Từ thời điểm ba 8 tuổi trở về sau này cho đến tận năm 18 tuổi, ba ghét ông nội con ghê lắm - thứ nam của cụ Nguyễn Văn Bảy viết cho con trai.
Thời gian anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy, người vừa qua đời ở tuổi 84, còn điều trị trong Bệnh viện Quân y 175, anh Quân - con trai thứ của ông - đã có những chia sẻ xúc động gửi đến con trai.
Trong bức thư này, anh như "rút gan rút ruột" tâm sự với con những suy nghĩ, kỷ niệm với ba mình từ thời niên thiếu, từ những tháng ngày oán ghét ba vì lối giáo dục nghiêm khắc cho đến lúc trưởng thành, tiếc giữ từng thời khắc được ở bên ba. Từ chuyện với ba mình, anh Quân cũng chia sẻ tình yêu và những điều mình mong đợi ở con trai.
Được phép của anh Quân, VTC News xin đăng tải nguyên văn bức tâm thư này.
“Thương gửi con trai của ba!
Ba viết những dòng này khi đang thức đêm ở bệnh viện để nuôi ông nội của con vừa gặp trọng bệnh.
Không biết những dòng này ba viết có đến được với con không, nếu đến được thì tốt quá nhưng nếu không thì ba cũng mong rằng có ai đó sẽ chia sẻ bài viết này để cho những bạn tuổi chập chững vào đời giống như con hiểu hơn về những người cha, những người luôn âm thầm sống trong gia đình với khuôn mặt hầm hầm, lạnh lùng mà đa số con cái đều ghét.
Sáng nay khi ba và bà nội của con ở trong bệnh viện, chuông điện thoại của bà nội reo liên hồi. Bạn bè , anh em, cô, dì của ông bà nội gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe của ông nội con.
Nhưng có một cuộc gọi làm ba cứ băn khoan mãi. Chuông đổ, nói chuyện xong, ba hỏi bà nội: “Ai gọi vậy má? Bà nội nói: “À cái thằng ghi số điện ở dưới quê. Nó nghe nói ba con bệnh, nó điện thoại hỏi thăm và chúc ba mau bình phục”.
Ông Nguyễn Văn Bảy trong lần gặp lại đồng đội cũ và các cựu binh Mỹ. (Ảnh: NVCC) |
Tự nhiên nghe xong, ba cứ suy nghĩ mãi. Tại sao một người có khi đến vài tháng không gặp ông nội con, biết ông nội con bệnh mà vẫn điện thoại hỏi thăm? Người ta là người dưng mà!
Rồi ba nhớ lại hồi nhỏ, khi đó ba khoảng 6 hay 7 tuổi, ông nội đưa ba lên sân bay Biên Hòa - đơn vị của ông nội. Vào buổi chiều, trên đường đi ăn cơm về, hai bên lề đường đầy cỏ gà, ba và ông đã hái rất nhiều cọng cỏ gà thi đấu với nhau trong tiếng cười rộn rã của hai thế hệ. Đó là lần đầu tiên ba cảm nhận được hạnh phúc khi ở bên ông nội của con.
Nhưng thời điểm từ lần đó cho đến khi ba cảm thấy hạnh phúc bên ông nội con lại kéo dài quá lâu, đến tận sau Tết 2019. Cũng vì từ thời điểm ba 8 tuổi trở về sau này cho đến tận năm 18 tuổi, ba ghét ông nội con ghê lắm, chắc cũng giống con ghét ba như bây giờ thôi.
Nguyên nhân là vì năm ba khoảng 8 tuổi, ông nội đánh đòn ba thừa sống thiếu chết vì tội ăn trộm tiền của ông bà nội. Rồi đi chơi về trễ cũng đánh đòn, phá làng phá xóm cũng đánh đòn. Nói chung cứ làm trái ý ông nội con là y như rằng ba bị đánh đòn. Dần dần ba chai lỳ với đòn roi và ghét ông nội con kinh khủng.
Năm ba khoảng 14 - 15 tuổi gì đó, Nhà nước hạn chế cho đốt pháo, chỉ cho đốt pháo vào đêm 30 và mùng 1 Tết. Năm đó, ba và vài người bạn đạp xe đi mua thuốc và ngòi pháo, về cắt vở cũ ra làm một quả pháo đùng lớn bằng cổ tay. Đây là quả pháo đầu tiên trong đời tự tay ba làm, hí hửng đem ra sau nhà đốt. Quả pháo nổ vang một góc phố.
Anh Quân (bên trái) có những chia sẻ xúc động về cha mình. (Ảnh: NVCC) |
Vì thành công, mừng quá ba vỗ tay và la rầm trời. Từ trên nhà, ông nội con đang tiếp khách chạy thẳng ra sau nhà và không tiếc tay tát một cú như trời giáng vào bộ mặt đang hớn hở của ba. Ông nói: “Tao là người giữ kỉ cương mà mày lại đi phá kỉ cương hả thằng mất dạy”.
Đang vui vẻ và hưng phấn sau chiến thắng, tự nhiên bị cái tát không thương tiếc, ba lại càng ghét ông nội con hơn và từ đây ba vận dụng triệt để trí khôn, tiểu xảo, mánh khóe của thằng trẻ ranh để lừa dối và qua mặt ông bà nội. Thế nhưng, ba vẫn thường xuyên bị đánh đòn nhừ tử.
Cái đầu non nớt của ba lúc đó luôn nghĩ đại đa số những lần bị đòn là mình đúng, người lớn sai. Càng về sau này, ba chọn cách xa lánh ông nội của con. Ông nội ở nhà trên thì ba nhà dưới và ngược lại, hoặc đi ra khỏi nhà khi ông nội con ở nhà. Đỉnh điểm là năm 17 tuổi, ba quyết định nghỉ học. Năm 1988, ông nội bắt ba ra Hà Nội. Lúc đó, ông nội con đang là bộ đội ở một đơn vị ngoài đấy.
Lần đầu tiên đi xa và được đi máy bay nên ba rất háo hức, cho rằng đây là một phần thưởng. Nhưng hỡi ôi, lúc ra ngoài đó ba mới biết là phải thực tập bộ đội.
Tất cả những gì bộ đội làm thì ba đều phải làm. Sung sướng từ nhỏ quen rồi, ra đấy ăn uống kham khổ, làm việc vất vả, lương thì không có lại xa nhà và xa đám bạn nối khố nên lúc đó ba càng căm ghét ông nội con vô cùng. Sau gần 1 năm, ba cũng được về lại nhà, vui vẻ cùng đám bạn.
Tưởng rằng như thế là xong, nhưng đến ngày 27/3/1989, ba được gọi đi bộ đội. Sau 3 tháng quân trường rèn luyện vất vả, đến ngày kết thúc huấn luyện, ba nhớ mãi hôm đó đứng dưới sân là ông Khôi ở chéo nhà mình. Ông Khôi là người đứng lên đọc quyết định điều động bộ đội về đơn vị mới.
Cụ Nguyễn Văn Bảy giản dị bên gia đình. (Ảnh: NVCC) |
Nhìn ông Khôi, ba toe toét cười và khoe với đám bạn đồng ngũ: “Đó là ông chú gần nhà tao đó”. Sau một lúc, ông đọc danh sách điều động lính. Tất cả mọi người đều được về đơn vị mong muốn, riêng ba về đơn vị ở ngoài Bắc mà năm trước ba đã ở.
Bầu trời như sụp đổ dưới chân ba. Ba biết đây chắc chắn là ý của ông nội con. Buồn rầu, chán nản, xen kẽ có cả căm ghét ông nội con. Ba nghĩ sao ông nội con căm ghét ba đến thế, muốn hành hạ ba đến chết hay sao?
Trước khi ra Bắc, ba được về nhà. Đến ngày sắp ra đơn vị, đêm trước ngày đi, ông bà nội theo dõi rất kỹ, khóa mọi cửa nẻo, lúc này trong đầu ba lóe lên một suy nghĩ mà giờ kể lại cho bà nội hoặc bạn bè, mọi người vẫn cười té ghế. Đó là: Ba sẽ uống xà bông để tự tử hoặc giả sẽ được đi bệnh viện cấp cứu để trốn ra đơn vị, sau đó sẽ tính tiếp.
Tối đó, khi vào nhà tắm, ba lấy nhiều xà bông bột trộn với nước, sau đó ba uống hết. Để cho chắc ăn, ba ngồi thêm tí nữa đến khi thấy bụng đau mới ra ngoài. Ba về giường nằm, yên tâm ngủ, trong đầu nghĩ đau thêm tí nữa là khều bác Hai con dậy đưa đi bệnh viện.
Nhưng đến khi ba mở mắt ra thì trời đã sáng. Thôi thế là chịu, ba bị thúc thủ đi đày ở Hà Nội. Càng về sau này, ba càng không nói chuyện với ông nội của con. Cho đến khi ba lấy mẹ của con, lúc đó ba đã 28 tuổi rồi. Ông bà nội cũng nghỉ hưu lâu rồi và cùng nhau về dưới quê sống.
Lúc này, ba chững chạc hơn và thừa suy nghĩ để hiểu rằng những trận đòn chí tử mà ông nội con đánh ba, đó là cách ông nội con đang dạy thằng con ngỗ ngược quậy phá. Để đến bây giờ, ba không phải là người thành đạt, không có chức quyền, không nhiều tiền nhưng ba khẳng định là người sẵn sàng giúp người khác trong khả năng của mình.
Ba cũng là người ba tốt, người chồng tốt để lo cho con cái ăn học như mọi người. Có thể cách dạy con của ông nội có phần hơi quân phiệt và nặng tay, nhưng giờ suy nghĩ nếu trước đây không có những trận đòn, ông nội không đưa ba đi bộ đội thì chắc ba cũng không có một gia đình như bây giờ.
Khi con ra đời, cả hai bên nội ngoại đều vui mừng. Con gần như là trung tâm của vũ trụ nên được mọi người cưng chiều từ bé. Nào là nhõng nhẽo, nào là vòi vĩnh, mọi người cưng chiều nên con có tính ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ lo cho bản thân.
Cũng như ông nội của con, ba vẫn đánh đòn mỗi khi con hư nhiều và la mắng những lúc hư ít. Ba nhớ là năm con 14 tuổi, ba bắt đầu không đánh đòn con nữa, nhưng ba mẹ buồn khi càng lớn, con càng biết cách đối phó với người lớn.
Có lần ba nói với con, những gì con đã, đang và sẽ trải qua thì ba đã trải qua rồi. Ba biết hết nhưng có thể ba không nói để tự con từ từ hiểu, sửa chữa. Năm vừa qua, con đậu đại học, ba hướng cho con đi học lái máy bay để nối nghiệp ông nội, vì cả ba và bác hai của con có nhiều thiếu sót nên không hội đủ tiêu chuẩn làm phi công.
Con nói là con thích ngành khác. Ba chiều con mặc dù rất buồn. Đậu đại học, con được ông bà nội thưởng tiền. Con nói mua laptop để học đồ họa. Nhưng vài tuần sau, con lại nói muốn mua máy tính bàn để tự làm thêm kiếm tiền.
Lễ viếng Đại tá phi công, anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy bắt đầu tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM). |
Dù mẹ không đồng ý nhưng vì con đậu đại học, ba thủ thỉ với mẹ. Cuối cùng mẹ cũng chịu, nhưng con làm ba mẹ quá thất vọng, con chơi game tới khuya và khi đã đủ những nhu cầu con muốn, ba mẹ nói gì con cũng đều cãi lại dù chưa biết đúng sai.
Tuổi trẻ của con, chẳng lẽ chôn vùi trước màn hình máy tính và game hay sao?
Con biết không, cách đây khoảng 7 tháng, ba bắt đầu có linh tính gì đó. Ba về quê liên tục. Ba làm vườn cùng ông nội, mua cây giống về trồng cùng ông nội con, làm dớn bắt cá và đặt dớn cùng ông nội.
Nói đến đây ba lại khóc rồi. Từ hôm ông nội bệnh, ba khóc suốt, càng cố kìm nén thì càng bật ra, giấu không được. Không biết ai nói với em con, tối hôm qua sau khi từ viện về, em con nó hỏi ba: “Ba ơi nghe nói ba khóc hả, ba khóc làm sao khóc cho con coi”.
Nhìn cái mặt ngây ngô của nó, ba lại nghĩ, em con chưa thấy nước mắt của đàn ông sao? Với gia đình mình, ba sắt đá lắm, đặc biệt là với con. Nhưng con trai của ba ơi, ba cũng là con người. Mà con người phải có cảm xúc chứ, giờ ba lại được thèm ông nội con la, đánh ba nhưng có được nữa đâu?
Ông nội con nằm đó, cạnh những ống những dây loằng ngoằng. Những bữa cơm quê với ông bà nội con trong thời gian qua là quãng thời gian đẹp nhất, nó sẽ theo ba đi đến cuối cuộc đời. Ba mong sao con của ba cũng sẽ có những kỷ niệm đẹp với gia đình mình, để con nâng niu ôm ấp, đồng hành cùng con.
Nhưng ba nhắc con nhớ, thời gian nó đi chứ không quay lại đâu. Có câu hát mà ba vẫn tâm đắc: “Nếu có ước muốn trong cuộc đời này, hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại…”. Có những cái sai mà mình không có cơ hội để sửa sai đâu con.
Giờ nếu có ước được thời gian trở lại, ba chỉ cần quay lại trước 4 ngày thôi, để tối nay ba không phải ngồi trong bệnh viện, canh chừng ông nội con thế này. Giờ đây, ba chỉ muốn ở cạnh ông nội của con càng nhiều càng tốt, coi như là ba đang chuộc lỗi với ông nội con cũng được”.
Nhật Linh
Trung tá không quân Hungary lỡ hẹn với Anh hùng Nguyễn Văn Bảy
Cách đây 3 năm, trung tá Toperczer Istvan - bác sĩ không quân Hungary, tác giả của 2 quyển sách viết về Không quân Việt ... |
Hàng nghìn người viếng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy
Sáng 24/9, lễ viếng Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy đã diễn ra trang trọng tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng tại TP.HCM. |