“Cà phê đường tàu” - Không thể vin “nét độc đáo” thay cho sự an toàn

“Cà phê đường tàu” ở Hà Nội vài ngày qua đang trở nên “nổi tiếng” hơn sau khi Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu thành phố Hà Nội giải tán các điểm cà phê nằm trong hành lang đường sắt mất an toàn giao thông.

“Cà phê đường tàu” mới hình thành vài tháng trở lại đây trên đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng. Hàng loạt điểm cà phê  mọc lên sát với đường ray xe lửa, thu hút đông đảo giới trẻ, du khách nước ngoài…

Nhìn khung cảnh “cà phê đường tàu” cảm giác không khỏi lo ngại khi cả người, bàn ghế đều được kê và ngồi sát đường ray. Thậm chí, không ít du khách nước ngoài, người buôn thúng bán bưng, trẻ đánh giày… còn đi, ngồi giữa hai đường ray xe lửa.

Đúng như Bộ Giao thông - Vận tải đã nêu trong văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội: Đây là sự lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Thế mà, sự nguy hiểm ấy, sự lấn chiếm vi phạm hành lang đường sắt ấy, hành vi trái pháp luật ấy, lại được một số ý kiến cho rằng đó là “nét độc đáo” nên được phát triển hơn là cấm đoán.

Chỉ nói không thôi thì quá đơn giản. Tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt gây mất an toàn giao thông một khi dẫn đến tai nạn chết người thì ai chịu? Những người đang “công kênh” rằng “cà phê đường tàu” là nét độc đáo có chịu trách nhiệm hay không?

Những công trình, đường phố, khu mua sắm hay ẩm thực, bình thường để tồn tại đã phải lấy sự an toàn làm yếu tố tiên quyết. Đằng này, đường ray biến thành nơi đi đứng, chụp ảnh selfie, hai bên sát đường ray trở thành nơi ngồi lê la cà phê thưởng ngoạn, sự nguy hiểm, thiếu an toàn chính là yếu tố đầu tiên phải giải quyết.

Không thể thỏa hiệp với những cái “sướng” nhưng mất an toàn được. Phố “cà phê đường tàu” cần được xem xét xử lí ngay: Những hàng quán nằm ngoài hành lang đường sắt theo qui định thì không phải bàn, song nếu kê nới bàn ghế cho khách ngồi xâm lấn vào hành lang an toàn đường sắt thì phải kiên quyết giải tỏa, xử lí nghiêm nếu cố tình vi phạm hay chống chế. Còn đối với các tụ điểm cà phê đã mọc hẳn trong hành lang đường sắt thì không thể cho tồn tại.

Ai cảm thấy thích thú, hài lòng với “cà phê đường tàu” là chuyện của cá nhân người đó. Còn về công tác quản lí, phải kiên quyết nói không với tình trạng lấn chiếm hành lang đường tàu gây mất an toàn.  

“Phố cà phê đường tàu” sao có thể coi là nét văn hóa Hà Nội
"Ngoại bất nhập", đóng cửa cà phê đường tàu từ sáng nay
Chụp ảnh với đường tàu trên thế giới: Những cái chết thương tâm không hiếm
/ laodong.vn