Cocacola, Pepsi, Red Bull, Masan và Tân Hiệp Phát tiếp tục ăn nên làm ra khi tổng doanh thu năm 2019 của họ ở Việt Nam đạt hơn 1,7 tỷ USD.
Tham gia thị trường từ đầu thập niên 90, Coca-Cola và Pepsi trở thành hai thương hiệu đồ uống không cồn quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Trong nước, Tân Hiệp Phát là đối trọng đáng kể nhất của hai cái tên này, xét về doanh thu. Red Bull chỉ tham gia riêng ngành hàng nước tăng lực nhưng cũng thu về nghìn tỷ đồng,Masan - doanh nghiệp "sinh sau đẻ muộn" nhưng cũng sớm chen chân vào nhóm đầu của ngành.
Năm 2019, tổng doanh thu của nhóm năm doanh nghiệp này đạt hơn 40.400 tỷ đồng, tương đương hơn 1,7 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2018.
Xét về doanh thu ngành đồ uống không cồn, ba doanh nghiệp đứng đầu thị trường hiện nay là Suntory PepsiCo, Coca-Cola và Tân Hiệp Phát. Nhóm này cũng tạo thành thế chân vạc với sự so kè trên nhiều phân khúc sản phẩm.
Năm 2019, liên doanh Suntory PepsiCo đạt hơn 18.300 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với năm 2018. Coca-Cola và Tân Hiệp Phát đứng sau với tổng doanh thu đều hơn 9.000 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 10%.
Trong khi Coca-Cola và Tân Hiệp Phát có doanh thu khá tương đồng, PepsiCo vượt lên với quy mô hơn gấp đôi. Việc thành lập liên doanh giữa PepsiCo và Suntory vào tháng 4/2013, giúp ngành hàng của công ty này vượt trội hơn hẳn.
5 sản phẩm đồ uống không cồn tiêu biểu của Coca-Cola, Masan, Redbull, PepsiCo và Tân Hiệp Phát. Ảnh: Tuấn Tú. |
Về các nhãn hàng, Suntory PepsiCo có đủ các nhãn để so kè cùng Coca - Cola như: Pepsi - Coca-Cola hay Mirinda - Fanta (nước uống có ga); Revive - Aquarius (nước uống thể thao), Aquafina - Dasani (nước tinh khiết), Sting - Samurai (nước tăng lực). Ngoài ra, doanh nghiệp này còn mở rộng ngành hàng sang trà đóng chai với sự hỗ trợ từ liên doanh cùng Suntory bằng nhãn hàng TEA+. Thị phần của Suntory trên thị trường trà đóng chai chỉ đứng sau Tân Hiệp Phát nên giúp liên doanh Suntory PepsiCo có thể tạo khoảng cách lớn với hai đối thủ phía sau.
So với hai thương hiệu nước ngoài, nhóm sản phẩm chủ lực của Tân Hiệp Phát kém đa dạng hơn nhưng sức tiêu thụ nhỉnh hơn, chỉ gồm ba dòng sản phẩm chủ lực là nước tăng lực Number 1, trà thảo mộc Dr Thanh và trà xanh không độ.
Đứng cuối bảng về doanh thu nhưng thực tế, Tân Hiệp Phát mới là cái tên đứng đầu về hiệu suất kinh doanh. Biên lợi nhuận gộp của nhóm doanh nghiệp Tân Hiệp Phát đạt trung bình 40-50% trong ba năm gần đây. Trong khi đó, Coca-Cola và Suntory PepsiCo chỉ quanh ngưỡng 30%. Sự khác biệt này có thể do đặc thù của những tập đoàn đa quốc gia, khi công thức đồ uống và những nguyên liệu đặc biệt sẽ phụ thuộc vào công ty mẹ.
Kết quả là lợi nhuận Tân Hiệp Phát vượt trội hơn hẳn nhóm hai thương hiệu nước ngoài. Năm 2019, nhóm công ty Tân Hiệp Phát đạt tổng lợi nhuận hơn 3.300 tỷ đồng, gấp ba lần mức lợi nhuận của Coca-Cola và cao hơn 20% so với liên doanh Suntory PepsiCo.
Dù báo lãi nghìn tỷ đồng nhưng Coca-Cola vẫn chưa hết lỗ lũy kế. Năm 2015 - sau 20 năm hiện diện tại Việt Nam, doanh nghiệp này mới báo lãi và đóng thuế. Trong ba năm gần nhất 2017-2019, tổng lợi nhuận Coca-Cola làm ra là hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng con số lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là hơn 2.600 tỷ.
Trong khi đó, kết quả hoạt động của liên doanh Suntory PepsiCo có phần nhỉnh hơn, nhưng cũng chỉ mới chuyển biến trong bốn năm gần đây.
Tiến đánh một phân khúc riêng là nước tăng lực, cả Red Bull và Masan đều ghi nhận tăng trưởng những năm gần đây, dù quy mô vẫn còn khiêm tốn so với ba doanh nghiệp đứng đầu.
Red Bull, thương hiệu từng là niềm tự hào của Thái Lan, tham gia thị trường Việt Nam từ năm 1999. Sau hơn 20 năm, nhãn hàng này lần đầu cán mốc doanh thu nghìn tỷ đồng vào năm ngoái. Khác với Coca-Cola hay PepsiCo, tỷ suất lợi nhuận gộp của Red Bull tương đương với Tân Hiệp Phát, đều trên 50% những năm gần đây. Ba năm gần nhất, doanh nghiệp này đều báo lãi hơn 400 tỷ đồng.
Masan Consumer - đơn vị thành viên của tập đoàn Masan cũng ghi nhận doanh thu tăng liên tục từ khi quyết định tham gia ngành hàng nước tăng lực. Dòng sản phẩm hướng tới giới trẻ và người lao động mang về cho Masan gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2018 và tăng lên gần 2.600 tỷ đồng trong năm 2019. Masan Consumer cho rằng, các công ty trong nước vẫn có thể tiếp tục tăng thị phần theo sản lượng và thu hẹp khoảng cách với nhóm nước ngoài nhờ nắm bắt khẩu vị địa phương.
Thế nhưng, các thương hiệu nước ngoài ngày càng đa dạng hóa sản phẩm theo hướng địa phương hóa và trong tương lai gần, thị trường đồ uống khả năng sẽ còn phân hóa mạnh hơn. Năm 2019, Coca-Cola đã lần đầu ra mắt sản phẩm nước tăng lực, khi thị trường này đã tăng trưởng với tốc độ hai con số. Thương hiệu này cũng lấn sân sang ngành hàng cà phê uống liền, nước hoa quả. Tương tự, Suntory Pepsico cũng ra mắt dòng sản phẩm cà phê uống liền mới để cạnh tranh với Coca-Cola và một số thương hiệu trong nước.
Minh Sơn
Lỗ nặng tiền tỷ, trà sữa hết thời hot âm thầm bỏ chạy
Những cốc trà sữa trân châu đường đen từng là món đồ uống của giới trẻ với những dòng người xếp hàng chờ mua. Nhưng ... |
Singapore cấm quảng cáo các loại đồ uống có đường
Singapore cấm quảng cáo các loại đồ uống có lượng đường cao , một trong những biện pháp nhằm hạn chế tiêu thụ đường ở ... |