữa khỏi bệnh 100%. Các nhà nghiên cứu vẫn cần phải thiết lập liều lượng thích hợp để điều trị cho người.
Các cuộc thử nghiệm được Đại học Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện đã củng cố phát hiện của các nhà khoa học Tây Ban Nha. Cả 2 đại học hiện đều nộp đơn xin cấp bằng sáng chế thuốc điều trị Zika.
Ông Ceron hy vọng nghiên cứu sẽ dẫn đến việc tái thương mại hóa thuốc novobiocin.
Zika lây truyền chủ yếu qua muỗi Aedes và phụ nữ mang thai là đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao.
Vào đầu năm 2015, virus lây lan với tốc độ chóng mặt khắp khu vực Nam Mỹ và Caribean buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại ích.
WHO tuyên bố chấm dứt đại dịch Zika vào tháng 10-2016, sau thời gian một năm toàn thế giới phải chiến đấu vất vả với virus.
Phạm Trúc