Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT thay thế Thông tư 11 hiện hành, trong đó dự kiến sẽ thi 3 môn vào lớp 10 với 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn, môn thi thứ 3 tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng việc bốc thăm môn thi thứ 3 vào cuối tháng 3 hàng năm là không phù hợp vì vừa gây thêm áp lực cho học sinh, vừa có nguy cơ biến kỳ thi vào lớp 10 vốn khốc liệt trở thành cuộc đua đầy may rủi.
Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT nêu hai phương thức tuyển sinh vào lớp 10 là xét tuyển hoặc thi tuyển; không còn phương thức thứ 3 như quy định hiện hành là kết hợp xét và thi tuyển. Về phương thức thi tuyển, Dự thảo quy định thi vào lớp 10 là 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do sở GD&ĐT tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại thuộc chương trình GDPT cấp THCS. Dự thảo còn quy định chi tiết về cách thức bốc thăm môn thi thứ 3 và dự kiến quy định môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hàng năm.
Chị Nguyễn Thu Trang, phụ huynh học sinh tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Dù biết Dự thảo đang lấy ý kiến nhưng tôi cảm thấy rất hoang mang, lo lắng. Ở chương trình GDPT bậc THCS hiện nay, các con học 10 môn, tổ hợp môn bắt buộc.
Nếu trừ đi 2 môn thi bắt buộc vào lớp 10 là Toán và Ngữ văn thì môn thi thứ 3 sẽ nằm trong số 8 môn học, tổ hợp môn còn lại gồm: Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, tổ hợp Khoa học tự nhiên, tổ hợp Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Tin học. Nếu bốc thăm vào môn tổ hợp như Khoa học Tự nhiên gồm Hóa học, Sinh học, Vật lý hay Lịch sử, Địa lý thì học sinh phải thi tới tận 4-5 môn, quá vất vả và áp lực. Trong khi đó, việc tổ chức dạy và học 2 môn tích hợp này thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập và gây nhiều tranh cãi. Còn bốc thăm vào các môn năng khiếu như Giáo dục thể chất, Nghệ thuật cũng không phù hợp với mục tiêu của kỳ thi, gây khó khăn trong việc tổ chức thi. Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội nhiều năm nay luôn có sự cạnh tranh khốc liệt nên việc bốc thăm môn thứ 3 sẽ vô tình đẩy học sinh vào cuộc đua đầy may rủi”.
Anh Trần Hữu Đạt, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, mục đích của Bộ GD&ĐT khi đưa ra phương án bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên môn thứ 3 là nhằm tạo cho học sinh thói quen phải học đều các môn thay vì chỉ tập trung vào một số môn thi bắt buộc như Toán, Ngữ văn song quy định như vậy là không nên. Điều này không chỉ tạo áp lực lớn cho học sinh, phụ huynh và cả nhà trường mà còn khiến học sinh phải học dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, việc bốc thăm môn thứ 3 vào cuối tháng 3 hàng năm trong khi kỳ thi vào lớp 10 thường diễn ra vào đầu tháng 6 là quá muộn.
“Tôi cho rằng, nếu muốn thay đổi cách thi phù hợp với mục tiêu của chương trình GDPT mới là giảm bớt áp lực thì môn thi thứ 3 hãy để các Sở GD&ĐT tự lựa chọn phù hợp với điều kiện, mục tiêu giáo dục của từng địa phương. Chẳng hạn, đối với các tỉnh/thành phố có điều kiện kinh tế, xã hội như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, môn thi thứ 3 nên là Ngoại ngữ. Điều này đảm bảo kiến thức toàn diện cho học sinh, vừa phù hợp với các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về việc đưa Tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”, anh Đạt nêu ý kiến.
Cô Nguyễn Thanh Hải, giáo viên bậc THCS ở Nghệ An cũng không đồng tình với quy định bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10. Theo cô Hải, việc thi tuyển vào lớp 10 có mục tiêu là phân loại thí sinh khác với thi tốt nghiệp THPT. Do đó, việc áp quan điểm “học gì thi đó” để tránh học tủ, học lệch của kỳ thi tốt nghiệp THPT vào kỳ thi lớp 10 là không hợp lý. Với một kỳ thi mang tính phân loại cao như thi vào lớp 10, mục tiêu quan trọng là đảm bảo sự công bằng trong khi đó, việc bốc thăm sẽ tạo sự may rủi, không tạo nền tảng năng lực đặc thù giúp ích cho học sinh lựa chọn các môn học phù hợp ở cấp THPT.
Theo cô Hải, Bộ GD&ĐT chỉ nên quy định về các phương thức được phép sử dụng để tuyển sinh vào lớp 10 hoặc số môn thi để dễ thực hiện như môn thi thứ 3 phải là môn đánh giá bằng điểm số, tránh quá tải cho học sinh; còn việc lựa chọn phương thức nào, môn thi nào thì nên giao quyền tự chủ cho địa phương như hiện nay.
Thầy Vũ Văn Huy, giáo viên THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, với một số môn học ứng dụng và năng khiếu như Tin học, Công Nghệ, Mỹ Thuật, Âm nhạc, Giáo dục thể chất sẽ rất khó khăn nếu tổ chức thi. Với các môn học còn lại như Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên, Lịch Sử và Địa lý, Giáo dục công dân, đây đều là các môn khoa học cơ bản nên phù hợp với việc sử dụng làm môn thi thứ 3 vào lớp 10.
Theo thầy Huy, phương án tốt nhất là cho học sinh được tự lựa chọn một trong số môn học này. Tuy nhiên, bất cập của phương án học sinh tự chọn môn thi thứ 3 là sẽ gây khó khăn cho công tác ra đề thi, chấm thi. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, có thể ấn định môn thi thứ 3 là môn Ngoại ngữ vì sẽ tạo thuận lợi cho tất cả học sinh khi vào học cấp THPT, đây là môn học bắt buộc. Việc này cũng phù hợp với tinh thần Kết luận 91-KL/TW của Bộ Chính trị từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, phù hợp với bối cảnh công dân toàn cầu trong tương lai.
Bên cạnh các ý kiến phản đối việc bốc thăm môn thi thứ 3 vào lớp 10, hiện cũng có một số ý kiến đồng tình với phương án này. Lý do là ngoài việc tránh học tủ, học lệnh ở bậc THCS, phương án này có sự thống nhất với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 (Toán và Ngữ văn bắt buộc cùng hai môn tự chọn) sẽ tạo tính xuyên suốt trong dạy và học với tinh thần không coi nhẹ hay đặt nặng môn nào, trong đó Ngữ văn và Toán là hai môn xương sống. Ngoài ra, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 theo chương trình GDPT mới được tổ chức nên việc có một khung thống nhất về số lượng môn thi trên toàn quốc sẽ tạo thuận lợi trong định hướng giáo dục chung.
https://cand.com.vn/giao-duc/boc-tham-mon-thi-thu-3-vao-lop-10-lieu-co-phu-hop--i746370/