Cá thu nấu trong miso, salad củ cải trắng, mận chua, rau củ thái lát và một loại trái cây tươi, nhiều người nghĩ đây là thực đơn của nhà hàng.
Nhưng thực tế, đó là thực đơn bữa trưa một ngày tháng 3 tại trường Tiểu học Konan thuộc thành phố Fukuroi, tỉnh Shizouka (Nhật Bản) - nơi học sinh được khuyến khích ăn nhiều đồ tươi xanh.
Vào buổi trưa, lớp học biến thành "nhà hàng". Điệp khúc "Itadakimasu" vang lên. Đó là cách nói lịch sử của người Nhật với ý nghĩa là "Xin mời", nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn.
Khác với buổi có cá thu nấu trong canh miso, một ngày thứ sáu thực đơn có cá tuyết nướng, ngô ngọt xào với cải chíp, súp rau kiểu Italy, bánh mì trắng phết kem, một hộp sữa nhỏ. Các phần ăn trông ít, nhưng vẫn đạt 667 kcal - phù hợp với trẻ 11 tuổi và đảm bảo không bị đói cho đến khi về nhà.
Một bữa trưa dành cho học sinh 11 tuổi ở trường Konan. Ảnh: The Guardian |
Konan không phải là trường duy nhất chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. Tại Nhật Bản, bữa ăn học đường được gọi là "Kyushoku" được triển khai trên cả nước vào những năm 1950 nhằm giúp trẻ không phải ăn bữa cơm thiếu dinh dưỡng trong những năm sau chiến tranh. Nó được chế biến bằng những nguyên liệu tươi sạch, chứa hàm lượng sắt, canxi và chất xơ được quy định bởi một chương trình dành cho trẻ từ mẫu giáo đến hết THCS do Chính phủ điều hành.
Hơn 7 thập kỷ trôi qua, "Kyushoku" được hầu hết trường tiểu học và trường THCS thực hiện, được ghi nhận là đã đóng góp vào việc tạo nên tuổi thọ ấn tượng của người dân Nhật Bản, giúp tỷ lệ béo phì ở trẻ em và người lớn thuộc nhóm thấp nhất trong các nước OECD.
Fukuroi, nơi có trụ sở trường Tiểu học Konan, là một trong những địa phương thực hiện rất tốt bữa ăn học đường "Kyushoku". Bằng chứng là năm ngoái, thành phố này đã nhận được giải thưởng thực hành tốt nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong việc việc thúc đẩy thói quen ăn uống lành mạnh của trẻ em, với sự giúp đỡ của các nhà sản xuất, cung cấp thực phẩm tại địa phương.
Mỗi ngày, trung tâm bữa trưa học đường của thành phố chuẩn bị và gửi hơn 10.000 bữa trưa đến các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS. Hầu hết bữa ăn được lấy cảm hứng từ ẩm thực Nhật Bản nhưng cũng bao gồm các món ăn Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu. Thực đơn được xây dựng với những món ăn khác nhau theo từng ngày và từng tháng, tùy thuộc vào các loại thực phẩm theo mùa.
Chi phí mỗi bữa thường là 250 yên (hồi tháng 3, tương đương khoảng 54.000 đồng theo tỷ giá hiện nay). Phụ huynh phải trả một nửa chi phí, số còn lại do chính quyền địa phương đóng góp.
Về thực phẩm, chính quyền thường đặt từ nhà cung cấp tại địa phương. Ông Toshiyuki Suzuki, một người dân trồng cải chíp ở Fukuroi, cho biết mỗi năm nông dân chuyển 4 tấn rau đến các trường học trong thành phố.
"Các loại rau chúng tôi bán thường phải qua hệ thống phân phối, nhưng khi giao cho các trường học là chúng tôi chuyển trực tiếp. Nhờ vậy, bọn trẻ luôn được ăn rau tươi sạch nhất", ông Suzuki nói.
Hợp tác chặt chẽ với hội đồng giáo dục thành phố, ông Suzuki và những nông dân khác trong khu vực đã giúp đẩy tỷ lệ rau được trồng ở địa phương trong bữa ăn tại trường từ hơn 13% vào năm 2012 lên gần 32% vào năm ngoái. Điều này cũng tạo ra sự yên tâm về chất lượng thực phẩm trong bữa ăn trường học.
"Chúng tôi nghĩ bữa trưa trường học quan trọng. Kết quả kiểm tra sức khỏe thường xuyên ở trẻ em nói chung là tốt và chúng tôi tin rằng bữa trưa ở trường có liên quan đến điều đó", ông Koji Ishizuka, quản lý bộ phận bếp ăn tại Hội đồng giáo dục thành phố Fukuroi, chia sẻ.
Trẻ em ở Nhật sử dụng bữa trưa do nhà trường chuẩn bị. Ảnh: Shutterstock |
TS Atsushi Miyawaki, chuyên gia chính sách y tế tại trường Y khoa của Đại học Tokyo, nhận định chương trình bữa ăn học đường "Kyushoku" có nhiều đặc điểm nổi bật. "Kyushoku" cung cấp một thực đơn thống nhất cho tất cả trẻ em ở mỗi trường trong 5 ngày mỗi tuần, không giống như những bữa trưa ở căng tin kiểu thường thấy ở Mỹ và Anh.
"Điều đó có nghĩa trẻ em không có lựa chọn nào liên quan đến các món ăn trong thực đơn và cũng không có lựa chọn mang cơm từ nhà hay ăn suất ăn do trường cung cấp", ông Miyawaki nói và cho rằng điều này giúp tránh sự mất cân bằng trong việc cung cấp dinh dưỡng, đồng thời "che giấu" được sự chênh lệch kinh tế của gia đình mỗi đứa trẻ.
Không chỉ với mục đích đơn thuần là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, bữa ăn học đường tại Nhật Bản được coi là một phần chính thống trong giáo dục. Từ năm 2005, Chính phủ yêu cầu các nhà trường phải dạy trẻ về nguồn gốc và thành phần của món ăn. Học sinh cũng được giáo dục nên ăn hết thức ăn.
"Hãy nhớ rằng rất nhiều người đã tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, đặc biệt là khi các con bắt gặp một loại rau mà các con nghĩ sẽ không thích nó" là thông điệp thường được nhắc tới trong bữa ăn của học sinh ở Nhật.
Giờ nghỉ trưa của học sinh lớp 3 trường Tiểu học Konan sắp kết thúc. Không thấy một miếng rau hay cá tuyết nào còn sót lại. Nhân viên hỗ trợ tuyên bố trẻ ăn hết 95% số thức ăn được họ đưa ra. Những khay đựng trống trơn được xếp vào xe đẩy và đưa vào bếp trong khi học sinh các lớp hoàn thành nhiệm vụ cuối cùng trong bài học ở bữa trưa - đánh răng.
Dương Tâm (Theo The Guardian)
Thiếu dinh dưỡng - lỗ hổng trong bữa ăn bán trú
Do thiếu chuyên gia dinh dưỡng, bữa ăn học đường dễ bố trí lộn xộn, thừa chất béo hoặc quá nhiều tinh bột, không tốt ... |
Thương bữa ăn học trò phải gánh thêm ...ông to, ông nhỏ
Khắc phục chuyện "cấu véo" suất ăn của trẻ chỉ trông vào lương tâm của những người có trách nhiệm biết áy náy, hổ thẹn ... |
Bữa ăn bán trú của học sinh Việt ở nước ngoài
Con trai hơn 3 tuổi của chị Thúy ăn nhiều cá, canh miso, rau họ cải, rong biển và uống sữa đều đặn khi học ... |
Áp lực của nhà trường khi tổ chức bữa ăn bán trú
Tổ chức bếp ăn bán trú được 10 năm, hiệu phó một trường ở Hà Tĩnh chia sẻ luôn canh cánh nỗi lo an toàn ... |
Phụ huynh lo lắng về bữa ăn bán trú
Nghe con trai út kể hôm trước phải chia nhỏ miếng bí đỏ xào và ăn thật chậm, nếu ăn nhanh cả miếng sẽ buồn ... |
Nhiều học sinh trường Việt Úc đau bụng, nôn ói sau bữa trưa
Trong khi VAS đang bị phụ huynh tố bớt suất ăn của học sinh, 12 em ở lớp 3.4 tại cơ sở Sala có dấu ... |