Những chú ngựa của đội kỵ binh thải phân khi trên đường làm nhiệm vụ là điều không hiếm và mỗi quốc gia lại có quy định riêng về việc ai sẽ là người dọn chúng.
Tại nhiều nước trên thế giới, lực lượng kỵ binh gắn liền với những chú ngựa là hình ảnh quen thuộc từ lâu. Ở các nước như Anh, Mỹ, Australia, Bỉ, Brazil, Canada, lực lượng này thực hiện nhiệm vụ kiểm soát giao thông, kiểm soát đám đông, quan hệ công chúng hay thậm chí ngăn chặn tội phạm đường phố.
Lực lượng kỵ binh khá quen thuộc ở nhiều quốc gia trên thế giới |
Tuy nhiên khi sử dụng động vật trong công việc, điều không thể tránh khỏi là việc chúng sẽ thải phân trong khi làm việc.
Theo Todayifoundout, một con ngựa được các sĩ quan cảnh sát sử dụng thường thải ra 18 kg phân/ngày, lên tới hơn 6,5 tấn mỗi năm chưa kể hàng nghìn lít nước tiểu.
Một chú ngựa cảnh sát trung bình làm việc khoảng 8 tiếng mỗi ca, 5 ngày trong tuần, nghĩa là sẽ có khoảng 1400kg phân xuất hiện trên đường phố mỗi năm. Và dĩ nhiên là khi đã có phân thải ra, sẽ có người phải đi dọn, còn người đó là ai thì cần phải xem xét.
Tùy theo quy định tại từng quốc gia, người đảm nhận công việc dọn dẹp phân ngựa không giống nhau, phần lớn không phải cảnh sát.
Tại Minnesota (Mỹ) hay Anh, các sĩ quan cảnh sát không bắt buộc phải dọn phân ngựa. Tuy nhiên, họ cũng được khuyến khích "cố gắng thực hiện nếu có thể" nếu chú ngựa đang quản lý thải phân ra những nơi "không mong muốn" như nhà hàng, nơi công cộng, miễn là việc dọn phân không gây ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính.
Quy định này đôi khi khiến người dân không hài lòng. Tại Anh, có nhiều khiếu nại của người dân về việc các sĩ quan cảnh sát không quay lại dọn dẹp phân từ những con ngựa của họ. Một số đơn vị cảnh sát còn hướng dẫn các sĩ quan cứ để phân tại chỗ và báo cáo với địa phương nếu con ngựa phạm lỗi nơi công cộng.
Vấn đề "dọn phân ngựa" cũng khiến nhiều cảnh sát bối rối. Ví dụ, Sở cảnh sát New York (Mỹ) thường xuyên từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến việc dọn phân ngựa của đội kỵ binh. Sau đó, theo tìm hiểu của tờ New York Post, công việc này thuộc về Sở vệ sinh công cộng New York.
Một trong những giải pháp thường được nhắc tới là đeo một túi nhựa sau mông ngựa để đựng phân chúng thải ra. Đây cũng là quy định được áp dụng với các xe ngựa tại New York. Tuy nhiên, ngựa của đội kỵ binh lại không áp dụng biện pháp này và các sĩ quan cảnh sát cũng từ chối tiết lộ lý do khi được hỏi.
Một giả thiết được cảnh sát kỵ binh Canada đưa ra lý giải điều này là việc đeo túi sẽ cản trở ngựa phi nước đại. Tuy nhiên, phần lớn thời gian ngựa của đội kỵ binh chỉ đi lại bình thường, không cần thiết phi nước đại. Một giả thiết khác là việc khi túi phân quá nặng có thể rơi xuống đường. Lúc này, "hậu quả" để lại sẽ còn tệ hơn.
Dọn dẹp chất thải của ngựa là nhiệm vụ của các công nhân vệ sinh |
Tại sao trong một xã hội hiện đại, đội kỵ binh vẫn được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới? Trang chủ của NYPD (Sở cảnh sát New Yorrk) đã trả lời như sau
"Đội Kỵ binh phục vụ 4 nhiệm vụ: Kiểm soát giao thông, Kiểm soát đám đông, Quan hệ công chúng, và Ngăn chặn tội phạm đường phố.
Về quan hệ công chúng, hiếm có thứ gì nhận được sự chú ý từ công chúng bằng một sĩ quan đang cưỡi ngựa. Khả năng kiểm soát đám đông cũng đã được chứng minh qua nhiều năm.
Ước tính, một sĩ quan trên lưng ngựa có hiệu quả bằng 10 sĩ quan đi bộ, tùy theo tình trạng đám đông."
Đây có phải phương án hiệu quả? |
Khả năng bao quát và nhận định điểm bất thường của một sĩ quan cưỡi ngựa cũng tốt hơn bình thường rất nhiều, do họ có được vị trí quan sát cao hơn. Một số kỵ binh thì cho biết, họ cũng thích có một con ngựa khi... viết phiếu phạt cho người vi phạm giao thông hơn là ngồi trong xe cảnh sát. Bởi lẽ, thái độ của người dân sẽ khi thấy chú ngựa thường tỏ ra thân thiện hơn.
Phóng viên (t/h)
Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống