Bỏ ra 15 tỷ đào mặt đường nhựa thay bằng đường bê tông là không cần thiết và quá lãng phí.
Sai phổ biến
TS Nguyễn Đình Thám - Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng những sai phạm tại dự án BRT Hà Nội là phổ biến, chỉ khác nhau ở mức độ và quy mô sai phạm của từng dự án.
TTCP chỉ ra nhiều sai phạm tại BRT. Ảnh: Đầu tư chứng khoán
Đối với dự án buýt nhanh BRT Hà Nội, dự án có 14,7 km (từ Bến xe Yên Nghĩa đến Bến xe Kim Mã), tổng mức đầu tư ban đầu là 53,6 triệu USD nhưng đến khi nghiệm thu đã tăng lên hơn 706 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác khảo sát, đấu thầu, thi công gây lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách tại dự án buýt nhanh BRT Hà Nội. Trong đó nhà thầu hưởng lợi hơn 40 tỷ đồng tiền chênh lệch từ việc bán xe buýt...
Ngoài ra, kết luận TTCP cũng cho biết, tại Gói thầu CP4a (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Bộ Y tế đến Khuất Duy Tiến), Gói thầu CP4b (Xây dựng đường trạm xe buýt từ Khuất Duy Tiến - Bến xe Yên Nghĩa), Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn khi lập bước thiết kế đường đã thay thế mặt đường bê tông nhựa bằng mặt đường bê tông xi măng.
Việc thay thế mặt đường đã gây lãng phí ngân sách nhà nước hơn 15 tỷ đồng.
"Dự án buýt nhanh BRT cũng giống như nhiều dự án xây dựng hạ tầng khác, luôn lặp lại điệp khúc chậm tiến độ, đội vốn, gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước. Đây là căn bệnh khó chữa trong đầu tư công mà hầu hết khi mới bắt đầu ai cũng đã nhìn ra", TS Nguyễn Đình Thám nhận định.
Không chỉ chuyện đội vốn, chậm tiến độ, dự án BRT còn gây tranh cãi nhiều liên quan tới tiền chênh lệch mua xe buýt.
TS Nguyễn Đình Thám cho biết, thời điểm mới đưa vào hoạt động, Hà Nội và chủ đầu tư có giải thích do tính chất đặc biệt của buýt nhanh nên xe cũng phải được thiết kế riêng cho phù hợp với điều kiện kỹ thuật, hạ tầng, tốc độ của loại hình vận tải này.
"Mặc dù giải thích trên ai cũng thấy có vấn đề và khó thuyết phục nhưng vì đây là loại hình vận tải mới và cũng chưa có cơ sở để khẳng định dự án có sai phạm nên dư luận tạm lắng xuống.
Bây giờ TTCP đã chỉ rõ sai phạm, tất cả đều cho thấy nghi ngờ của dư luận là hoàn toàn có cơ sở", vị TS cho biết.
Cào đường nhựa đổ bê tông: Máy móc
Ngoài ra, vị TS còn đặc biệt lưu ý tới một điểm vô lý cũng được TTCP nhắc tới, đó là việc "cào" mặt đường nhựa để đổ bê tông.
"Đã gọi là buýt nhanh thì tốc độ phải nhanh. Để bảo đảm yêu cầu cho BRT hoạt động tốt thì yêu cầu kỹ thuật cũng cao hơn, điều kiện hạ tầng cũng phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn, vì thế, ở nước ngoài, đường dành cho BRT phải là đường được thiết kế riêng.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, nói là buýt nhanh nhưng không nhanh hơn được buýt thường. Với điều kiện vận chuyển, kỹ thuật như ở Việt Nam, thì BRT hoàn toàn có thể tận dụng nền đường có sẵn để vận hành mà vẫn bảo đảm an toàn lại tiết kiệm được chi phí thi công.
Hơn nữa, tuyến BRT Yên Nghĩa - Bến xe Kim Mã là tuyến đầu tiên và đang trong thời gian chạy thí điểm, vì thế, việc bỏ ra 15 tỷ đào mặt đường nhựa thay bằng đường bê tông là không cần thiết và quá lãng phí.
Ở đây, ngoài tư duy bảo thủ, giáo điều, tức là áp dụng một cách máy móc, rập khuôn theo mô hình của các nước khác thì còn phải làm rõ có hay không chuyện cố ý, vẽ dự án ?", TS Nguyễn Đình Thám đặt vấn đề.
Vị TS nhấn mạnh, cần chấm dứt ngay tư duy tiền của ngân sách, tiền của nhà nước thì tiêu thế nào cũng được, cứ tiêu là lại có cơ hội để hưởng lợi. Đó là tư duy lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không vì lợi ích chung, không vì mục đích phát triển chung của đất nước.
Chính vì tư duy này nên mới tồn tại những dự án đội vốn, chậm tiến độ, gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách, cho tiền thuế của dân.
Theo TS Nguyễn Đình Thám, với những sai phạm đã được TTCP chỉ rõ ràng tại dự án này thì bước tiếp theo là phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tập thể có liên quan.
"Cần phải xem xét trách nhiệm cụ thể của từng bên, bắt đầu tư khâu đề xuất ý tưởng xây dựng dự án. Ở khâu này có thể xem xét ở hai khía cạnh, một là do trình độ kém, nên ý tưởng đưa ra không sát thực tế. Hai là, cố tình vẽ dự án đề trục lợi. Sai phạm do đâu sẽ xử lý tới đó.
Riêng với việc chênh lệch tiền bán xe thì cần phải xem xét thêm tội tham ô, trục lợi tài sản công, nếu cần phải truy tố", vị TS đề xuất.
Hoài An
Phút trải nghiệm buýt nhanh BRT trong giờ cao điểm
Mặc dù là giờ cao điểm, tuyết buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa di chuyển trên quãng đường 14,7 km, ... |
Dòng xe nườm nượp chạy ngược chiều ở đường BRT Hà Nội
Để tránh đoạn ùn tắc giờ cao điểm, hàng trăm xe máy leo vỉa hè, chạy ngược chiều tại làn BRT ở phố Tố Hữu, ... |
Buýt nhanh BRT vẫn "độc đạo" một đường: Lãng phí hạ tầng giao thông
Buýt nhanh BRT vẫn “một mình một đường”, đó là thông tin được ông Ngô Mạnh Tuấn - PGĐ Sở GTVT Hà Nội - cho ... |
Sở Giao thông Hà Nội: \'Buýt thường không được đi vào làn BRT\'
Ông Ngô Mạnh Tuấn cho rằng ý kiến cho các phương tiện đi vào đường dành cho buýt nhanh BRT là của một đơn vị ... |