Nữ giáo viên 59 tuổi mắc cùng lúc viêm gan C, xơ gan teo, trướng bụng, lách to độ 3, cường lách dẫn đến thiếu máu.
Bệnh nhân quê Bà Rịa - Vũng Tàu, đã đi nhiều bệnh viện, điều trị viêm gan C với thuốc uống và thuốc chích khiến tình trạng thiếu máu thêm trầm trọng. Chị từng xạ trị lách với hy vọng điều trị cường lách nhưng thất bại, phải nhập viện nhiều đợt để truyền máu và tiểu cầu.
Bệnh nhân ban đầu được chỉ định cắt lách, song cuối cùng các bác sĩ quyết định không thể phẫu thuật vì sức khỏe quá yếu. Tiểu cầu chỉ còn 30.000/mm3, bệnh nhân vàng mắt, vàng da, suy kiệt, trướng bụng nhiều, phù toàn thân, cân nặng từ 41 kg xuống còn 35 và rối loạn đông máu. Các bác sĩ tính đến phương án ghép gan cho bệnh nhân do chức năng gan bị suy trầm trọng.
Bệnh nhân (mặc áo đen) được cắt lá lách giúp khỏi phải ghép gan |
"Tôi gần như tuyệt vọng và biết rằng sự sống chỉ có thể kéo dài thêm 1-2 năm", bệnh nhân cho biết. Gia đình đưa chị tìm đến phó giáo sư Nguyễn Tấn Cường, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Quốc tế City để tư vấn ghép gan. Chi phí tốn kém, hơn nữa gia đình chỉ có hai con gái chưa lập gia đình nên bệnh nhân không muốn nhận gan từ con.
Phó giáo sư Cường đã hội chẩn cùng các bác sĩ, đề nghị mổ nội soi cắt lách để điều trị thiếu máu do cường lách, sau đó tiếp tục theo dõi điều trị viêm gan và xơ gan. Bác sĩ Cường là người đã góp công đưa kỹ thuật mổ nội soi về Việt Nam đầu thập niên 90. Trước khi phẫu thuật, xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy tiểu cầu còn 11.000/mm3, so với mức có thể phẫu thuật phải là 50,000-100.000/mm3.
"Tiểu cầu quá thấp sẽ khiến cuộc mổ chảy máu nhiều do rối loạn đông máu, chưa kể nguy cơ xuất huyết não gây đột quỵ", bác sĩ Cường cho biết. Kíp mổ đã chuẩn bị truyền tiểu cầu cho bệnh nhân trước mổ vài giờ và tiếp tục truyền trong mổ. Một nguy cơ liên quan đến gây mê là bệnh nhân có thể hôn mê sau mổ do suy gan trên nền gan xơ teo, tăng áp tĩnh mạch cửa, do đó phải lựa chọn thuốc mê ít thải qua gan.
Sau cuộc mổ kéo dài hai giờ với lượng máu mất ít hơn dự kiến, bệnh nhân nhanh chóng hồi tỉnh. Bệnh nhân không còn nôn ói, ăn ngon hơn, đã tăng thêm 20 kg so với trước mổ, không còn ngồi xe lăn, tinh thần vui vẻ, làm việc không mệt mỏi.
Tiếp tục điều trị ba tháng, hiện bệnh nhân khỏi hoàn toàn viêm gan C. Gan đã tăng sinh trở lại, từ 8,5 cm trước mổ nay đã tăng lên 11,5 cm. "Đây là trường hợp hồi phục rất ngoạn mục. Bệnh nhân đã ngưng hoàn toàn thuốc điều trị viêm gan C, không còn cần phải truyền máu định kỳ nữa, đặc biệt không còn chỉ định ghép gan”, bác sĩ Cường cho biết.
Viêm gan siêu vi C lâu năm có thể dẫn đến xơ gan, gây tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm lách to, thiếu máu. Viêm gan C hiện chưa có văcxin phòng chống nhưng có thể điều trị khỏi.
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ca-mo-cat-la-lach-giup-nguoi-phu-nu-khoi-phai-ghep-gan-3652945.html