Giờ này năm ngoái, không ít người đang tự hỏi Park Hang Seo là ai, và liệu HLV này có thể vực dậy bóng đá Việt Nam sau thất bại đau đớn ở SEA Games 29.
1. HLV Park Hang Seo xuất hiện trong phòng họp báo với dáng vẻ đạo mạo. Phóng viên yêu cầu ông... ngồi thẳng người để lên hình cho đẹp. Ông nở nụ cười hiền lành, nói câu xin lỗi, vì dáng ngồi ấy là thói quen của ông. Nhiều năm qua, không nhiều lần người đàn ông ở tuổi 59 này tham dự buổi họp báo với sự xuất hiện của cả trăm phóng viên, từ Việt Nam đến Hàn Quốc.
Sau bài phát biểu được tóm gọn trong một tờ giấy A4, dư luận bắt đầu đặt câu hỏi. Hầu hết trong đó đều là nghi ngờ. "Vai trò thực sự của ông khi là trợ lý của HLV Guus Hiddink là gì?", "Tại sao báo chí Hàn Quốc gọi ông là quý ngài ngủ gật?", "Ông có tin mình sẽ tại vị đến hết thời hạn hợp đồng?",...
HLV Park Hang Seo ngày ra mắt trong cương vị HLV trưởng ĐTVN. (Ảnh: Duy Thành)
Ở tuổi 59, người đàn ông này lần đầu rời khỏi quê hương để dẫn dắt một đội tuyển quốc gia. Ở tuổi 59, khi nhiều HLV đã tính đến chuyện nghỉ hưu, ông tự tin nói rằng sẽ mang đến cho bóng đá Việt Nam "những điều mới mẻ".
Những ngày đầu của Park Hang Seo ở Việt Nam đã bắt đầu như thế.
Đặt chân xuống sân bay Nội Bài, Tiến Dũng, Quang Hải tận hưởng cảm giác ra về "không kèn không trống" sau khi U22 Việt Nam bị loại ở vòng bảng SEA Games 29. Cảm giác này, cứ ngỡ bóng đá nam hiếm khi trải qua, song lứa cầu thủ sinh năm 1997 phải nếm trải đến hai lần. Năm 2016, U19 Việt Nam cũng về nước với không người chào đón sau trận thua 0-6 trước U19 Thái Lan.
Bữa ăn trước trận đấu quyết định với U22 Thái Lan, Công Phượng vỗ vai Hồ Tuấn Tài - người vừa bị cổ động viên "khủng bố" mạng xã hội sau cú đặt lòng đưa bóng chạm cột, khiến U22 Việt Nam bị U22 Indonesia thủ hòa 0-0.
Công Phượng muốn thực hiện quả đá phạt đền thay cho Tuấn Tài, bởi nếu Công Phượng đá hỏng thì cổ động viên... chửi hoài cũng quen. Còn Tuấn Tài đá hỏng, e rằng tiền đạo xứ Nghệ không gượng dậy được.
Sức ép ấy, Duy Mạnh thừa hiểu. Cầu thủ sinh năm 1996 từng bị chỉ trích kịch liệt với hai đường chuyền hỏng khiến U23 Việt Nam thua U20 Argentina tới... 0-5 trong trận giao hữu ở Mỹ Đình. Ở giải giao hữu M150, Mạnh lại chơi tệ, khiến nhiều người yêu cầu HLV Park Hang Seo trả cầu thủ này về với CLB.
Olympic Việt Nam ăn mừng sau chiến thắng kịch tính trước Olympic Syria.
2. Đó là chuỗi sự kiện diễn ra trong vòng hai năm trở lại đây, trước khi kỳ tích U23 châu Á và ASIAD xuất hiện. Từ HLV Park Hang Seo đến các cầu thủ, cả thầy và trò, đều đã trải qua quãng thời gian chông chênh và sống trong hoài nghi của người hâm mộ. Bóng đá cho bạn nhiều, và lấy đi của bạn tất cả. Hạnh phúc chỉ đến với những ai vượt qua những "khổ ải" mà nó đặt ra.
Bóng đá luôn có những chuyện cổ tích, mà chức vô địch Ngoại hạng Anh của Leicester City là một ví dụ. Bước tiến thần tốc của bóng đá Việt Nam cũng khiến dư luận sục sôi mổ xẻ và gọi đó là điều kỳ diệu.
Nhưng kỳ thực, chẳng có điều kỳ diệu nào cả. Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Trải qua đủ thất bại và tích lũy đủ bài học, các cầu thủ sẽ đủ trưởng thành để thực hiện bước nhảy. Câu chuyện của thầy Park và bóng đá Việt Nam cũng giống như câu chuyện tình yêu. Quan trọng là đúng người, đúng thời điểm.
Những con người cùng bị hoài nghi đến với nhau, tạo nên một tập thể cùng bị hoài nghi, song chính sự thống khổ ấy lại tạo thành sợi dây đồng cảm để HLV Park Hang Seo xây dựng nên một gia đình bóng đá.
HLV Park Hang Seo giờ đã là "quý nhân" của bóng đá Việt Nam.
Giữa cơn bão tuyết lạnh lẽo ở Thường Châu hay mặt sân bê tông khô cằn ở Cikarang, ngọn lửa quyết tâm vẫn hừng hực cháy. Tinh thần dân tộc hay hình ảnh biểu tượng mà nhiều người ưu ái dành cho U23 Việt Nam hay Olympic Việt Nam thực chất xuất phát từ sự đồng cảm qua những tháng ngày chông chênh như thế. Họ nhìn nhau mà cố gắng, và cố gắng trước hết là vì nhau.
3. Không có huy chương cho người thất bại, dù là Á quân U23 châu Á hay hạng tư ASIAD. Nhưng nói như nhà báo Phạm An thì vài năm nữa, trong trí nhớ cơ học của người hâm mộ, còn ai nhớ đến đội bóng của thầy Park với những thành tích, con số khô khan?
Không. Con số hay danh hiệu chỉ là cơn say thỏa mãn nhất thời. Thứ quý giá nhất mà Olympic Việt Nam để lại là niềm cảm hứng để bóng đá Việt Nam thực hiện cú bật, thoát ra khỏi lằn ranh "bán chuyên" mà 17 năm qua đi mãi không qua.
Tấm áo ấm mà Xuân Trường dành cho đồng đội, hình ảnh Duy Mạnh cắm quốc kỳ lên đụm tuyết trắng, đội trưởng Văn Quyết lê cái chân đau đi cảm ơn cổ động viên, hay người cha già Park Hang Seo cúi đầu lặng lẽ trong cabin huấn luyện. Những hình ảnh chạm đến trái tim và có giá trị hơn bất cứ bài học sách vở nào.
Ngọn lửa đỏ cháy lên trong màn tuyết trắng.
Nguồn cảm hứng ấy đưa chân giá trị của bóng đá lên tầm cao mới và tạo động lực để lớp lớp cầu thủ kế cận có động lực cố gắng. Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng,... từng thất bại đến mức ấy còn đứng dậy được, thì "tại sao phải sợ hãi, tại sao phải cúi đầu"?
Thứ bóng đá tử tế, sạch sẽ trên nền tảng tinh thần không buông bỏ sẽ luôn được khán giả đón nhận. Mỗi giải đấu, kỳ tích qua đi, chỉ có những bài học ở lại. V-League, cúp Quốc gia, giải U16, U19 châu Á, AFF Cup hay Asian Cup trở lại, một chương mới lại bắt đầu.
Cú đá bay huy chương hay đá bay mặt nạ của NHM nước nhà?
Chỉ sau một cú sút penalty, mọi chuyện bỗng dưng đổ sụp trước mặt Nguyễn Quang Hải. Phải chăng, tình yêu bóng đá của người ... |
Ảnh: Những nhà cầm quân hói đầu nổi tiếng trong lịch sử bóng đá
Ngoài nhà cầm quân xứ sở Kim Chi của đội tuyển Việt Nam Park Hang Seo, trên thế giới có rất nhiều các thuyền trưởng ... |
Cảm ơn Park Hang-seo, người nâng tầm bóng đá Việt Nam
Những chiến thắng, sự kiên định và tình yêu vô điều kiện với Việt Nam giúp HLV Park Hang-seo đạt được vị thế chưa từng ... |
HLV Park Hang-seo: "Bóng đá Việt Nam đã vươn lên tầm châu lục"
Đội tuyển Olympic Việt Nam kết thúc ASIAD 2018 ở vị trí thứ 4 môn bóng đá nam sau khi thất bại trước đối thủ ... |