Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo dịch thủy đậu thường bùng phát vào tháng ba nên các gia đình lưu ý phòng bệnh cho trẻ.
Thống kê của Cục Y tế Dự phòng, năm 2017 cả nước ghi nhận gần 40.000 ca thủy đậu, xuất hiện tập trung vào các tháng 2-5, đạt đỉnh dịch vào tháng 3. Nếu những tháng cuối năm ngoái chỉ dưới 2.000 ca tháng 3 số bệnh nhân tăng gấp 4 lần.
Tiến sĩ Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương chưa biết, mầm bệnh thủy đậu luôn tồn tại nên lúc nào trẻ em, thậm chí người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ thành dịch do lây qua đường hô hấp, thường bùng phát vào mùa đông xuân khi thời tiết ấm.
“Bệnh lây qua đường hô hấp nên rất khó phòng ngừa trong khi nguy cơ lây bệnh rất cao. Những ai chưa từng mắc bệnh, chưa tiêm phòng đều có nguy cơ mắc bệnh”, tiến sĩ Huy nói.
Trẻ bị thủy đậu có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: N.P. |
Nhiều người nghĩ thủy đậu chỉ là bệnh ngoài da nên không nguy hiểm. Tuy nhiên nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ gây nhiều biến chứng.
Mụn nước do thủy đậu có thể gây viêm da bội nhiễm, để lại các vết sẹo lõm trên da. Biến chứng thứ hai có thể gặp phải là viêm phổi với triệu chứng như đau ngực, khó thở, tím tái, ho ra máu. Nguy hiểm hơn, bệnh có thể dẫn đến viêm não, rối loạn tâm thần, co giật, hôn mê…, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ lưu ý, trẻ mắc bệnh cần được đưa đến viện khám, không nên dùng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc để tự chữa bệnh ngoài da cho trẻ. Không ít trường hợp tự chữa, bệnh không khỏi mà còn gây ra tình trạng nhiễm độc da toàn thân. Ngoài ra, người bệnh thủy đậu có nguy cơ bị bệnh zona (tên dân gian là giời leo). Khi khỏi bệnh, siêu vi thủy đậu vẫn tồn tại trong cơ thể. Lúc hệ miễn dịch suy giảm,virus sẽ tấn công gây viêm da, ảnh hưởng đến sức khỏe và thẩm mỹ của người bệnh.
Thủy đậu là bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do virus varicella zoster. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xảy ra với người có hệ miễn dịch yếu hoặc chưa hoàn thiện, nhất là trẻ nhỏ, người già và thai phụ.
Ở phụ nữ mang thai, đặc biệt thai kỳ khoảng 13-20 tuần, do hệ miễn dịch suy giảm nên nếu mắc thủy đậu có thể dẫn đến sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (dị dạng ở sọ, đa dị tật ở tim, trẻ sơ sinh mắc chứng đầu nhỏ…). Trẻ sơ sinh bị thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong lên đến 30%.
Theo tiến sĩ Huy, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng. Trẻ bệnh cần ít nhất 7-10 ngày để hồi phục lên cân lại.
Phụ nữ nên tiêm văcxin phòng bệnh trước khi có thai; không được tiêm khi đã mang thai. Trẻ từ một đến 12 tuổi chỉ cần một liều văcxin là đủ ngừa bệnh. Từ 13 tuổi trở lên, mỗi người cần được tiêm hai liều cách nhau ít nhất sáu tuần.
Để chủ động phòng ngừa bệnh thủy đậu, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm ngừa văcxin đủ liều, đúng lịch.
- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
- Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm 7-10 ngày từ kể từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Thủy đậu đang vào mùa
Khả năng lây lan rất cao, thủy đậu dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không được phát hiện sớm để điều trị ... |
4 điều mẹ nên biết trước mùa cao điểm bệnh thủy đậu
Bệnh thường xảy ra ở trẻ 2-7 tuổi, kéo dài 10-15 ngày, trung bình gây ra 300 thương tổn trên da. |