- Hàng loạt bác sĩ bệnh viện công 'dứt áo ra đi', đâu là nguyên nhân?
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Giám đốc bệnh viện công phải là bác sĩ
Với mức lương cơ sở hiện nay, bác sĩ sau khi học 7 năm rưỡi, nếu vào làm ở bệnh viện công thì lương chỉ xấp xỉ 4,9 triệu đồng/ tháng, trong khi tư nhân sẵn sàng trả gấp 3-4 lần, thậm chí gấp 5-6 lần…
Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp để giữ chân bác sĩ ở bệnh viện công |
Thông tin đến báo chí về tình hình bác sĩ “nhảy việc” từ khu vực y tế công lập sang tư nhân vẫn đang có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế đưa ra 3 lý do chính. Đầu tiên là áp lực công việc trong khu vực công ngày càng cao. Thứ hai là thu nhập thấp hơn so với tư nhân. Thứ ba là do áp lực của xã hội, gia đình và người thân.
Trong 5 năm trở lại đây, quá trình xã hội hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự xuất hiện của nhiều đơn vị y tế tư nhân tham gia vào công tác khám chữa bệnh, tạo ra nhiều cơ hội hơn cho nhân lực y tế nói chung, đặc biệt là nhân lực y tế có chuyên môn cao. Khi tìm được cơ hội đáp ứng mong mỏi, nhân viên y tế sẽ dịch chuyển sang khu vực y tế tư nhân.
Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân thứ hai, Bộ Y tế cho biết, lương và chế độ phụ cấp với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Nguyên nhân, tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.
Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng), thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề (mất khoảng 7 năm rưỡi), nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).
"Mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập vì mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập" - Bộ Y tế thông tin.
Cũng từ thu nhập thấp nên kéo đến nguyên nhân thứ ba là áp lực của xã hội, gia đình và người thân. Theo Bộ Y tế, thu nhập thấp dẫn đến nỗi lo về bảo đảm cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn mặc ở, lo lắng các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả... trong khi công việc của nhân viên y tế công lập lại quả tải, cường độ và thời gian lao động tăng; chế độ thu hút, đãi ngộ hạn chế hoặc không có nên dẫn đến tình trạng cán bộ y tế xin thôi việc, nghỉ việc tăng.
Vậy giải pháp nào giúp giữ chân lực lượng y tế khu vực công? Bộ Y tế cho biết, ngoài các giải pháp về tinh thần như động viên, chia sẻ, khen thưởng, giáo dục chính trị tư tưởng… thì quan trọng là phải quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế.
Bộ Y tế đã chỉ đạo tăng cường xã hội hóa ở những đơn vị có điều kiện để tăng thu nhập cho viên chức y tế, đặc biệt là viên chức có trình độ chuyên môn cao. Đồng thời, xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút, trọng dụng nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập…
Đặc biệt, Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ cho phép Bộ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, kể cả giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế, nhất là tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên…