Mặc dù khung hình phạt dành cho hành vi buôn bán hàng hoá là thuốc giả cao nhất có thể tới tử hình, song, nhiều đối tượng vẫn bất chấp vì hám lời.
Thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái vẫn diễn biến phức tạp, nhức nhối với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đáng lưu ý, theo Bộ Công Thương, năm 2022, lực lượng Quản lý thị trường đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan kiểm tra khoảng 72.641 vụ, phát hiện, xử lý trên 43.964 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái; tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 348,2 tỷ đồng.
Trong đó, một trong những vấn nạn nhức nhối, "tầm gửi" ngày càng tinh vi vào môi trường kinh doanh lành mạnh là hành vi buôn bán, sản xuất thuốc chữa bệnh giả. Việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường đã là hành vi trái pháp luật, vi phạm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Nhưng khi đối tượng hàng hoá bị làm giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh thì nó lại là một vấn đề nghiêm trọng hơn rất nhiều vì những nguy cơ tiềm ẩn đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của người sử dụng.
Mua bán thuốc chữa bệnh giả là một tội ác và là hành vi bị nghiêm cấm, khung hình phạt cao nhất lên tới tử hình. Ảnh minh hoạ |
Thực tế cho thấy, tình trạng buôn bán thuốc giả vẫn âm thầm diễn ra từng ngày từng giờ. Cơ quan chức năng đã triệt phá và xử lý nhiều vụ việc vi phạm và xử lý nghiêm minh. Đơn cử, mới đây nhất, ngày 12/7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh triệt phá đường dây chuyên tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc giả quy mô lớn, do ông Quách Ngọc Giao (55 tuổi, ngụ phường 11, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) cầm đầu.
Liên quan đến vụ án, cơ quan chức năng đã bắt giữ 10 người cùng nhiều tang vật. Qua khám xét công an phát hiện số lượng lớn thuốc ghi các nhãn hiệu nổi tiếng, dùng để điều trị các bệnh tim mạch, viêm đường hô hấp, tăng huyết áp… Bước đầu, những người này khai nhận mua thuốc từ các công ty dược Việt Nam sản xuất, sau đó về thay đổi bao bì, tem, nhãn thuốc thành các loại thuốc ngoại nhập để bán ra thị trường với giá cao.
Trước đó, công an tại nhiều tỉnh thành cũng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tương tự và một trong những vụ việc buôn bán thuốc giả đình đám và chắc dư luận chưa quên đó vụ án thuốc giả tại VN Pharma (diễn ra từ năm 2012-2013). Đáng buồn, trong 14 bị cáo bị khởi tố có nhiều lãnh đạo đầu ngành y tế như cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế Nguyễn Việt Hùng cùng nhiều cán bộ nhúng chàm khi “tiếp tay” cho thuốc giả, trong đó có thuốc ung thư được cấp phép và lưu hành tại Việt Nam.
Năm 2022, vụ án tại VN Pharma khép lại bằng nhiều bản án tù khác nhau dành cho các bị cáo. Trong đó, cựu Thứ trưởng Trương Quốc Cường bị tuyên 4 năm tù, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế Nguyễn Việt Hùng bị tuyên 3 năm tù. Về mặt pháp luật, đây là cái giá phải trả cho hành vi sai trái của những người làm giàu trên bệnh tật của người dân và là hồi chuông cảnh báo tình trạng giá thuốc ngất ngưởng, thiếu quản lý đồng bộ về quy trình xuất, nhập, sử dụng thuốc hiện nay. Và cao hơn là bài học cảnh tỉnh về thái độ, trách nhiệm, bản lĩnh của những người làm nghề trước cám dỗ đồng tiền.
Thuốc giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao sức khoẻ con người. Do đó việc sử dụng thuốc không hiệu quả cũng như thuốc kém chất lượng không chỉ gây tác động xấu đến sức khoẻ người bệnh mà còn làm xói mòn lòng tin của công chúng vào hệ thống y tế của một quốc gia.
Cũng không thể phủ nhận, thời gian gia, các cấp, ngành chức năng đã tích cực vào cuộc triệt phá nhiều vụ buôn bán kinh doanh thuốc giả, song vì sao những “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái vẫn biến tướng tinh vi, khó kiểm soát và khung pháp lý đối với hành vi này ra sao?
Trao đổi về vấn đề này, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội phân tích, đánh vào nhu cầu thiết thực của người dân, có “bệnh thì vái tứ phương”, vì “hám lợi nhuận” nhiều người đã bất chấp các quy định của pháp luật, đạo đức để sản xuất, buôn bán thuốc giả, bỏ mặc hệ luỵ khôn lường tiềm ẩn đằng sau sự vụ lợi đó. Đây là hành vi đáng lên án và phải cần chế tài xử lý nghiêm minh đủ sức răn đe.
Theo đó, luật sư Tiền chỉ ra, mua bán thuốc chữa bệnh giả là một tội ác và là hành vi bị nghiêm cấm. Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cụ thể: Trường hợp mua bán, nhập khẩu hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt tiền gấp 2 lần so với hành vi buôn bán hàng giả thông thường, phạt từ 1 triệu đồng, cao nhất là 100 triệu đồng.
Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả, như buộc tiêu hủy tang vật, buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi tiêu hủy hàng hóa đang lưu thông trên thị trường.
Trường hợp mua bán, nhập khẩu thuốc có nhãn, bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác hoặc hàng hóa có nhãn, bao bì ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa, sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng - 60 triệu đồng.
Căn cứ vào tính chất, mức độ nghiêm trọng trên thực tế mà hành vi buôn bán thuốc chữa bệnh giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, theo Điều 157 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trong trường hợp phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khung hình phạt cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Cũng theo luật sư Tiền, mặc dù khung hình phạt đối với hành vi vi phạm này rất cao và nghiêmk khắc, song, để ngăn chặn vấn nạn thuốc giả, ngoài các chế tài thật nặng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng là cần nâng cao vai trò của người dược sĩ trong việc ngăn ngừa phân phối thuốc giả; nhận thức về việc gian lận và thuốc giả; báo cáo các trường hợp nghi ngờ thuốc giả đến các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, người dân cũng cần nâng cao cảnh giác khi mua thuốc qua mạng Internet và theo dõi các cảnh báo về thuốc giả của các cơ quan quản lý. Đặc biệt, đối với các cơ quan chức năng, cần có những giải pháp theo dõi và ngăn chặn kịp thời thuốc giả để tránh lưu hành rộng rãi trên thị trường, các quy định pháp luật về xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả cần chặt chẽ để đủ sức răn đe với loại hình tội phạm này.