Trung Quốc báo cáo 55.000 ca nhiễm tính tới ngày 20/2, nhưng các chuyên gia nhận định con số thực tế có thể lên tới 232.000 ca.
Tổng số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc tính tới ngày 20/2 có thể lên tới 232.000 nếu áp dụng định nghĩa rộng hơn về người nhiễm từ tháng 1, theo nghiên cứu được một nhóm tác giả tại Đại học Hong Kong công bố trên tạp chí y khoa Lancet hôm 21/4.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh Trung Quốc bị cáo buộc che đậy quy mô bùng phát của Covid-19. Nước này hồi tháng 1 chỉ thống kê số ca nhiễm và tử vong là những người có triệu chứng được xét nghiệm dương tính với nCoV.
Kết quả là tâm dịch Vũ Hán tới ngày 20/2 ghi nhận khoảng 27.000 ca nhiễm, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng số người nhiễm thực tế là 127.000. Giới chức Trung Quốc hồi tuần trước cũng sửa số liệu người chết vì nCoV tại Vũ Hán, tăng 1.290, tương đương 50%, với lý do báo cáo trước đó bị chậm.
Các chuyên gia tại Đại học Hong Kong xây dựng mô hình diễn tiến dịch mới dựa trên dữ liệu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố sau chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 2, cùng định nghĩa thứ 5 về ca nhiễm của Ủy ban Y tế Quốc gia nước này.
Một nhân viên mặc trang phục bảo hộ phun hóa chất tẩy trùng một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 25/3. Ảnh: AFP. |
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã ban hành 7 định nghĩa khác nhau về người nhiễm nCoV từ ngày 15/1 đến 3/3. Định nghĩa thứ 5 về người nhiễm, được giới chức đưa ra hồi đầu tháng 2, yêu cầu tính những người có triệu chứng lâm sàng vào ca nhiễm nCoV, thay vì phải xác nhận bằng cả kết quả xét nghiệm axit nucleic.
Định nghĩa này khiến số ca nhiễm nCoV ở Trung Quốc tăng đáng kể, thậm chí lên tới khoảng 15.000 trong 24 giờ, khiến giới chức y tế nước này rút lại quyết định một tuần sau đó.
Nghiên cứu mới cho thấy thay đổi trong cách định nghĩa ca nhiễm "ảnh hưởng đáng kể" đến số liệu, làm tỷ lệ lây nhiễm tăng từ 2,8 lên 7,1. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý việc thay đổi định nghĩa về ca nhiễm trong đại dịch là điều bình thường, bởi hiểu biết khoa học về virus và năng lực của phòng thí nghiệm được tăng cường theo thời gian.
Giáo sư Chris Dye, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Oxford, nói không nên dùng báo cáo mới để thúc đẩy quan điểm rằng Trung Quốc cố tình "giấu dịch". "Nghiên cứu có thể cung cấp sự điều chỉnh hữu ích về số ca nhiễm nCoV tại Trung Quốc, song không thay đổi kết luận bản chất về tỷ lệ nhiễm thấp tại Trung Quốc và việc nước này kiểm soát hiệu quả Covid-19", Dye nói.
Các chuyên gia khuyến cáo các nước không đủ dụng cụ xét nghiệm nên thêm tiêu chí chẩn đoán lâm sàng vào định nghĩa ca nhiễm nCoV để hiểu rõ hơn về dịch bệnh. Nhiều nước như Anh và Mỹ hiện vẫn coi kết quả xét nghiệm là tiêu chí duy nhất để xác nhận người dương tính với nCoV.
Adam Kucharski, chuyên gia dịch tễ và toán học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London, nhận xét mô hình của các chuyên gia Hong Kong là "nghiên cứu hữu ích" và cho thấy lý do "cần hết sức cẩn trọng khi diễn giải hình dạng của đường cong dịch tễ học".
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 2,7 triệu ca nhiễm, hơn 190.000 người chết và gần 746.000 người đã hồi phục. Trung Quốc báo cáo gần 83.000 ca nhiễm, trong đó hơn 4.600 người chết và hơn 77.000 người đã hồi phục.
Nguyễn Tiến (Theo Telegraph)
Trung Quốc siết chặt "ổ dịch" Cáp Nhĩ Tân đối phó Covid-19
Hiện thành phố Cáp Nhĩ Tân đã trở thành ổ dịch Covid-19 mới tại Trung Quốc, khi nơi đây đã có hàng chục ca nhiễm ... |
Trung Quốc tuyên bố không có chợ "ướt" buôn bán động vật hoang dã
Trung Quốc tuyên bố không có cái gọi là chợ động vật hoang dã sau khi Mỹ kêu gọi nước này đóng cửa loại hình ... |
Trung Quốc lợi dụng Covid-19 lấn lướt ở Biển Đông
Vào thời điểm các nước khác đang bận bịu chống dịch, Trung Quốc chớp thời cơ để thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý ... |