Bước tiến mới trong quan hệ thương mại Việt - Mỹ

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 2/7/2025 đã khơi dậy niềm hy vọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia phân tích về triển vọng cải thiện quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Đặc biệt, các thỏa thuận liên quan đến thuế đối ứng và khả năng Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn hợp tác mới, mang lại lợi ích lâu dài cho cả hai quốc gia.

Đột phá trong đàm phán

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chí quốc tế để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, điều này sẽ tạo ra tín hiệu mạnh mẽ, thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư và kích hoạt làn sóng đầu tư mới vào các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã đạt được các thỏa thuận quan trọng với phía Hoa Kỳ, tạo khuôn khổ mới cho quan hệ thương mại song phương. Các thỏa thuận này được xây dựng dựa trên phương châm bảo đảm lợi ích cốt lõi của Việt Nam, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và không ảnh hưởng đến các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, để hiện thực hóa lợi ích, Hoa Kỳ cần sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hạn chế xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao.

Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn cho các mặt hàng thủy sản của Việt Nam, với kim ngạch dao động từ 1,7 đến 2 tỷ USD mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2024. Nếu mức thuế thuận lợi được áp dụng, xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm 2025 có thể duy trì đà tăng trưởng tương đương hoặc thậm chí vượt mức nửa đầu năm.

Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nhận định rằng, những bước tiến mạnh mẽ trong đàm phán thương mại song phương giúp doanh nghiệp tin tưởng rằng các vấn đề liên quan sẽ được giải quyết nhanh chóng và thực chất hơn.

Đồng quan điểm, TS. Bùi Quý Thuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu, Liên chi hội Tài chính Khu Công nghiệp Việt Nam (VIPFA), cho rằng, nếu Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao, Việt Nam sẽ hưởng lợi đáng kể. Hàng hóa Việt Nam sẽ được đối xử công bằng hơn trong các vụ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, từ đó giảm rào cản thương mại. Hơn nữa, việc dỡ bỏ hạn chế công nghệ cao sẽ củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy đầu tư và phát triển công nghệ, góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cải tổ chuỗi cung ứng và nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhấn mạnh rằng, Việt Nam cần cải thiện môi trường pháp lý, bảo đảm minh bạch, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và thúc đẩy cải cách thể chế đầu tư. Các doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc chuỗi cung ứng, gia tăng tính minh bạch trong xuất xứ và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ông Long khuyến nghị các doanh nghiệp cần áp dụng mô hình quản trị hiện đại, đồng thời cần sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý để định hướng chính sách xuất khẩu dựa trên giá trị thay vì chỉ tập trung vào số lượng.

https://thoibaonganhang.vn/buoc-tien-moi-trong-quan-he-thuong-mai-viet-my-167022.html

Thái Thu / thoibaonganhang.vn