Bất cập về lịch thi đấu chỉ là một trong những lý do khiến bóng đá Việt Nam không thể “xây nhà từ móng”.
“Xây nhà từ nóc”
Cách đây 26 năm, cố HLV Alfred Riedl khiến giới mộ điệu choáng váng khi tuyên bố: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”. Ở thời điểm đó, chiến lược gia người Áo vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam nhưng lập tức nhìn ra vấn đề. Ông cho rằng bóng đá Việt Nam chỉ “chăm chăm” nhìn vào thành tích từ đội tuyển quốc gia trở xuống mà bỏ qua các nền tảng cơ bản.
Gần 3 thập kỷ trôi qua, bóng đá Việt Nam không giậm chân tại chỗ. Đội tuyển Việt Nam thậm chí đã gặt hái được nhiều thành tích lớn, bao gồm 2 chức vô địch AFF Cup vào các năm 1998, 2018 và lọt vào vòng loại cuối cùng của World Cup 2022 khu vực châu Á. Các đội tuyển trẻ cũng có nhiều chiến công, bao gồm 2 tấm HCV SEA Games, ngôi Á quân U23 châu Á 2023, vào bán kết ASIAD 18 và giành vé dự U20 World Cup 2017. Tuy nhiên, cách nhìn nhận bóng đá của người hâm mộ và các nhà quản lý dường như không khác đi là bao. Thành tích của các đội tuyển quốc gia vẫn được ưu ái hơn cả, và người ta dựa vào đó để đưa ra những quyết định quan trọng khác.
HLV Troussier phải ra đi chỉ sau 1 năm khi cố gắng thay đổi văn hóa và triết lý bóng đá Việt Nam. Chiến lược gia người Pháp thất bại rõ ràng về kết quả, nhưng ông ít nhiều cũng cho thấy sự dũng cảm trong nỗ lực giúp bóng đá Việt Nam “xây nhà từ móng”, với các định hướng rõ ràng. Cũng chính vì vậy, nhiều chuyên gia tiếc nuối, cho rằng HLV Troussier phù hợp làm giám đốc kỹ thuật hơn HLV trưởng.
Để xây nhà từ móng, bóng đá Việt Nam cần một kế hoạch dài hơn, một hướng đi xuyên suốt và phải chấp nhận trả giá. Cái giá trước mắt ở đây là những thất bại - như dưới thời HLV Troussier. Không có nền bóng đá nào vừa cải tổ, vừa chiến thắng, cho dù đó có là các cường quốc của môn thể thao vua như Brazil, Đức hay Tây Ban Nha.
Đáng tiếc, việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chấm dứt hợp đồng sớm với Troussier, đồng thời cùng Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tạm dừng V.League vì U23 Việt Nam cho thấy họ chưa sẵn sàng cho việc cải tổ bóng đá nước nhà như lúc quyết tâm đặt niềm tin vào HLV người Pháp. Tất nhiên, lỗi không hoàn toàn thuộc về VFF và VPF. Họ cũng có nỗi khổ riêng, bao gồm áp lực khổng lồ từ người hâm mộ.
Mới nhất, VFF và VPF đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác tổ chức các giải Bóng đá Chuyên nghiệp Quốc gia 2024/2025 với sự tham gia của 24/25 CLB chuyên nghiệp. Vấn đề được đông đảo các đại diện CLB quan tâm là công tác sắp lịch thi đấu. Ở mùa giải 2024/2025, ngoài 5 quãng nghỉ FIFA Days theo quy định, mỗi đợt kéo dài khoảng 2 tuần, còn quãng nghĩ dành cho đội tuyển quốc gia thi đấu tại AFF Cup (ngay sau FIFA Days tháng 11). Tổng thời gian V.League tạm nghỉ dành cho đội tuyển quốc gia là 116 ngày. Ngoài ra, V.League không chịu ảnh hưởng khi các đội tuyển trẻ tập trung, thi đấu.
Tuy nhiên, chỉ riêng việc thay đổi lịch thi đấu là chưa đủ để bóng đá Việt Nam xây nhà từ móng.
Cần sự chung tay của xã hội
Bóng đá môn thể thao được yêu thích và quan tâm nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, các giải đấu chuyên nghiệp lại thường xuyên rơi vào cảnh vắng khán giả. Ở mùa giải 2023, tại giai đoạn 1, số khán giả đến sân trung bình 6.876 người/trận. Sang giai đoạn 2, ở nhóm A (nhóm đua tranh vô địch) con số khả quan hơn khi trung bình có 7.286 người đến xem một trận đấu. Tuy nhiên, nhóm B (đua trụ hạng) con số chỉ đạt 5.433 người/trận.
Mùa giải này, tình trạng tương tự xảy ra. Cho dù một số CLB như Thép Xanh Nam Định, Hà Nội FC hay Hải Phòng vẫn có lượng cổ động viên trung thành đông đảo, nhưng nhiều CLB khác lại đánh mất khán giả. Trong đó đáng kể nhất là LPBank HAGL hay SLNA, những đội vốn rất được yêu thích trước đây. Sau 15 vòng đấu, số lượng khán giả đến sân chỉ đạt trung bình 6.268 người/trận.
Người hâm mộ không quan tâm, không chịu chi tiền cho V.League dẫn đến sự đứt gãy trong hệ thống phát triển bóng đá. Từ lâu, không có CLB nào tại Việt Nam có thể tự nuôi sống bản thân mà không cần đến ngân sách của tỉnh hoặc nguồn tiền khổng lồ từ nhà tài trợ. Cũng chính vì vậy, tình trạng “một ông bầu nhiều đội bóng” vẫn tồn tại theo nhiều cách mà không thể thay đổi. Nếu các ông bầu này chỉ tập trung vào một CLB, rất nhiều CLB khác sẽ đối mặt với nguy cơ giải thể sớm.
Ngược lại, vẫn những người hâm mộ đó lại soi mói kết quả, màn trình diễn của đội tuyển quốc gia để tạo áp lực ngàn cân lên các nhà quản lý bóng đá. Bất cập lớn nằm ở chỗ đó. Nói cách khác, đa số người hâm mộ Việt Nam không muốn đóng góp cho bóng đá nước nhà nhưng luôn đòi hỏi thành tích cao.
Bỏ qua những vấn đề vĩ mô như đào tạo, phát triển tài năng trẻ và hệ thống thi đấu chuyên nghiệp “đúng chuẩn” thế giới, bóng đá Việt Nam chỉ có thể thay đổi khi người hâm mộ thay đổi. Tất nhiên, góc nhìn nào cũng có hai chiều. Người hâm mộ từng cảm thấy bị phản bội và quay lưng với bóng đá nước nhà. Việc quan trọng nhất với VFF và VPF bây giờ là đưa họ trở lại các sân cỏ từ giải trẻ quốc gia cho đến giải hạng Nhất, V.League. Chỉ khi nào đời sống bóng đá sôi động đến từng ngóc ngách như vậy, các bài toán vĩ mô mới có hướng giải quyết.
Bóng đá chuyên nghiệp không thể cứng nhắc dùng nhiều cầu thủ trẻ
Liên quan đến việc phát triển cầu thủ trẻ, nhiều ý kiến cho rằng Ban tổ chức V.League cần tạo điều kiện cho họ thi đấu nhiều hơn bằng các quy định bắt buộc, ví dụ như mỗi đội buộc phải sử dụng bao nhiêu cầu thủ U23 trong đội hình xuất phát. Tuy nhiên, HLV Phạm Minh Đức khẳng định đây là điều không nên.
HLV Phạm Minh Đức nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ, gặt hái nhiều thành tích và là thầy của nhiều ngôi sao xuất phát từ lò trẻ Hà Nội FC. Ông nhấn mạnh: “Nhiều quốc gia từng đưa ra quy định như vậy, nhưng các CLB luôn tìm cách đối phó như đưa cầu thủ trẻ vào 1 phút rồi thay luôn. Thực tế, không nền bóng đá phát triển nào quy định cứng nhắc như thế. Tùy vào mục tiêu của các đội bóng, họ phải sử dụng các cầu thủ tốt nhất và phù hợp nhất. Vấn đề không phải là tuổi tác, mà là cầu thủ đó có thể đóng góp bao nhiêu cho đội bóng”.
https://cand.com.vn/the-thao/bong-da-viet-nam-can-phai-xay-nha-tu-mong-i728216/