Bộ Y tế lên tiếng về đề nghị phát triển Đại học Y Dược thành ĐH Sức khỏe

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đưa ra đề nghị đổi tên Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh thành Đại học Sức khỏe để không tụt hậu so với Lào, Campuchia. Ngay sau đó, nhiều ý kiến tranh luận đã đưa ra.

Ý kiến này được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu ra tại Lễ khai giảng năm học mới của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chiều ngày 16.9. Phát biểu này của Bộ trưởng đã trở thành chủ đề tranh luận trên mạng xã hội.

Chiều 17.9, đại diện Bộ Y tế - Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học đào tạo và Công nghệ (Bộ Y tế) đã đưa ra ý kiến liên quan đến việc tại sao lại gọi là Đại học Khoa học Sức khoẻ, và một số thông tin liên quan.

Năm học 2019-2020 là năm học thứ 2 thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và là năm học đầu tiên thực hiện những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Với trách nhiệm được giao, Bộ Y tế đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án như thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi nói rõ hơn, ​khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như Đại học Quốc gia (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco... Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường Đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng... Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tao liên ngành...

Tiến sĩ Nguyễn Minh Lợi cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo.

Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi. Ví dụ Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hiện nay hoạt động theo mô hình trường đại học đang làm đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình Đại học Khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình đại học khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê quyệt".

Bộ Y tế giải thích ý nghĩa tên ĐH Khoa học Sức khoẻ
Rao bán thực phẩm tràn lan trên mạng xã hội: Bộ Y tế làm việc với Facebook để siết chặt
Bộ Y tế: Trong tháng 9 sẽ ban hành thông tư về sữa học đường, cân nhắc bổ sung 21 vi chất

/ laodong.vn