- Đừng để người giỏi nản lòng vì định kiến
- Còn ai thay người giỏi hơn \"Mr. Park\", xin mời giơ tay lên
Thay vì cúi đầu, người tài nên ngẩng cao đầu, tự tin vào năng lực bản thân, dám dấn thân, dám bảo vệ chính kiến trong một xã hội ngày càng thay đổi nhanh.
Câu thành ngữ “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” từ lâu đã trở thành một chân lý vàng trong văn hóa Việt, ngầm định rằng người có tài, có đức ắt phải khiêm tốn, thu mình. Quan niệm này ăn sâu bén rễ, chi phối cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá sự thành công, sự giỏi giang của một cá nhân.
Trong vô số trường hợp, sự khiêm nhường được đồng nhất với phẩm chất cao đẹp, trong khi một chút tự tin thể hiện bản thân lại dễ bị gán cho cái mác kiêu căng, ngạo mạn.
Trong bối cảnh xã hội truyền thống, khi sự ổn định và hòa đồng được đặt lên hàng đầu, việc khuyến khích sự khiêm tốn có những giá trị nhất định. Nó giúp duy trì trật tự, tránh những xung đột không cần thiết và đề cao tinh thần tập thể. Cái tôi cá nhân vì thế thường được hòa tan vào cái “chúng ta”, tạo nên bức tranh xã hội hài hòa nhưng đôi khi lại thiếu đi những gam màu cá tính, đột phá.
Hậu quả của lối tư duy này là không ít lần, chúng ta bỏ lỡ những ý tưởng táo bạo, những con đường mới mẻ chỉ vì lo sợ sự khác biệt, sợ bị đánh giá là “đi ngược lại số đông”.
Đáng lo ngại hơn, quan niệm này còn tạo ra một môi trường e dè trong các tổ chức, cả nhà nước lẫn tư nhân. Cán bộ, nhân viên ngại đưa ra những đề xuất mang tính đột phá, không dám mạo hiểm với những ý tưởng “lệch chuẩn” vì sợ bị đồng nghiệp xa lánh, cấp trên không hài lòng.
Họ dần quen với việc đi theo lối mòn, chấp nhận những giải pháp an toàn, “dĩ hòa vi quý” thay vì mạnh dạn thể hiện năng lực và tầm nhìn của mình. Hệ quả là sự phát triển chậm chạp, thiếu tính cạnh tranh và khó tạo ra những bước nhảy vọt đáng kể. Xã hội dường như chỉ chấp nhận những người giỏi “kín tiếng”, những người thành công mà không dám lên tiếng.
Tuy nhiên, thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 kéo theo những biến đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực. Trong bối cảnh đó, liệu quan niệm “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” có còn phù hợp? Theo tôi, đã đến lúc chúng ta cần một góc nhìn khác, một sự thay đổi trong tư duy.

Quan niệm “bông lúa chín là bông lúa cúi đầu” không còn phù hợp, người giỏi phải ngẩng cao đầu. (Ảnh minh họa: AI)
Người giỏi, người có năng lực thực sự, tại sao lại phải cúi đầu? Trong một xã hội mà sự sáng tạo, đổi mới và tư duy phản biện là yếu tố then chốt để phát triển, việc khuyến khích những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ là vô cùng cần thiết. “Ngẩng cao đầu” ở đây không có nghĩa là kiêu ngạo hay tự mãn, mà là sự tự tin vào năng lực của bản thân, là sự dám dấn thân, dám bảo vệ chính kiến và thể hiện một cái tôi rõ nét.
Hãy nhìn vào thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Họ lớn lên trong thế giới phẳng, nơi thông tin và sự kết nối không còn rào cản. Họ tự tin thể hiện cá tính, không ngại khác biệt và sẵn sàng thách thức những quan niệm cũ kỹ. Chính sự mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm của họ đang dần thay đổi cách xã hội nhìn nhận về sự thành công và tài năng.
Họ hiểu rằng, để chứng tỏ bản thân trong một thế giới đầy cạnh tranh, việc sở hữu năng lực thôi là chưa đủ, mà còn cần phải biết cách thể hiện và khẳng định giá trị của mình.
Một xã hội phát triển không phải là xã hội đồng nhất, mà là xã hội đa dạng, nơi những cá nhân khác biệt được tôn trọng và có cơ hội phát triển tối đa tiềm năng của mình. Chúng ta cần học cách chấp nhận những cái tôi cá nhân rõ nét, thậm chí cả những sự dị biệt nếu nó mang lại giá trị cho cộng đồng. Thay vì chỉ chú trọng đến sự “kín tiếng”, chúng ta cần khuyến khích những người giỏi mạnh dạn lên tiếng, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và dẫn dắt cộng đồng.
Tất nhiên, sự tự tin và thể hiện bản thân cần đi đôi với năng lực thực sự và tinh thần trách nhiệm. Chúng ta không cổ súy cho sự ngạo mạn hão huyền hay những lời nói suông vô căn cứ, nhưng chúng ta cần tạo ra một môi trường cởi mở hơn, nơi những người có năng lực không còn phải e dè trong việc thể hiện bản thân, nơi những ý tưởng mới lạ không bị dập tắt chỉ vì đi ngược lsố đông.
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi lăng kính nhìn nhận về câu thành ngữ “Bông lúa chín là bông lúa cúi đầu”. Trong xã hội hiện đại, có lẽ hình ảnh phù hợp hơn là “Bông lúa chín, hạt mẩy trĩu vàng, hiên ngang trước gió”. Sự giỏi giang và sâu sắc không nên đồng nghĩa với việc phải ẩn mình, mà cần được thể hiện một cách tự tin và mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Hãy để những “bông lúa chín” ngẩng cao đầu, tỏa sáng trí tuệ và dẫn dắt chúng ta đến những chân trời mới.
https://vtcnews.vn/bong-lua-chin-khong-can-cui-dau-nguoi-gioi-phai-ngang-cao-dau-ar935554.html